Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Phương Oanh, Trấn Thành bị quay lén và nỗi khiếp sợ của sao Việt

Phương Oanh, Tăng Thanh Hà cùng nhiều nghệ sĩ ở Việt Nam lẫn Trung Quốc, Hàn Quốc bị quay, chụp lén khoảnh khắc riêng tư. Sự việc khiến không ít người suy sụp.

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, mọi người được tiếp xúc sớm với công nghệ cũng như các trang mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook... Bên cạnh những video, hình ảnh với thông tin bổ ích và nội dung lành mạnh, tình trạng nghệ sĩ nổi tiếng bị chụp, quay lén rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội đang gây nhức nhối.

Theo luật sư Phan Kế Hiền, hành vi nói trên đang ảnh hưởng đến quyền riêng tư đồng thời xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nghệ sĩ nói riêng và mọi người nói chung.

Nhiều nghệ sĩ bị quay lén đăng TikTok

Ngày 24/4, Phương Oanh bức xúc lên tiếng việc liên tục bị chụp, quay lén khi đi ăn hoặc dự tiệc cùng Shark Bình. Những ngày trước đó, khoảnh khắc cô chăm sóc Shark Bình trong một bữa ăn lan truyền trên mạng xã hội. Phương Oanh cho biết tình trạng này kéo dài suốt 8 tháng qua và ảnh hưởng nhiều tới tinh thần của cô. Nữ diễn viên nhiều lần muốn muốn nhờ pháp luật xử lý nhưng không biết người quay chụp lén là ai.

“Tôi cảm thấy bản thân đang mất dần quyền cơ bản của con người. Tôi nhiều lần tự hỏi người nổi tiếng có được bảo vệ hay không. Hành vi lăng mạ, xúc phạm thậm tệ và chia sẻ những video không được sự cho phép của người bị quay cũng là vi phạm. Tại sao họ cướp đi quyền con người của tôi như vậy. Tôi tưởng bản thân đủ mạnh mẽ để vượt qua tình trạng đó nhưng nhiều lúc thấy sức chịu đựng của mình đến giới hạn", Phương Oanh chia sẻ với Zing.

Người nổi tiếng bị quay chụp lén là điều khó tránh bởi họ luôn được quan tâm, nhất là về đời tư. Đáng nói là không chỉ ở sự kiện công khai hoặc khi biểu diễn, nghệ sĩ còn bị chụp, quay video mà không xin phép trong nhiều khoảnh khắc riêng tư, tế nhị. Đây là nỗi khiếp sợ với giới nghệ sĩ, đặc biệt nữ giới. Những cảnh quay, chụp lén thường được sử dụng để câu view, câu like trên TikTok, Facebook hoặc tống tiền.

Trấn Thành cũng từng bức xúc khi bị chụp lén khoảnh khắc anh cùng Hari Won đi ăn khuya.

Tăng Thanh Hà từng bị chụp lén cảnh thay đồ ở hậu trường quay phim. Sau đó, cô cũng thường xuyên xuất hiện trong những video do cộng đồng mạng đăng tải dù đã rút khỏi ngành giải trí nhiều năm. Họ quay lén Tăng Thanh Hà khi đi ăn hoặc đi siêu thị...

Trang Nhung cũng gặp tình huống tương tự khi chụp bộ hình cưới ngoài trời. Thời điểm đó, sự việc gây tranh cãi bởi trong quá trình chụp, Trang Nhung vô tình làm rơi vạt áo và lộ vòng một. Hình ảnh đó cũng lọt vào ống kính của người chụp lén.

Tình trạng quay lén tại Trung Quốc, Hàn Quốc càng nghiêm trọng hơn. Ngày 19/4, Sina đưa tin nữ diễn viên Tưởng Mộng Tiệp cho biết cảnh sát đã bắt giữ người dùng ảnh nhạy cảm để tống tiền cô. Tưởng Mộng Tiệp cho biết trong một lần mặc váy ngắn đi mua sắm ở trung tâm thương mại, nữ diễn viên bị bám đuôi và quay lại hình ảnh nhạy cảm. Ngoài tống tiền nữ diễn viên, kẻ xấu còn chia sẻ video quay lén trên nhiều diễn đàn khiêu dâm kín.

Dương Mịch cũng bị quay lén vùng nhạy cảm khi đi lên cầu thang ở trường quay Hộc Châu phu nhân. Chung Hân Đồng, Ôn Nhã, Trương Bá Chi, Chương Tiểu Huệ, Hồ Tịnh... từng rơi vào tình huống tương tự.

Trong khi đó, Nancy (Momoland) suy sụp vì bị chụp lén cảnh thay đồ khi làm MC tại lễ trao giải AAA ở Hà Nội. “Nancy đang suy sụp tinh thần. Chúng tôi hy vọng mọi người không bình luận ác ý. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để bảo vệ các nghệ sĩ và thực hiện hành động pháp lý mạnh mẽ mà không có bất cứ sự khoan hồng hoặc dàn xếp nào”, công ty quản lý Nancy chia sẻ ở thời điểm đó.

Theo Wikitree, nhiều người mẫu, ca sĩ, diễn viên trở thành nạn nhân của Cho Joo Bin - kẻ đứng đầu phòng chat tình dục từng gây chấn động dư luận Hàn Quốc - trong đó có Shin Se Kyung và nữ thần tượng Bomi (thành viên nhóm Apink).

Tại Thái Lan, Thairath đưa tin vào tháng 9/2021, hai diễn viên Pearwah Nichaphat và Fon Sananthachat bị quay lén cảnh thay quần áo. Thủ phạm sau đó phát tán clip để kiếm tiền.

Ngoài hành vi xâm phạm sự riêng tư của người nổi tiếng, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ còn bức xúc việc mạng xã hội xuất hiện những đoạn video ngắn đăng tải trái phép bộ phim chiếu rạp của cả Việt Nam và nước ngoài, thậm chí là toàn bộ nội dung phim trên các nền tảng.

Điều này ảnh hưởng đến cả trải nghiệm thưởng thức của khán giả lẫn doanh thu phim. Ngoài ra, hành vi trên cũng tác động không nhỏ đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Mới nhất, diễn viên Thu Trang bức xúc việc Con Nhót mót chồng do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn với sự tham gia của Thái Hòa, Tiến Luật… bị quay lén, sau đó tung lên TikTok.

Cách đây không lâu, Chị chị em em 2 của Vũ Ngọc Đãng cũng bị quay, chụp lén. “Chị chị em em 2 trở thành nạn nhân của các TikToker thèm khát view một cách bẩn thỉu và đê tiện”, đạo diễn nhấn mạnh.

Hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với Zing, luật sư Phan Kế Hiền nhận định hành vi quay chụp mà chưa được sự đồng ý của người xuất hiện trong hình ảnh, video là vi phạm pháp luật. Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Đồng thời, pháp luật bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Theo đó, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan với những vấn đề trên phải được người đó đồng ý (Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó, những hành vi chụp, quay lén đang xâm phạm đến quyền hình ảnh cá nhân cũng như quyền thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

quay len Phuong Oanh anh 3

Nancy suy sụp khi bị chụp lén.

Pháp luật luôn có chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm. Hành vi quay lén và đăng tải lên các trang mạng xã hội không phải ngoại lệ. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể phải bồi thường thiệt hại về mặt dân sự, xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 594 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại phải bồi thường. Khi đó, những chủ thể bị chụp, quay lén có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi, buộc xin lỗi, cải chính công khai và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP), hành vi quay lén và đăng tải lên trang mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hình phạt có thể lên đến 5 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Trường hợp khác, nếu không đủ cấu thành tội làm nhục người khác nhưng dùng hình ảnh do quay, chụp trộm được nhằm uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản có thể xử lý về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt có thể thể lên đến 20 năm tù.

Hiện nay, một số chủ thể lấy việc quay lén, xâm phạm bí mật đời tư để thu hút người theo dõi, tăng tương tác. Trong khi đó, việc kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm của cơ quan chức năng có nhiều hạn chế. Do đó, các chủ thể vẫn còn bất chấp thực hiện dù biết là hành vi vi phạm pháp luật.

“Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần làm triệt để, quyết liệt đối với vấn đề trên, phối hợp cũng như xử lý nghiêm để hạn chế những hành vi vi phạm. Từ đó, trật tự trên trang mạng xã hội được thiết lập cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể”, luật sư nhấn mạnh.

Đối với hành vi quay lén trong rạp chiếu phim, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả gây ra, người quay lén hoặc phát tán các đoạn phim sẽ bị phạt vi phạm hành chính 15-35 triệu đồng theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP).

Đối với tổ chức có hành vi vi phạm, mức phạt tăng lên gấp đôi. Đồng thời, buộc dỡ các bản quay lén hoặc tiêu hủy toàn bộ tang vật tùy vào từng trường hợp. Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể, cá nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Sách tham khảo: Người khôn ngoan ứng xử giao tiếp như thế nào? do nhóm tác giả Douglas Stone, Bruce Pation và Sheila Heen viết, lọt danh sách best-seller theo bình chọn của The New York Times. Cuốn sách như một cẩm nang nhỏ chứa đựng kỹ năng ứng xử cần thiết cho mỗi người.

Phương Oanh bức xúc việc bị quay lén khoảnh khắc bên Shark Bình

Phương Oanh cho biết cô đang mất dần quyền riêng tư khi liên tục bị quay lén và đăng trên TikTok. Cô muốn xử lý bằng pháp luật nhưng không biết chủ nhân video là ai.

Bản nhạc chế từ bài thơ 'Lượm' bị gỡ bỏ

Bài nhạc chế từ bài thơ "Lượm" gây tranh cãi vì phần lời vô nghĩa, nhảm nhí. Trước phản ứng tiêu cực của dư luận, DJ FWIN quyết định xóa bỏ bản remix trên TikTok.

Noo Phước Thịnh bị lợi dụng hình ảnh để bán vé

Noo Phước Thịnh đã hủy hợp đồng với ban tổ chức một đêm nhạc vì thông tin không đúng theo thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, tên tuổi của anh vẫn bị sử dụng để bán vé.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm