Buổi "đối chất" giữa 2 bên xoay quanh việc xác nhận chính xác khoản nợ của Phương Trang thực sự là bao nhiêu, và pháp nhân cần phải trả là ai. Trước đó phía ngân hàng cho rằng, số nợ nhóm Phương Trang phải trả là 9.700 tỷ đồng, nhưng phía Phương Trang phản pháo chỉ nợ 3.436 tỷ đồng.
Buổi "đối chất" này còn đi đến thống nhất việc xử lý trước khoản nợ được Phương Trang đưa ra, những vấn đề phát sinh sẽ xử lý sau.
Cãi nhau vì xác định nhầm pháp nhân phải trả nợ?
Vì Phương Trang cho rằng phía ngân hàng xác định nhầm pháp nhân của khoản nợ là Công ty cổ phần xe khách Phương Trang, nên buổi làm việc giữa hai bên được đẩy lên cao trào với những lần đối chất căng thẳng. Trong buổi gặp gỡ giữa hai bên để tìm cách xử lý món nợ trên, nhiều lần Công ty Phương Trang đòi ngân hàng phải giải thích rõ ràng về pháp nhân thực sự của số nợ.
Những phương án xử lý tài sản của Phương Trang đã được đề cập. Ảnh minh họa: TGTT |
Theo văn bản của Ngân hàng Xây Dựng (CB bank), thì Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (Futa Buslines) là đơn vị chịu trách nhiệm về khoản nợ. Tuy nhiên, phía Phương Trang cho rằng, trong hồ sơ tín dụng thì công ty này không hề có quan hệ tín dụng với ngân hàng, đơn vị đi vay lại là Công ty cổ phần Phương Trang.
Phương Trang nói, việc ngân hàng công bố thông tin đơn vị nợ là Công ty cổ phần xe khách Phương Trang đang làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của công ty này. Từ ngày thông tin được công bố, công ty hoạt động rất khó khăn khi nhân viên hoang mang về tương lai của công ty và có nhiều động thái tiêu cực.
Tuy nhiên, đại diện ngân hàng cho rằng, hồ sơ thể hiện là nhóm Phương Trang đang nợ 3.436 tỷ đồng. Thực sự Phương Trang đang có hình thức sở hữu chéo chằng chịt, nên rất khó để xác định, chỉ căn cứ trên hồ sơ thể hiện là nhóm Phương Trang.
Ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐTV CB bank nói: “Tôi chỉ là người tiếp quản, các cộng sự của tôi sẽ giải trình cụ thể vấn đề đó như thế nào. Hồ sơ thể hiện Phương Trang là nhóm thì mình đọc là nhóm, với chức năng thế mọi người công nhận nhóm đấy đang nợ hơn 3.400 tỷ đồng".
Phản hồi lập luận này, đại diện Phương Trang cho rằng: “Chúng tôi đề nghị không dùng từ nhóm, Futa Buslines không có nhóm với ai. Ông nào nợ phải cụ thể ông đó. Mỗi đơn vị có pháp nhân rõ ràng và nó tự chịu trách nhiệm, nên không thể nào nói là nhóm mà anh đọc hồ sơ của anh được”.
Giải thích của phía ngân hàng thì đây chỉ là khúc mắc trong câu chữ về đối tượng riêng lẻ, là Công ty xe khách Phương Trang, bộ phận nghiệp vụ sẽ xem lại và có phản hồi sau. "Điều cần là hai bên sẽ giải quyết mọi phát sinh trước, nếu không có nợ phát sinh thì làm gì có chuyện hai bên ngồi lại bàn bạc", phía ngân hàng nói.
Treo 9.700 tỷ, giải quyết trước 3.400 tỷ
Trong buổi làm việc, hai bên đã thống nhất có một biên bản đồng ý với chủ trương xử lý tài sản. Biên bản này được gửi NHNN để làm cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Tuân trao đổi: “Bây giờ tôi cũng không cần biết nó là 9.700 tỷ hay 3.400 tỷ đồng. Phương Trang bảo rằng đang ba nghìn mấy, nếu mà đúng như thế và tin như thế thì mình xử lý trước. Nhưng sẽ không bị ràng buộc trách nhiệm từ bỏ quyền 9.700 tỷ đồng đi, vì nếu như thế phía ngân hàng sẽ rất là khó, vẫn phải treo đấy để xử lý đúng sai sau”.
Người đứng đầu ngân hàng phân trần: "Phải hiểu trong khi chúng ta làm việc thì bên tiền gửi ngân hàng cũng phải trả, một ngày anh em ngồi đấy mất 5-7 tỷ, anh em chúng tôi ngồi đây như lửa đốt. Vấn đề ở đây nếu như không có những khoản nợ kếch xù như thế, tôi không đánh giá là lỗi ai, thì làm gì có chuyện ngân hàng Xây Dựng đổ như hôm nay?
Mỗi ngày cứ lỗ 5 - 7 tỷ không hề báo cáo, không hề xử lý gì cả như vậy trách nhiệm của tôi ở đâu?", ông Tuân bày tỏ.
Phương án cụ thể ngân hàng đưa ra là Phương Trang sẽ đề xuất tài sản nào xử lý được trước thì sẽ xử lý, và cách thức thu thể hiện trên từng hợp đồng. Từng tài sản thu sẽ gắn từng hợp đồng một. Nếu đồng ý cách thức ấy thì hai bên có một đội kỹ thuật ngồi với nhau hóa giải vấn đề.
“Quan điểm của tôi là giải quyết được cái nào hay cái nấy, cơ quan nào có thẩm quyền xác định vấn đề thì sẽ chấp nhận luôn", ông Tuân nói.