Chính phủ Iran đang cân nhắc ám sát đại sứ Mỹ tại Nam Phi, theo một quan chức chính phủ Mỹ hiểu rõ về vấn đề này và một quan chức khác nắm được thông tin tình báo, Politico cho hay.
Tin tức về âm mưu này xuất hiện giữa lúc Tehran tiếp tục tìm cách trả đũa việc Tổng thống Donald Trump sát hại một vị tướng quyền lực của Iran đầu năm nay.
Nếu vụ ám sát được tiến hành, căng thẳng vốn nghiêm trọng giữa Mỹ và Iran có thể tăng cao, đồng thời áp lực buộc ông Trump phải đáp trả - có thể ngay giữa mùa bầu cử căng thẳng - cũng sẽ rất lớn.
Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Lana Marks. Ảnh: Straits Times. |
Bạn thân của Tổng thống Trump
Các quan chức Mỹ đã nhận thức được mối đe dọa đối với Đại sứ Lana Marks, kể từ mùa xuân, song thông tin tình báo về việc này đã trở nên cụ thể hơn trong những tuần gần đây. Đại sứ quán Iran ở Pretoria có liên quan đến âm mưu này, quan chức chính phủ Mỹ cho biết.
Một hướng dẫn được gọi là "Duty to Warn" (Nghĩa vụ Cảnh báo) yêu cầu các cơ quan gián điệp Mỹ thông báo cho người có thể trở thành nạn nhân nếu thông tin tình báo cho thấy tính mạng của họ có thể gặp nguy hiểm. Bà Marks đã được thông báo về mối đe dọa, quan chức chính phủ Mỹ cho biết.
Bà Marks, 66 tuổi, tuyên thệ nhậm chức đại sứ Mỹ tại Nam Phi vào tháng 10/2019, theo Politico. Bà đã quen biết ông Trump hơn hai thập kỷ và là thành viên câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông ở Florida.
Những người chỉ trích ông Trump đã chế giễu bà là "nhà thiết kế túi xách", nhưng những người ủng hộ bà nói rằng bà là doanh nhân thành đạt - những chiếc túi xách mang tên bà có giá tới 40.000 USD - với nhiều mối quan hệ khắp thế giới.
Là bạn thân của Công nương Diana, bà cũng sinh ra ở Nam Phi và nói một số ngôn ngữ chính của đất nước, bao gồm tiếng Afrikaans và Xhosa.
Cộng đồng tình báo Mỹ không chắc chắn chính xác lý do tại sao Iran lại nhắm vào bà Marks, người có rất ít liên hệ, nếu không nói là không có, với Iran. Có thể Tehran đã xét đến mối quan hệ lâu năm giữa bà với ông Trump, theo quan chức chính phủ Mỹ.
Bà Lana Marks có thể bị Iran nhắm đến vì quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump. Ảnh: Instagram/lanamarkshandbags. |
Các quan chức lưu ý rằng chính phủ Iran cũng vận hành các mạng lưới bí mật ở Nam Phi và đã có chỗ đứng ở đó trong nhiều thập kỷ. Năm 2015, Al Jazeera và Guardian từng đưa tin về các tài liệu tình báo bị rò rỉ hé lộ mạng lưới mật vụ Iran rộng lớn ở Nam Phi.
Bà Marks cũng có thể là mục tiêu dễ dàng hơn so với giới chức ngoại giao Mỹ ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Tây Âu, nơi Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ hơn với các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo địa phương.
Iran và Nam Phi đã hợp tác trên nhiều mặt trận trong những thập kỷ gần đây, bao gồm cả tại Liên Hợp Quốc, nơi Nam Phi đã có lúc ủng hộ Iran. Các mỏ uranium của Nam Phi được cho là lợi ích lớn đối với Iran khi nước này đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân. Hai bên cũng có quan hệ quân sự, đã ký một số hiệp ước quốc phòng cơ bản.
Một trong các phương án trả đũa
Tuy nhiên, việc tấn công bà Marks chỉ là một trong những phương án mà giới chức Mỹ tin rằng Tehran đang xem xét để trả đũa sau khi tướng Qassem Soleimani thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 1.
Khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ giết ông Soleimani để thiết lập lại khả năng răn đe đối với Iran.
Vài ngày sau cái chết của tướng Soleimani, Iran đã phóng tên lửa đạn đạo vào một căn cứ quân sự ở Iraq, nơi quân đội Mỹ đồn trú, khiến hàng chục binh sĩ Mỹ bị chấn thương sọ não.
Ông Trump quyết định không trả đũa. "Iran dường như đang rút lui, đó là chuyện tốt cho mọi bên liên quan và rất tốt cho thế giới", ông nói, dù đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và cảnh báo nước này không nên có các động thái trả đũa tiếp theo.
Iran được cho là đang tìm cách trả đũa vụ tướng Soleimani bị ám sát. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên khi đó, một số nhà phân tích cho rằng Iran có thể sẽ tìm cách khác để trả thù cho cái chết của ông Soleimani. Theo truyền thông, tướng Kenneth McKenzie, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENCOM), là mục tiêu tấn công hàng đầu của Iran vào đầu năm nay.
Ông McKenzie tháng trước dự doán sẽ có "phản ứng" mới từ Iran đối với sự hiện diện liên tục của Mỹ ở Iraq.
"Tôi không biết bản chất của phản ứng đó sẽ như thế nào, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ sẵn sàng nếu việc đó xảy ra", ông nói. Hôm 9/9, ông McKenzie xác nhận kế hoạch cắt giảm quân số Mỹ ở Iraq từ 5.200 xuống còn 3.000 vào cuối tháng 9.
Những âm mưu kỳ lạ liên quan đến Iran từng được phanh phui trước đây.
Gần một thập kỷ trước, Mỹ đã bắt giữ và cuối cùng kết án tù một người đàn ông Mỹ gốc Iran, bị cáo buộc âm mưu thuê sát thủ băng đảng ma túy Mexico để giết đại sứ Saudi Arabia tại Mỹ khi ông ta dùng bữa tại một nhà hàng ở Washington.
Mỹ cáo buộc tướng Soleimani chỉ đạo tiến hành việc này.