Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PR sách: Nhiều nhưng hời hợt

Thị trường xuất bản Việt Nam ngày càng đa dạng. Các công ty sách mọc lên như nấm sau mưa, các tin “tuyển nhân viên PR” nhan nhản, nhưng từ đây nảy sinh ra nhiều chuyện nực cười.

Nhân viên PR sách: thiếu và yếu

Các công ty xuất bản hiện nay mọc lên rầm rộ, mỗi công ty thường chuyên một mảng sách khác nhau nên cũng từ đó đăng tuyển nhân viên PR - truyền thông phù hợp theo yêu cầu. “Nhân viên càng trẻ càng năng động, được việc”, đó là suy nghĩ chung của không ít các sếp ngành xuất bản. 

Theo lẽ thông thường, chỉ cần thích đọc, tìm hiểu kỹ về các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đó hay các tình huống trong cuốn sách, cộng thêm sự trẻ trung, hoạt bát thì “kiểu gì đào tạo cũng thạo việc”. 

Và thế là, khá nhiều các bạn trẻ khi làm PR sách thì cho rằng làm rất dễ, chỉ cần đọc một vài cuốn/tác giả tiêu biểu, khi có sách mới ra thì gửi thông tin, gửi sách mới cho báo chí, lên tin bài, thế là xong. Tuy nhiên, chính vì sự hời hợt và còn mải đánh bóng hình ảnh trong mắt sếp, nhiều nhân viên PR sách non kém không hề trả lời được câu hỏi của phóng viên khi có nhu cầu tìm hiểu thêm về nội dung vì bản thân họ không hề bỏ thời gian đọc sách, phần lớn chỉ thông cáo báo chí mà họ gửi đi được “chế” trên tóm tắt, review của cuốn sách mà nguồn cung cấp từ bộ phận biên tập. 

Để tổ chức được một sự kiện ra mắt sách hoặc giao lưu cùng tác giả với nội dung “hay, độc, lạ”, người làm PR sách phải mất nhiều thời gian kết nối giữa các tác giả, khách mời, tác phẩm để tìm ra sự độc đáo về phần nội dung trao đổi, ngoài ra còn phải có sự sáng tạo trong việc lên ý tưởng về không gian của sự kiện đó. 

Ngoài việc lên nội dung họp báo, lên kịch bản họp, mời phóng viên, khách mời có liên quan, phần PR sách cũng phải đặc biệt chú trọng tới thông điệp mà buổi event đó muốn hướng tới. Nhiều cuộc họp báo giới thiệu sách chưa thực hiện được điều này mà khá đơn điệu theo công thức: giới thiệu qua nội dung, một vài nhà phê bình nhận xét và các phóng viên đặt câu hỏi. Và nhìn vào các buổi ra mắt sách na ná giống nhau hiện nay, người tham dự dễ dàng nhìn thấy sự cẩu thả, dễ dãi hoặc lười nhác của người tổ chức. 

Lý giải về việc này, chỉ có thể hiều được rằng: nhân viên PR sách trẻ thì không có kinh nghiệm cá nhân, mọi việc chỉ tiếp quản từ người tiền nhiệm và làm theo các tài liệu được nhận lại mà không có sự đầu tư chất xám, óc sáng tạo trong công việc.

Nhân viên PR sách đồng thời là người cập nhật thông tin sách lên website, blog, Facebook của công ty kịp thời và thường xuyên nhưng nhìn chung, hiện giờ nội dung này thường chậm so với nhịp độ sách được phát hành ra thị trường, còn Facebook thì khá nhạt nhẽo, vô vị.

Tập thơ Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt.

Chiêu trò nhàm chán

Có một dạo, tập thơ Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt phát hành được mấy vạn bản khiến cho những người làm thơ “sốt xình xịch” với sức cám dỗ từ việc PR cho sách. Bỏ qua các yếu tố chăm chút, đầu tư cho tác phẩm từ câu chữ đến hình ảnh, cũng phải thừa nhận rằng việc PR cho sách đã cán đích thành công trong yêu cầu “bán sách chạy” của công ty xuất bản. Nhưng cũng từ đó, cụm từ “phát hành X vạn bản” liên tục được các công ty đưa ra trong thông tin sách mới của mình mà không biết rằng, chỉ cần ngồi phân tích kỹ một chút, người ta sẽ thấy rõ sự “phét lác” trong những thông tin này. Nếu sách bán vài vạn bản, hà cớ gì không có dòng “Tái bản lần…” trong sách, vài năm sau vẫn nhìn thấy bìa sách cũ lỹ đó trong các chương trình bán hạ giá, đồng giá, thậm chí còn có giá 5.000 VND, 10.000 VND…? 

Về phía tác giả, áp lực “vạn bản” cũng là một mơ ước khiến họ ra sức đeo đuổi, gắng PR được cách tốt nhất, kể cả việc tự mình đứng ra kêu gọi, lập pages tìm fans, tự mình đi gửi từng tập thơ có chữ ký, lời đề tặng cho người mua. Rồi sau đó, nếu cuốn sách phát hành không được số lượng như mơ ước thì lập tức quay ra đổ lỗi cho “PR không tốt” hoặc đòi lại khoản tiền dành cho PR hòng giảm bớt tổn thất (!)
 
Trong tình hình các đơn vị xuất bản gia tăng số lượng sách tung ra thị trường như hiện nay, việc PR sách là cần thiết bởi đó vừa là cơ hội để các công ty sách quảng bá về thương hiệu của mình, vừa là dịp để độc giả có cơ hội sàng lọc nội dung trước khi quyết định mở hầu bao rước những cuốn sách ưng ý về đọc. Nhà sách nào có sự đầu tư nghiêm túc cho quy trình này chắc chắn sẽ có cơ hội đạt được thành công.

Đinh Hương

Bạn có thể quan tâm