Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Trong đó, ông Hưng đã thông tin về việc nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Như Ý. |
Cụ thể:
Sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại: Chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.
Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.
Không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các Ủy ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Theo ông Hưng, thực hiện phương án này, giảm được 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết
Đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sẽ rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.
Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thực sự cần thiết.
Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Ảnh: PV. |
Lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp tỉnh
Đối với các địa phương, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, dựa trên nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (với các cấp ủy, tổ chức đảng; đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ), cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động nghiên cứu đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở trung ương.
Theo ông Hưng, sẽ kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy khối cấp tỉnh.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, sẽ lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp tỉnh:
Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm: các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh.
Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh, gồm: các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, một số doanh nghiệp nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan UBND cấp tỉnh (riêng Đảng bộ quân sự và đảng bộ công an, đảng bộ biên phòng cấp tỉnh trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay).
Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của UBND cấp tỉnh và các cấp ủy (chi bộ) trực thuộc. Dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của đảng ủy chính quyền cấp tỉnh (tương đương cấp huyện) về đảng ủy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban đảng cấp ủy cấp tỉnh thực hiện.
Ban Bí thư sẽ quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 2 đảng ủy nêu trên.
“Quán triệt sâu sắc những nhận thức mới về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu, biên soạn cuốn sách Những điểm mới về an ninh quốc gia trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, đại tướng Tô Lâm nói trong buổi ra mắt cuốn sách.
Sách có kết cấu hai phần, phản ánh sâu sắc quan điểm an ninh chủ động và toàn diện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Cuốn sách vừa mang tính lý luận, thực tiễn vừa tổng kết, dự báo, có giá trị định hướng hành động. Cán bộ đảng viên đọc sách giúp nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của mình với bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng công an nhân dân đọc sách sẽ hiểu sâu sắc hơn nhiều vấn đề trực tiếp liên quan nhiệm vụ của mình. Tác phẩm chính luận nhưng viết giản dị, trình bày dễ hiểu, cập nhật cuộc sống.