Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua khẳng định không ai có thể biện minh cho cuộc đảo chính tại Thái Lan, đồng thời cảnh báo rằng nó sẽ gây nên những "tác động tiêu cực" đối với quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ quân sự, Reuters đưa tin.
"Bầu cử sớm phải là một phần trong con đường phía trước của Thái Lan", ông Kerry nhấn mạnh. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi quân đội thả các chính trị gia mà họ bắt, phục hồi quyền lực của chính phủ và ngừng kiểm soát giới truyền thông.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc tuyên bố đang xem xét lại hỗ trợ và các hoạt động can dự quân sự với Thái Lan, trong đó có cuộc tập trận đang diễn ra tại Thái Lan với sự tham gia của khoảng 700 lính thủy đánh bộ và thủy thủ.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren cho biết: "Tại Bộ (Quốc phòng), chúng tôi đang xem xét lại hỗ trợ và các can dự giữa hai quân đội. Chúng tôi sẽ thông báo khi đã quyết định".
Binh sĩ Thái Lan canh gác bên ngoài một khu vực ở thành phố Bangkok hôm 22/5. Ảnh: AP |
Anh, Đức, Pháp cũng chỉ trích cuộc đảo chính tại Thái Lan. Chính phủ Nhật Bản bình luận rằng lật đổ chính phủ là hành động đáng tiếc, còn Australia bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc".
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nói ông "rất lo ngại" về chính biến ở Thái Lan, đồng thời kêu gọi Thái Lan nhanh chóng quay trở lại chế độ dân chủ như trước đây.
Singapore kêu gọi các bên tại Thái Lan kiềm chế để tránh bạo lực.
"Thái Lan là một đất nước quan trọng trong khu vực và thành viên chủ chốt của ASEAN. Tình trang bất ổn triền miên sẽ cản trở sự phát triển của Thái Lan và cả khu vực", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Singapore bình luận.
Bất chấp những ngôn từ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, giới phân tích nhận định rằng các nước bên ngoài sẽ không thể tác động tới tình hình tại Thái Lan.