Phản ánh đến chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 10/9, một người dân cho biết trong hai ngày gần đây, các ngõ đi vào khu vực phường 15, quận Gò Vấp, bị đóng bằng tôn cứng cố định, không có lối thoát hiểm. Người dân tại đây lo lắng vì việc này cản trở lưu thông hàng hóa, người dân không thể tiếp nhận lương thực, thực phẩm từ bên ngoài.
"Nếu có việc khẩn cấp như cấp cứu, cháy nổ thì xe cứu thương, cứu hỏa làm sao vào kịp?", người dân đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho hay ông tiếp nhận thông tin này qua phản ánh của báo chí và đã chỉ đạo địa phương điều chỉnh ngay phương án rào chắn này.
Theo ông Dũng, thời gian gần đây, người dân và shipper di chuyển nhiều trong các hẻm tại quận Gò Vấp. Địa phương này rất đông dân với gần 3.000 con hẻm và lực lượng kiểm soát cũng mỏng. Do đó, theo chủ trương giãn cách nghiêm ngặt "ai ở đâu ở yên đó", nhiều nơi có biện pháp dựng chốt ở những con hẻm có nhiều nhánh để kiểm soát một số đầu ra vào.
"Các chốt vẫn có lực lượng hỗ trợ cho bà con những lúc khi cần kíp như cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, an sinh", ông Dũng thông tin và cho biết với cách làm này, nhiều nơi trên địa bàn quận khắc phục được khó khăn về việc kiểm soát người dân di chuyển trong các hẻm nhỏ.
Lãnh đạo quận Gò Vấp khẳng định biện pháp trên giúp việc giãn cách xã hội trên địa bàn diễn ra nghiêm túc, số ca nhiễm vì thế cũng giảm. Ông Dũng mong người dân thông cảm với việc đi lại bất tiện và khẳng định đã yêu cầu địa phương xử lý ngay việc rào chắn kín bằng tôn ở khu vực bị phản ánh.
Khu phố ở phường 15, quận Gò Vấp, rào kín lối đi lại của người dân bằng tôn. Ảnh: Fanpage Trung tâm Báo chí TP.HCM. |
Thông tin thêm về tiến độ chi trả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn, Chủ tịch quận Gò Vấp cho biết địa phương là nơi đầu tiên tại TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, do đó nhiều lao động và sinh viên trên địa bàn đã về quê do thời gian giãn cách kéo dài.
Tuy nhiên, số người ở lại thành phố cũng rất đông. Theo thống kê, quận Gò Vấp có hơn 48.300 phòng trọ với 153.000 người dân từ nơi khác đến sinh sống. Trải qua 3 tháng giãn cách, hơn 110.000 người vẫn còn ở lại trong các phòng trọ.
Theo ông Dũng, thời gian qua, địa phương đã hỗ trợ người dân với nguồn tài chính chủ yếu đến từ ngân sách địa phương và đóng góp của doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Việc hỗ trợ cơ bản đã giải quyết được vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân đủ dùng, nhưng vẫn còn sót một số trường hợp.
"Việc này chúng tôi xin được nhận khuyết điểm với bà con. Địa phương sẽ rà soát và nắm bắt các trường hợp khó khăn để tiếp tục hỗ trợ thời gian tới", ông Dũng nói.
Về việc hỗ trợ người dân sau ngày 15/9, lãnh đạo quận Gò Vấp cho biết địa phương sẽ thực hiện theo chủ trương chung của thành phố. Theo thông tin ông có được, TP.HCM dự kiến hỗ trợ người dân gặp khó khăn sau ngày 15/9, không phân biệt ngành nghề, độ tuổi, "chỉ cần khó khăn là sẽ được hỗ trợ".
"Địa phương đã yêu cầu các tổ dân phố thống kê, khảo sát người dân gặp khó khăn và sẽ dùng danh sách này để hỗ trợ sau ngày 15/9. Quận cũng cân nhắc để hỗ trợ người dân phù hợp theo tình hình ngân sách", ông Dũng thông tin.
Theo ông, nếu triển khai mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người trong thời gian tới thì với dân số trên 400.000 người, quận Gò Vấp có thể phải chi ra 700 tỷ đồng để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Số tiền này chiếm toàn bộ phần ngân sách còn lại cuối năm của địa phương.