Một ngày sau sự cố tàu hỏa phải phanh gấp nhường đường cho xe máy, cảnh vượt rào băng đường ray vẫn tái diễn trên quốc lộ 21B, đoạn giao với đường sắt vào ga Hà Đông (Hà Nội).
Nhớ như in khoảnh khắc khẩn cấp, chị Phạm Thị Nga (26 tuổi, nhân viên gác chắn) cho biết, tình trạng này diễn ra như cơm bữa nhưng chưa từng thấy cảnh hàng chục người đồng loạt băng rào vượt đường ray nhiều như sáng 13/4.
Phát tín hiệu khẩn khi tàu cách 100 m
Nữ nhân viên gác chắn kể, 6h45 sáng, tổ trực nhận được thông báo sắp có đoàn tàu hàng từ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm) xuống. 15 phút sau, đầu tàu D31E kéo còi từ nút giao quốc lộ 6, chị cùng tổ trưởng phát chuông cảnh báo và kéo barie chắn phương tiện như thường lệ.
Tuy nhiên, một vài người vẫn lách lên vỉa hè vượt rào, băng đường khiến nhiều người phía sau lao theo. Tuy nhiên, rào chắn phía đối diện đã đóng kín.
Một phụ nữ trung niên mặc áo xanh đậm xuống xe tự ý mở barie, đồng loạt hàng chục người chen chúc vượt qua. Dòng người phía sau vì thế lại càng kéo vào. Hai nữ gác chắn bất lực trước dòng phương tiện ùn ùn.
Người phụ nữ trung niên mặc áo xanh, đội mũ trắng tự ý đẩy barie khi đoàn tàu đang tới sáng 13/4. Ảnh: Lê Anh Tú. |
Trước tình huống đoàn tàu chỉ còn cách nút giao chưa đến 100 m trong khi còn rất nhiều người ngồi trên xe máy chôn chân trong khu vực nguy hiểm, chị Nga buộc phải hạ biển cảnh báo nguy hiểm, yêu cầu dừng tàu.
Rất may, đoàn tàu kịp phanh gấp và dừng từ từ cách điểm giao cắt vài mét. Rào chắn lúc này được mở, dòng xe cộ mắc kẹt nhốn nháo luồn lách ra ngoài.
Do dừng khẩn cấp, đuôi tàu chắn ngang quốc lộ 6 gần đó, hàng loạt xe máy di chuyển dọc đường ray sang quốc lộ 21B để sang đường khiến nút giao càng thêm hỗn loạn.
"Chuyện vượt rào diễn ra hàng ngày nhưng trạm chắn gác chưa từng phát tín hiệu dừng tàu. May mắn tàu phanh đúng thời điểm. Nếu chỉ chậm 1-2 phút có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc", chị nói và cho biết sự việc được cấp báo lãnh đạo công ty sau đó.
10 phút sau, đoàn tàu mới có thể chuyển bánh về ga Hà Đông.
Nữ gác chắn Phạm Thị Nga tại nút giao quốc lộ 21B, người phát tín hiệu dừng tàu khẩn cấp nhường xe máy sáng 13/4. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Bị đuổi đánh vì không mở rào
Nữ chắn gác kể, không ít lần thực hiện nhiệm vụ chị phải đối mặt những người thiếu ý thức, cố tình vượt rào sang đường. Khi không vượt được rào, một số người chửi thề cho rằng đường chung, tàu chưa tới sao cấm. Có người tự ý xuống xe mở, thậm chí, một số người ý thức kém xuống xe đuổi đánh nhân viên trạm chắn.
Làm việc tại trạm chắn gác nhiều năm, chị cho biết hàng ngày vào giờ cao điểm buổi sáng (6h30-7h) và chiều (17h) tuyến quốc lộ thường xuyên ùn ứ do phải đợi tàu qua. Đặc biệt khi các đoàn tàu thực hiện tác vụ dồn toa tại ga Hà Đông sẽ dẫn đến ùn tắc kéo dài hàng km.
Mỗi đoàn thực hiện tác vụ 5-10 lần dồn toa, kéo dài 15-20 phút khiến người tham gia giao thông cảm thất phiền toái, nóng lòng về nhà hoặc tới cơ quan làm việc. Đây cũng là một nguyên nhân khiến họ bất chấp vượt rào, băng đường ray.
"Điểm gác chắn trên quốc lộ 21B chưa từng xảy ra tai nạn tàu hỏa dẫn đến chết người nhưng tình trạng này còn tái diễn sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn", chị Nga nói.
Dù được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm vượt rào, băng đường ray khi tàu hỏa đang tới. Ảnh: Hòan Nguyễn. |
Cùng ngày, trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Văn Chiến - Phó giám đốc Công ty quản lý đường sắt Hà Thái (phụ trách quận Hà Đông) cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo ban lãnh đạo công ty đã huy động tăng cường nhân viên chắn gác. Đồng thời, cử tổ cán bộ trực tiếp xuống hiện trường.
Sau khi khảo sát, ban lãnh đạo công ty đánh giá nguyên nhân chủ yếu do ý thức người dân chưa tốt, cố tình vượt rào. Ngoài ra, rào chắn không hết vỉa hè nhà dân tạo khoảng trống họ luồn lách.
"Chúng tôi đang bàn phương án nối rào chắn phủ kín vỉa hè tuyệt đối không cho người điều khiển qua nhưng gặp khó khăn bởi diện tích này thuộc nhà dân", ông nói.
Vị trí đoàn tàu hỏa phải dừng nhường đường cho phương tiện đường bộ vượt barie băng đường ray cách ga Hà Đông vài trăm mét. Ảnh: GM. |