Nhắc tới các sáng tác của nhà văn - nhà thơ Phùng Quán dành cho thiếu nhi, người ta nhớ ngay tới bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội. Sự hy sinh đầy quả cảm của cậu bé Mừng đã làm lay động trái tim của nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi. Không chỉ vậy, tác phẩm này còn chiếm được tình cảm của nhiều độc giả lớn tuổi, những người đã phải chịu nhiều mất mát bởi chiến tranh.
Ngoài Tuổi thơ dữ dội, nhà văn Phùng Quán còn có một sáng tác nữa, dành cho thiếu nhi với đề tài về người lính. Đó là Cuộc đời một đôi dép cao su. Những năm tháng khốc liệt ở chiến trường cùng sự gan dạ của người lính, cùng tình quân dân đầy cảm động đã được kể lại bằng giọng văn hóm hỉnh, gần gũi với trẻ thơ.
Đôi dép cao su, nhân vật chính của tác phẩm vốn được làm từ lốp xe. Anh Bảy, một chiến sĩ du kích đầy gan dạ, trong một lần phục kích xe của địch đã nhanh trí cắt về một miếng lốp xe để làm dép. Nếu có đôi dép, chặng đường hành quân của anh cũng bớt đi phần nào vất vả, bàn chân anh sẽ không phải rỉ máu hay sưng phồng vì gai nhọn nữa.
Tác phẩm Cuộc đời một đôi dép cao su của nhà văn Phùng Quán. |
Đã có được đế dép, nhưng mãi mà anh Bảy chẳng biết lấy gì làm quai. Trên đường hành quân, trong một lần nghỉ lại nhà dân, anh Bảy đã được hai cậu bé tốt bụng tặng cho đôi quai dép. Những chú nhóc ấy đã hy sinh chiếc súng cao su yêu thích để giúp anh bộ đội có đôi dép mới.
Trái tim non nớt ấy nhận ra rằng trẻ con không có súng để chơi cũng không sao, nhưng anh bộ đội không có dép đi thì làm sao đánh được nhiều giặc. Tình yêu nước, yêu tự do đã nảy mầm hồn nhiên như thế.
Đôi dép cao su đã cùng anh Bảy vượt qua nhiều gian lao, vất vả. Hai “người đồng chí” rất vui khi được chiến đấu bên nhau. Trong một trận càn của quân địch, anh Bảy không may bị thương nặng. Anh đã ra đi trong sự tiếc thương của đồng đội và dân làng.
Suýt chút nữa, người ta quyết định chôn đôi dép cao su cùng anh Bảy. Nhưng nghĩ tới hoàn cảnh thiếu thốn của nhiều anh bộ đội, một người phụ nữ trong làng đã đề nghị giữ đôi dép lại.
Khi thấy bộ đội hành quân qua làng, chị tặng lại nó cho một chiến sĩ khác đang trên đường ra mặt trận. Anh bạn dép cao su đã tìm được chủ mới sau bao ngày nằm im nơi xó nhà. Anh Đích, người lính mới nhận được đôi dép cao su từ một đồng đội đã hy sinh, cảm động vô cùng. Anh nâng niu nó như báu vật.
Đôi dép ở bên người chủ mới, san sẻ bao vui buồn và mất mát trên đường hành quân. Cuộc chiến nào mà chẳng đầy nỗi đau. Trong một lần đánh đồn của địch, anh Đích bị thương nặng, phải cưa chân.
Không thể ra chiến trường được nữa, anh dành tặng lại đôi dép cao su cho những đồng đội sắp ra mặt trận. Những con người sẽ thay anh chiến đấu để giành lại hòa bình cho quê hương.
“Đời quân ngũ” của nhân vật chính còn rất dài. Đôi dép cao su sẽ làm bạn với nhiều người lính khác. Những anh lính trẻ gan dạ và đầy nhiệt huyết. Dù chiến đấu ở đâu, được giao nhiệm vụ gì họ cũng không quản ngại khó khăn.
Lấy ngôn ngữ đồng thoại và thủ pháp nhân hóa làm chất liệu để kể chuyện, nhà văn Phùng Quán đã mang đến một bức tranh khác về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Ngoài đôi dép cao su, những vũ khí như súng, lựu đạn cũng hiện ra trong tác phẩm với một sắc thái rất khác. Chúng biến thành những nhân vật hồn nhiên, hóm hỉnh và rất giàu tình cảm.
Ở chiến trường có nước mắt, có hy sinh và có cả niềm vui. Tuy luôn “sát cánh” chiến đấu cùng các anh bộ đội, nhưng đôi dép cao su được miêu tả như một đứa trẻ, đôi khi nóng nảy và hơi hiếu thắng.
Quãng thời gian “phục vụ trong quân ngũ” đã giúp anh bạn dép cao su trưởng thành lên rất nhiều. Qua đó, nhà văn Phùng Quán cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn nhỏ: đừng nản chí trước khó khăn, vì gian khó biến chúng ta thành những con người kiên cường.
Cuộc đời một đôi dép cao su là một tác phẩm hay, đầy cảm động về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ. Trước khi trở thành một nhà thơ, nhà văn, tác giả cũng đã từng là một người lính.
Phùng Quán từng có thời gian là chiến sĩ trinh sát trong Vệ Quốc quân. Bởi vậy, tác phẩm còn lưu giữ nhiều kỉ niệm của nhà văn cùng những năm tháng không thể nào quên của đất nước.