Đọc sách có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với những đứa trẻ. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói: “Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, hình ảnh đứa trẻ chăm chú bên trang sách quên thời gian dần trở thành điều xa xỉ. Để tạo dựng và duy trì thói quen đọc sách cho trẻ, cha mẹ cần kiên nhẫn và có phương pháp hợp lý.
Sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon. Ảnh: Thủy Nguyệt. |
Đọc sách - nền tảng cho sự phát triển của trẻ
Cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon sẽ dẫn dắt cha mẹ những bước quan trọng để tạo lập thói quen cho trẻ bằng những lập luận khoa học và chứng minh chi tiết.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ nên bắt đầu đọc sách khi con vào lớp một, hay biết chữ. Nhưng thực tế, muốn tạo thói quen đọc và nuôi dưỡng một người đọc, cần phải bắt đầu từ giai đoạn nhỏ nhất.
Với mỗi lứa tuổi, cha mẹ cần biết cách áp dụng những loại sách và kỹ năng đọc khác nhau đối với trẻ. Cuốn sách chỉ rõ qua các đề mục: Cách đọc sách của các em bé từ 1-2 tuổi, bí quyết chọn sách hay cho bé 3-4 tuổi, đọc sách cho bé 5 tuổi, chuẩn bị hành trang tới trường.
Từ việc tạo thói quen đọc cho con, cha mẹ có thể dần phát hiện và nuôi dưỡng những tiềm năng của chúng qua việc đọc sách. Hãy là người chỉ dẫn con, đọc để viết, đọc để yêu thương, đọc để sáng tạo và đọc để nuôi dưỡng trí tò mò.
Về phương pháp giúp con đọc sách, tác giả cũng đưa ra những phương pháp chi tiết, với những câu chuyện đầy thú vị.
Mỗi cuốn sách cần một cách đọc khác nhau, bé có thể hứng thú với những thể loại sách khác nhau. Một số sách quan trọng cha mẹ nên thiết lập thói quen đọc ngay từ đầu cho bé như văn học kinh điển, kho tàng tri thức khoa học, hay những cuốn từ điển quan trọng, mua một lần đọc cả đời.
Cha mẹ hãy cùng con đọc sách mỗi ngày. Ảnh: Moingaymotcuonsach. |
Kích thích việc đọc sách của trẻ bằng trò chơi
Một điểm rất thú vị của cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon là việc đưa ra những chỉ dẫn rất cụ thể trong nỗ lực giúp đỡ bố mẹ bồi dưỡng đứa trẻ trở thành người đọc sách.
Trò chơi là cách tạo nhiều niềm hứng khởi với trẻ. Để kích thích trẻ đọc sách, người lớn có thể cùng con chơi những trò như: Săn từ, Reading Spinner, Bingo, Đèn pin thu nhỏ của Doraemon, Chữ cái biến mất, Vòng quanh Trái Đất...
Spinner là đồ chơi quen thuộc của trẻ con. Với một cái Spinner trên tay, trẻ con có thể chơi cả ngày không biết chán.
Cha mẹ có thể kết hợp đọc sách và chơi Spinner. Chỉ bằng một tấm bìa cứng và mấy mẩu bút chì màu, bạn có thể tạo ra trò chơi reading spinner. Hãy chọn một số cuốn sách hay và cùng con đọc trước khi chơi trò này. Cha mẹ và con cùng đọc một cuốn thì trò chơi sẽ thú vị hơn.
Sau đó, bạn có thể viết ra những câu hỏi như: Câu chuyện diễn ra ở đâu? Nội dung câu chuyện là gì? Con muốn câu chuyện kết thúc như thế nào? Con thích nhất phần nào trong câu chuyện? Con thích nhất nhân vật nào?
Đây là những câu hỏi vạn năng có thể giúp trẻ đọc hiểu bất cứ câu chuyện nào. Lặp đi lặp lại những câu hỏi này, dần dần, trẻ sẽ có kỹ năng phân tích khi đọc sách.
Reading spinner hấp dẫn bởi sự bất ngờ của nó. Vì sẽ không biết vòng quay dừng lại khi nào, ở đâu, đứa trẻ có cảm giác chờ đợi và tập trung hơn vào hoạt động. Những câu hỏi trong trò chơi kích thích não bộ của trẻ, buộc chúng liên tục tư duy để tìm ra câu trả lời.
Bằng những chỉ dẫn trực quan dễ hiểu, cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon có thể đem đến những hướng dẫn quan trọng, giúp cha mẹ nuôi dưỡng những đứa trẻ ham đọc, hướng trẻ đến với thế giới rộng lớn của tri thức và hiểu biết.
Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh là tiến sĩ, giảng viên khoa Ngữ văn, Ðại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2014, chị cùng các cộng sự sáng lập dự án Sách ơi, mở ra, với sứ mệnh thúc đẩy cảm hứng đọc sách, xây dựng thói quen đọc sách và rèn luyện kỹ năng đọc cho trẻ.
Ðồng thời, chị cũng là chuyên gia tư vấn cho các chương trình phát triển năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là năng lực đọc cho các tổ chức phi chính phủ, các trường học và cộng đồng.
Cuốn sách không những được viết trong tâm thế một chuyên gia nghiên cứu mà còn bằng cả những trải nghiệm của một người yêu thích, quan tâm và muốn phát triển văn hóa đọc.