Theo AS, từ mùa 2023/24, PSG được phép lỗ lũy kế lên đến 60 triệu euro trong vòng 3 năm. Mới đây, nhà đương kim vô địch Ligue 1 đối diện án phạt của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (EUFA) khi lỗ lũy kế ở mức 30 triệu euro trong 3 năm qua.
Trong năm 2023, đội bóng thủ đô Paris có thể dùng 90% doanh thu để chi trả tiền lương và phí hoa hồng cho người đại diện. Con số này lần lượt giảm còn 80% trong năm 2024 và 70% trong năm 2025. Nếu không đáp ứng được quy định này, PSG phải trả một khoản tiền phạt. Số tiền này sẽ được chia lại cho các đội thi đấu tại Champions League.
PSG được nới lỏng các quy định về FFP. |
Mùa 2021/22, quỹ lương của PSG lên đến 629 triệu euro, chiếm hơn 90% doanh thu đội bóng. Năm 2019, quỹ lương của đội chỉ vào khoảng 370 triệu euro. Lý do khiến quỹ lương phình to đến từ những bản hợp đồng Lionel Messi và Gianluigi Donnarumma, đồng thời là việc gia hạn với tiền đạo Kylian Mbappe.
Theo AS, cuộc chiến FFP không có nhiều tác động đến các CLB ở Ligue 1. DNCG là tổ chức được ủy quyền để theo dõi quá trình hoạt động và nguy cơ vi phạm FFP của các CLB tại Pháp.
Tiêu chí quan trọng của DNCG là việc các đội bóng phải đảm bảo nguồn vốn, bao gồm có thể tận dụng nguồn vốn từ bên ngoài. PSG được cho là lỗ hơn 224 triệu euro ở mùa giải 2021/22, tuy nhiên không bị DNCG "sờ gáy" vì được huy động vốn kịp lúc từ các cổ đông đến từ Qatar.
HLV Arsene Wenger từng nói: "Khi một CLB thuộc quyền sở hữu của một quốc gia, mọi thứ đều có thể. Đất nước sở hữu đội bóng PSG (theo lời HLV Arsene Wenger - PV) có mối liên hệ mật thiết với hai tổ chức bóng đá hàng đầu thế giới UEFA và FIFA. Bản thân ông Khelaifi là một thành viên của Ủy ban Điều hành UEFA từ nhiều năm nay".
Báo AS thậm chí còn cho rằng "UEFA có những quyết định có lợi cho PSG của Chủ tịch Nasser Al Khelaifi".
Khoảng 20 CLB hàng đầu ở châu Âu nằm trong danh sách theo dõi của UEFA về vi phạm FFP. Bên cạnh các CLB lớn như Barca, Arsenal, Juventus hay Inter Milan, những đội bóng hạng khá khác như Marseille, AS Roma, Galatasaray đều có nguy cơ vi phạm.