Mỗi tác giả đều là một mảnh gương, mang trên mình một khuôn mặt khắc họa đầy đủ nét cá tính độc đáo, tạo nên những cảm thức đa chiều cho người đọc khi thưởng thức tác phẩm.
Độc giả sẽ được trải nghiệm đầy đủ cảm thức của một mối tình đầu đầy bi thiết, lãng mạn hư ảo, với Mộ hoa cúc dại của Ito Sachio, hay trải nghiệm cuộc phiêu lưu phá án bí ẩn trong Người đàn bà viết thơ Haiku của Matsumoto Seicho, thưởng thức những diễn biến tâm lý phức tạp của phụ nữ trong Chiếc đèn lồng của Dazai Osamu, gặp gỡ một người đàn ông bị ám ảnh bởi một giấc mơ về mảnh trăng cười trong Trăng cười của Abe Kobo...
Mỗi tác giả đều thể hiện được sự tài hoa tinh tế trong cách biện giải tâm hồn con người trong thế giới hỗn độn này.
Nếu như Ito Sachio theo đuổi những nét đẹp mẫn cảm của tự nhiên và diễn bày nó dưới ý tứ mong manh mà da diết của tình cảm nam nữ, thì Abe Kobo lại tiến hành một cuộc thám hiểm tâm thần con người, dưới những bí ẩn của giấc mơ.
Hay Kawakami Hiromi, là tác giả nữ duy nhất trong tập sách, với truyện ngắn Chuột chũi đã vẽ nên tổng thể một bức tranh đương đại với những vấn đề nhức nhối, được viết dưới một bút phát ảo hóa đầy màu sắc trong sự biến hóa linh hoạt.
Tập truyện ngắn hiện đại Nhật bản Trăng cười. |
Hiromi Kawakami là một nhà văn nữ đặc biệt thú vị và kỳ lạ của văn chương hiện đại Nhật. Trong bài viết Các nhà văn nữ Nhật Bản, một cuộc đảo chiều tinh tế, tác giả Rieko Matsuura đã nhận xét:
“Với Hiromi Kawakami, thế giới thường nhật diễn ra trơn trụi và buồn tẻ, nhưng nó sẵn sàng chuyển hóa tức khắc thành một thế giới khác, nơi mà con người trở thành con vật, bị ám ảnh bởi sự gia tăng số lượng của những kẻ đến sau, chúng ta có thể ví von đó như là một dạng âm bản của Alice ở xứ sở diệu kỳ.
Sự huyễn tưởng được đẩy lên tối đa bằng tất cả những yếu tố của cuốn truyện, từ kết câu cho tới phong cách, từ những phép ẩn dụ cho tới kỹ thuật sử dụng ký tự. Tất cả đều được lựa chọn một cách tỉ mỉ và tinh tế.”
Và truyện ngắn Chuột chũi sẽ đưa khán giả đến gần với phong cách đặc trưng của cô, với hơi hướng phảng phất Tàn Tuyết, Kafka hay Gabriel Marquez Garcia...
Một nhà văn cũng vô cùng thú vị được tuyển truyện ngắn trong tập truyện ngắn Trăng cười chính là Hoshi Shinichi, với những truyện ngắn Phương thuốc, Chứng bệnh, Ngày tết, Nhân chứng... sẽ khiến khán giả bất ngờ bởi những câu chuyện rất ngắn, đầy ngẫu hứng, nhưng khơi ra một dòng tưởng tượng khôn cùng.
Những cuộc gặp gỡ với một người đàn bà đọc sách về người chết, nhập hồn đến nỗi tưởng mình đã chết; một con mèo biết nói chuyện, một xã hội tương lai tiện nghi phát triển; một cuộc hóa trang đầy thông minh và nổi loạn... chắc hẳn sẽ khiến độc giả thích thú.
Hoshi Hinichi là nhà văn chuyên viết truyện khoa học giả tưởng và là người khai phá thể loại truyện cực ngắn của Nhật Bản. Những truyện ngắn của Shinichi rất gần gũi với chủ nghĩa hậu hiện đại, với sự phá vỡ cấu trúc, và ý niệm về diễn tiến ngôn ngữ. Mỗi câu chuyện tưởng chừng phi lý lại được dẫn giải vô cùng đáng tin. Những điều ấy đều nhằm dẫn dắt con người đến những cảnh huống rất đời, nhưng lại chứa đầy sắc màu huyền ảo.
Các tác phẩm của Dazai Osamu có dấu ấn đặc biệt trong tập truyện ngắn này. |
Tạo nên sức hấp dẫn của tập truyện Trăng cười, không thể không nhắc đến Dazai Osamu, tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam qua các tác phẩm xuất sắc nhất của ông như Tà dương, Thất lạc cõi người, Nữ sinh.
Trong tập sách này, độc giả sẽ có cơ hội được hiểu rõ hơn về “mối ân oán” giữa hai văn hào Kawabata và Dazai Osamu qua bức thư Dazai gửi cho Kawabata, nói về việc tác phẩm Hoa hề của Dazai Osamu bị Kawabata phê phán là “Tác phẩm phảng phất cái mùi của cuộc sống hạ đẳng do đó khiến tôi tiếc cho tài năng của tác giả không được phát huy đúng đắn”.
Bức thư của Osamu gửi Kawabata đã cho thấy những quan niệm cá nhân mạnh mẽ, thâm thúy và cũng vô cùng cực đoan của Dazai về văn chương. Thêm lần nữa, độc giả có thể gặp gỡ một Dazai “thất lạc cõi người”, vô cùng tài hoa, uyên bác nhưng cũng đầy bạo loạn và hoang hoải.
Một số quan niệm về tiểu thuyết của Dazai cũng được thể hiện rõ trong bài viết Sự thú vị của tiểu thuyết. Dazai viết: “Tiểu thuyết là thứ tệ hại khốn khổ”, ông cho rằng tiểu thuyết “hoặc là khoác lấy dáng vẻ nghiêm trang, hoặc là thể hiện ra vẻ kiều diễm, hoặc dối trá rằng mình xuất thân danh ra vọng tộc, hoặc phố bày kiến thức vớ vẩn chẳng ra gì”.
Trong bài viết, Dazai cũng kể một chuyện rất thú vị về việc ông đọc tác phẩm của Toson tên là Trước bình minh. Ông đã đọc một mạch đến sáng hết tác phẩm và sau đó ngủ thiếp đi. Dazai đã nằm mơ nhưng giấc mơ đó hoàn toàn không liên quan gì đến cuốn sách ông vừa đọc.
Với lối viết thả rơi khá ngẫu hứng, Dazai bày tỏ những quan niệm về sáng tác của mình một cách rất chân tình, nhưng vẫn ngồn ngộn cảm giác của sự nghi hoặc, hủy diệt, vốn tồn tại như một mầm giống vĩnh viễn trong tâm hồn nhà văn.
Dẫu mỗi tác giả đều tạo cho mình một dấu ấn riêng, khẳng định sự sáng tạo đầy tài hoa thì những truyện ngắn trong tập Trăng cười vẫn nằm trong cảm thức “aware”, vốn là “linh hồn” của văn chương Nhật Bản.
Bài viết Quan niệm về cái đẹp của những nhà văn hiện đại Nhật Bản, được viết bởi dịch giả Hoàng Long in ở cuối cuốn sách cũng sẽ phần nào khiến độc giả có được sự tiếp cận gần gũi và tinh tế với vấn đề cốt lõi nhất của văn học Nhật Bản.
Trăng cười là tập truyện ngắn mà bất kỳ ai đã từng yêu quý văn chương Nhật Bản đều sẽ say sưa ngâm ngợi.