Năm 2007, anh Nguyễn Ngọc Văn (45 tuổi, Lạng Sơn) được chẩn đoán viêm cầu thận cấp. Chỉ sau một năm, bệnh đã chuyển sang suy thận mạn giai đoạn cuối. Đến 2009, bác sĩ tiếp tục chẩn đoán anh bị suy tim. Sức khỏe thể chất và tinh thần đi xuống buộc anh đưa ra quyết định quan trọng: Lọc màng bụng.
Lựa chọn lọc màng bụng
"Hầu như ai cũng có bệnh. Tuy nhiên, chỉ ai vướng vào căn bệnh suy thận mạn này mới biết nó nghiệt ngã đến thế nào. Rõ ràng mình còn sống, nhưng 'án tử' như treo lơ lửng trước mặt. Điều đáng sợ hơn cả là suy thận không chỉ khiến chúng ta yếu ớt, không còn khả năng lao động, chăm lo cho gia đình, mà còn liên lụy tới người thân khi phải tiêu tốn một khoản tiền lớn để chữa trị", anh Văn chia sẻ.
Trải qua cảm giác ấy vào thời điểm cách đây 13 năm khi chỉ hơn 30 tuổi, có một công việc ổn định, gia đình hạnh phúc cùng vợ và một cậu con trai, anh Văn rơi vào khủng hoảng và tuyệt vọng.
Anh Văn từng có lúc thấy tuyệt vọng vì nghĩ bản thân đã lĩnh “án tử”. |
Anh may mắn khi vẫn còn gia đình và người thân bên cạnh. Họ hỏi han khắp nơi, tìm mọi thông tin về bệnh tình, phương pháp điều trị,... Qua tìm hiểu, anh được biết ghép thận là phương án tốt. Tuy nhiên, những câu hỏi như "Tìm nguồn thận ở đâu?", "Phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời hay sao?",... cứ bủa vây.
Với hàng tá vấn đề như vậy, anh tìm đến bác sĩ để hỏi ý kiến. Qua tư vấn, anh được giải thích ghép thận không phải phương án duy nhất. Người suy thận mạn giai đoạn cuối như anh có những lựa chọn điều trị khác như lọc màng bụng hoặc chạy thận nhân tạo. Trong đó, lọc màng bụng ngày càng trở nên phổ biến, phù hợp những người đang đi làm với chi phí tương đối thấp và được bảo hiểm y tế hỗ trợ chi trả. Hơn hết, anh Văn có thể thực hiện phương pháp này tại nhà mà không cần tới bệnh viện thường xuyên.
Sau khi trao đổi với bác sĩ, anh cảm thấy yên tâm phần nào và quyết định chọn lọc màng bụng. Anh bắt đầu tham gia các buổi huấn luyện cho người bệnh để có thể tự lọc màng bụng tại nhà. Chương trình huấn luyện kéo dài khoảng 2 tuần, nhưng chỉ một tuần là đủ để anh thuần thục thao tác.
Một ngày lọc màng bụng
Anh Văn tiết lộ: "Hàng ngày, tôi dậy từ 6h để vệ sinh cá nhân, thay dịch lọc màng bụng sau cữ ngâm đêm và tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút. Sau khi ăn sáng cùng cả nhà, tôi lái xe đến công ty. Quãng đường 5 km cũng không quá xa, nên tôi hoàn toàn có thể tự di chuyển mà không cần hỗ trợ. Đôi khi tôi cũng thay vợ đưa đón con trai đến trường để cô ấy có thể làm việc nhà, đặc biệt sau khi chúng tôi có thêm cháu thứ 2".
Anh Văn thường dậy lúc 6h để vệ sinh cá nhân, thay dịch và tập thể dục nhẹ nhàng. |
Buổi trưa, anh về nhà ăn cơm để đảm bảo dinh dưỡng, nhân tiện thay dịch lọc. Những ngày bận rộn, anh sẽ thay dịch tại cơ quan. Nếu phải đi công tác, anh sẽ mang theo một số túi dịch, chọn nơi sạch sẽ, thuận tiện để thực hiện thao tác. Quy trình lọc màng bụng mất khoảng 20 phút. Đây cũng là khoảng thời gian anh Văn tranh thủ nghỉ ngơi trước khi quay lại làm việc.
Buổi chiều tan sở, anh qua trường đón con rồi cùng về nhà tắm rửa, thay dịch và dùng bữa tối với gia đình. Anh sẽ thay dịch lần cuối trong ngày trước khi đi ngủ.
Anh luôn rửa tay sạch sẽ trước mỗi lần thay dịch. |
Suốt 13 năm nay, mọi thứ với anh Văn đều đặn như vậy. Công việc không bị ảnh hưởng quá nhiều giúp anh vẫn đảm đương vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình. Nhờ vậy, anh có thể sống chung với bệnh suy thận mạn một cách vui vẻ. Mỗi tháng, anh Văn đi kiểm tra định kỳ một lần theo lịch hẹn của bác sĩ và vẫn nhận được cái gật đầu hài lòng về tình trạng sức khỏe.
Suy thận mạn giai đoạn cuối không phải là dấu chấm hết. Do đó, anh Văn không ngần ngại chia sẻ câu chuyện của mình để những ai từng hết niềm tin vào cuộc sống có thể lạc quan hơn. Chỉ cần đủ nhẫn nại và quyết tâm, bạn sẽ tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm" để kéo dài thời gian bên người mình thương yêu.