Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phút chuyển giao ấn kiếm của vua Bảo Đại diễn ra thế nào?

Trong bài viết trên số đặc san báo Cứu quốc nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ra tháng 8/1946, ông Trần Huy Liệu đã kể lại diễn biến lễ thoái vị của vua Bảo Đại.

Bài viết dẫn dắt từ việc sau khi nhận được điện tín vủa vua Bảo Đại mời đại diện Chính phủ lâm thời vào Huế để nhận lễ thoái vị, các ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận và Trần Huy Liệu được Chính phủ phái để làm công việc ấy.

Đoàn xuất phát từ Hà Nội đi từ ngày 27/8/1945, đến chiều 29/8 đã gặp vua Bảo Đại ở điện Kiến Trung để bàn bạc về lễ thoái vị sẽ diễn ra vào chiều ngày hôm sau ở trước cửa Ngọ Môn.

Vua Bao Dai,  Tran Huy Lieu,  Le Doc lap,  Quoc khanh,  Ho Chi Minh,  trao an kiem anh 1
Hình ảnh tái hiện sự kiện vua Bảo Đại trao ấn, kiếm cho đoàn đại biểu Chính phủ Lâm thời trên lầu Ngọ Môn chiều 30/8/1945.

“Đúng 4 giờ chiều, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, với chiếc khăn vàng, áo vóc, cùng chúng tôi đứng trên cửa Ngọ Môn. Nhà vua bằng một giọng cảm động, đứng trước máy truyền thanh đọc bản chiếu tự nguyện thoái vị. Dân chúng im phăng phắc nghe tâm sự của một vị vua sắp trở lại làm dân. Tâm sự ấy thật có một vẻ gì kích thích lòng người quá chừng”, bài báo viết.

“Nhà vua đọc xong bản chiếu thoái vị, cái bản chiếu sau rốt của một triều đại, tôi thay mặt Chính phủ Lâm thời nhận sự thoái vị của nhà vua”, ông Trần Huy Liệu kể tiếp. “Tôi giơ hai tay nhận lấy một chiếc ấn vàng, một chiếc kiếm vàng nạm ngọc - hai bảo vật tượng trưng cho quân quyền - của nhà vua trao cho”.

Lúc ấy, một tràng súng lệnh nổ. Trên kỳ đài, lá cờ vàng từ từ hạ xuống và lá cờ đỏ sao vàng từ từ dâng lên, uy nghi, rực rỡ, giữa tiếng hoan hô như sấm của nhân dân.

Trước mặt dân chúng, lấy tư cách là trưởng đoàn đại biểu, ông Trần Huy Liệu đã gắn dấu hiệu cờ đỏ sao vàng lên ngực ông Vĩnh Thụy, người công dân mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Còn trong bài báo mang tựa đề Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập trên tạp chí Xưa & Nay, được in lại trong cuốn Triều Nguyễn & Lịch sử của chúng ta (NXB Hồng Đức 2008, tái bản có bổ sung lần thứ 5 năm 2017), ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức Lễ Độc lập ngày 2/9/1945, đã kể lại:

“Sau khi Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, rồi ông Võ Nguyên Giáp trình bày về đường lối, chính sách của Chính phủ Lâm thời mở rộng, đến lượt ông Trần Huy Liệu báo cáo. Tôi đứng sẵn bên chiếc bàn con con trên để ấn, kiếm. Ông Liệu nói đến chỗ Bảo Đại trân trọng nộp ấn, kiếm, tôi sẽ bấm cánh tay ông để ông tạm ngừng lại”.

Khi đó, ông Đang tay phải cầm lấy thanh kiếm, tay trái thản nhiên dùng năm đầu ngón tay nhón cái núm chiếc ấn, định cứ thế cùng một lúc giơ cả hai thứ lên để đồng bào nhìn thấy.

“Chẳng ngờ thanh kiếm tương đối nhẹ, một tay tôi thừa sức điều khiển, còn chiếc ấn bướng bỉnh cứ ỳ ra, không nhúc nhích - nó nhỏ thôi mà sao nặng quá thế! (sau này tôi mới biết nó nặng trên 5 kg)”, bài báo của ông Nguyễn Hữu Đang kể tiếp.

“Tôi vội buông thanh kiếm, dùng cả hai tay lấy hết sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn độ ba mươi phân, luồn tay phải xuống dưới, lựa cho nó nằm trên cùi bàn tay để ngửa rồi cúi mình co cánh tay từ từ nâng thẳng nó lên như lực sĩ cử tạ. Trong khi tay trái vớ thanh kiếm giơ lên ngang chiếc ấn”, ông viết.

Đồng bào hò reo vang trời kéo dài. “Tôi cố đứng vững, hai tay dựng thẳng như thế bốn, năm phút liền”, ông kể thêm với những lời chân thật. “Cánh tay nâng chiếc ấn bắt đầu mỏi, buốt và đe dọa sa đà dúi xuống. Tôi đã kịp thời hạ chiếc ấn lừa dối, tai ác xuống cùng với thanh kiếm thật thà, hiền lành, thở phào nhẹ nhõm”.

Ông Đang viết thêm, năm 1992, khi đọc hồi ký của ông Liệu, ông mới biết ngày 30/8/1945, trên Ngọ Môn, trong động tác trưng ấn, kiếm để đồng bào Huế xem, ông Liệu cũng đã chủ quan, bất ngờ và lúng túng, vất vả như vậy, thậm chí còn hơn, vì ông Liệu đuối sức đến mức đứng xiêu vẹo. Ông Đang giải thích “cả hai chúng tôi đều kiết xác, chưa bao giờ được cầm vàng tới vài đồng cân nên khó lường được sức nặng của nó”.

Bài báo của ông Đang kể tiếp một chi tiết bất ngờ diễn ra sau đó: “Bỗng Cụ Hồ đứng phắt dậy, nhanh nhẹn cầm lấy thanh kiếm, thong thả bước tới micro, rút mạnh lưỡi kiếm ra khỏi vỏ rồi vừa giơ nó lên cao hết tầm tay, vừa hét lớn làm rung động không gian quảng trường, chậm rãi dằn từng tiếng:

- Thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc!

Một lần nữa, nửa triệu người lại hoan hô như sấm dậy và kéo dài. Họ hoan hô nhiệt liệt câu răn đe bảo vệ độc lập vang dội từ lễ đài tuyên bố độc lập, cực kỳ nghiêm khắc mà hợp lòng dân.

Cụ Hồ đặt thanh kiếm vào chỗ cũ, trở về ghế ngồi, vẻ mặt còn giận giữ như vừa mới ra tay trừng trị kẻ phạm tội đối với dân tộc”.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm