Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quận 7 dự kiến mở lại nhiều hoạt động kinh doanh từ 20/9

Sau khi cân nhắc một số vấn đề, quận 7 đã xây dựng kế hoạch để mở lại một số hoạt động kinh doanh, sản xuất từ ngày 20/9. Kế hoạch sẽ được trình lên để UBND TP.HCM phê duyệt.

Thông tin trên được ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7 (TP.HCM), chia sẻ trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 8/9. Cùng với huyện Củ Chi, quận 7 là địa phương công bố đã kiểm soát được dịch bệnh. Do đó, thời điểm quận mở lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ là nội dung được nhiều người dân quan tâm.

Mở một số hoạt động trong vòng 1 tháng

Thông tin về kế hoạch mở cửa lại các hoạt động kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết quận đã xây dựng kế hoạch để đánh giá lại tất cả mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với người lao động, với hộ sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá số hộ doanh nghiệp, kinh doanh phải nghỉ, số lao động ngưng việc và tỷ lệ công nhân không được đi làm.

Sau khi cân nhắc tất cả vấn đề trên, quận đã lên kế hoạch chung về việc mở cửa trở lại một số hoạt động và sẽ trình lên để UBND TP.HCM thông qua.

Theo đó, quận 7 dự kiến nếu sau 15/9, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ổn định hơn thì địa phương này sẽ bắt đầu mở lại một số ngành nghề kinh doanh lương thực, thực phẩm thiết yếu, dịch vụ mua bán, ăn uống. Theo kế hoạch, việc mở cửa các hoạt động này kéo dài một tháng, bắt đầu từ 20/9 đến 20/10.

Tuy nhiên, các cửa hàng ăn uống ở quận 7 chỉ mở lại với hình thức bán mang đi, không ăn tại chỗ, không phục vụ trực tiếp. Bên cạnh đó, quận cũng đưa ra điều kiện để các hoạt động kinh doanh được vận hành.

quan 7 mo lai nhieu hoat dong kinh doanh anh 1

Chủ tịch UBND quận 7 và quận Bình Thạnh tham gia đối thoại với người dân tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 8/9. Ảnh: HMC.

Điều kiện đầu tiên là công dân, người dân kinh doanh trong các lĩnh vực trên phải tiêm 2 mũi vaccine. Thứ hai, các cửa hàng phải đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá trước đây của TP về các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống an toàn. Thứ 3, các hộ kinh doanh cũng phải xem xét phương án "3 tại chỗ" và "2 điểm đến - 1 cung đường" đối với nhân viên làm việc.

Ông Tuấn Anh cho biết sau khi có tổ thẩm định các điều kiện này, quận sẽ cho gắn biển hộ kinh doanh xanh hoặc hộ kinh doanh an toàn đối với các hộ được hoạt động trở lại.

"Khi đi kèm theo các điều kiện như vậy, quận cũng đồng thời đưa ra các chính sách hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh này", Chủ tịch UBND quận 7 thông tin.

Cụ thể, lãnh đạo quận 7 cho biết tiếp tục vận động chủ cho thuê mặt bằng giảm giá thuê cho các hộ kinh doanh. Trước đây, khi phải bóc tách F0 khỏi cộng đồng, quận cũng vận động các chủ nhà trọ giảm giá cho công nhân và 70% chủ trọ đã tham gia, giảm giá 20-70% tiền nhà cho công nhân với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Quận 7 cũng đề xuất với TP.HCM miễn giảm đóng thuế với các hộ kinh doanh trong năm 2021 và quý I năm 2020; đồng thời kết nối với Ngân hàng Nhà nước để khoanh nợ, giãn nợ khi các hộ kinh doanh hoạt động trở lại.

Địa phương kiến nghị thêm việc TP.HCM hỗ trợ cho các hộ kinh doanh này thực hiện xét nghiệm nhanh 3 ngày/lần và chi phí xét nghiệm được hỗ trợ trong tháng đầu tiên sau khi hoạt động trở lại.

Ngoài ra, quận đề xuất TP.HCM tiếp tục các gói an sinh xã hội thêm 1 tháng cho đối tượng là những lao động khó khăn nhưng đã làm việc trở lại.

Đáng lưu ý, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết sẽ kiến nghị TP sử dụng các khu đất trống do Nhà nước quản lý hoặc khu đất trống dùng xây nhà ở thương mại nhưng đang tạm ngưng lại do dịch bệnh, để xây nhà lưu trú cho công nhân của những doanh nghiệp lớn, đông người lao động. Các cơ sở nhà lưu trú này sẽ để công nhân thuê với mức giá rất rẻ.

Nguyên nhân quận 7 kiến nghị việc này là thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát từ khu chế xuất Tân Thuận do công nhân trong những khu nhà trọ ở chung với diện tích chật hẹp nên lây nhiễm rất nhanh. Để hạn chế việc này, công nhân phải được sống trong khu nhà ở với điều kiện sinh hoạt đảm bảo khoảng cách.

"Quận dự kiến xin TP chấp thuận chủ trương này và làm việc với doanh nghiệp để xã hội hóa. Doanh nghiệp có thể bỏ kinh phí ra xây, quận sẽ hỗ trợ các thủ tục về đất đai. Việc này còn cần có sự phối hợp với doanh nghiệp và với các chủ đầu tư ở các khu đất đang bỏ trống", Chủ tịch UBND quận 7 cho biết.

2 mũi vaccine là điều kiện để công nhân hoạt động trở lại

Tại chương trình, một người dân đặt ra câu hỏi tiêu chí để quận 7 công bố địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh. Trả lời, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết địa phương không tuyên bố kiểm soát được dịch, mà chỉ báo cáo TP về công tác kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, theo kế hoạch được UBND TP.HCM đặt ra cho 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, việc một địa phương kiểm soát được dịch bệnh phải dựa trên 5 tiêu chí: kéo giảm tỷ lệ tử vong của người mắc Covid-19; không để các trường hợp F0 chuyển nặng hoặc không được điều trị; mở rộng vùng xanh; duy trì kiểm soát lây nhiễm không để lây lan, phát sinh ổ dịch mới; 70% người dân trên địa bàn phải được tiêm vaccine mũi 1.

Theo đó, quận 7 đã đạt được cả 5 tiêu chí này nên đã báo cáo TP về công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine của quận 7 là 98-99%, gần như phủ hết đối tượng trên 18 tuổi. Tỷ lệ vùng đỏ, vùng cam chỉ còn hơn 25%. Các mô hình điều trị cho F0 tại nhà cũng phát huy hiệu quả, đồng thời, số bệnh nhân tử vong tại bệnh viện dã chiến quận 7 duy trì 1-2 trường hợp/ngày.

Về việc khu chế xuất Tân Thuận khi nào hoạt động trở lại, ông Tuấn Anh cho biết kế hoạch này sẽ nằm trong kế hoạch chung của TP.HCM do đây là khu vực thuộc về lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP. Dự kiến, TP.HCM có thể cho mở lại từ từ các khu vực đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" hoặc đảm bảo "1 cung đường - 2 điểm đến".

Thông tin thêm về tình hình tại khu chế xuất Tân Thuận, lãnh đạo quận 7 cho biết hơn 52.000 công nhân trên tổng số 60.000 công nhân làm việc tại đây đã được tiêm mũi 1. Quận đang tiến hành tiêm vaccine mũi 2 với công nhân thực hiện "3 tại chỗ" và hơn 9.000 công nhân đã hoàn thành xong mũi 2.

"Việc công nhân được tiêm 2 mũi vaccine cũng là điều kiện để khu chế xuất Tân Thuận có thể hoạt động trở lại, nhưng vẫn cần đánh giá thêm một số tiêu chí khác như mức độ lây nhiễm hoặc đảm bảo công tác an sinh xã hội cho công nhân", ông Tuấn Anh nói.

TP.HCM xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau 15/9

UBND TP.HCM giao các sở, ngành khẩn trương tham mưu chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế theo giai đoạn từ 15/9 đến 31/12 và năm 2022.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm