Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ Việt xưa thấp vì phải gánh hàng quá sớm so với tuổi

Gánh nước trong nồi đất, gánh lúa thu hoạch ở nông thôn, thậm chí là gánh phở, gánh bún đi bán rong nơi thành phố, là hình ảnh dễ gặp ở người Việt xưa kia.

“Gồng gồng gánh gánh / Gánh sông gánh núi / Gánh củi gánh cành...” là những câu ca trong bài đồng dao mà bà tôi thường ru con gái tôi lúc thơ ấu. Có lẽ cuộc đời người phụ nữ ngày xưa không khi nào không gắn với đôi quang thúng và đòn gánh.

Tôi còn nhớ hình ảnh một phụ nữ Nam Định khi chạy sơ tán gánh đôi thúng, một bên đặt đứa con gái nhỏ và ít quần áo, một bên là vài bức tranh và ít gạo. Những bức tranh nhỏ chồng bà đã mua của họa sĩ nào đó của trường Mỹ thuật Đông Dương từ hồi Pháp thuộc. Có người mách bà nên đem bán những bức tranh này, bà nói: “Ngọc lành ai nỡ bán rao”.

Để mang vác bằng thúng những đồ vật nào đó, người nông dân Việt Nam có hai cách: hoặc đội thúng lên đầu, hoặc gánh bằng đôi vai.

Quang ganh tren vai anh 1

Gánh hàng hóa, đồ đạc đã là hình ảnh quen thuộc của nhiều phụ nữ Việt Nam thời xưa. Ảnh: TL.

Tôi từng thấy những bà buôn bán vặt đội thúng đi cả ngày trên đường mà không hề đưa tay lên giữ thúng. Những phụ nữ Nam Á còn đội cả vò nước trên đầu. Từ 13 tuổi đa phần người Việt đã tham gia gánh gồng: gánh nước, gánh gạo, gánh thóc, gánh rơm, cỏ, gánh củi... tóm lại là gánh hàng hóa cho gia đình, đi buôn bán hay gánh thuê.

Gánh thuê trở thành một nghề phổ biến và người gánh đôi khi xa nhà hàng tháng và lang thang theo đoàn buôn hàng trăm cây số trên đường, người ta gọi là nghề buôn vã hay gánh vã, như Nguyễn Du đã tả những người mà đòn gánh tre chín rạn hai vai: “Kìa những kẻ đi về buôn bán / Đòn gánh tre chín rạn hai vai”.

Dụng cụ để gánh thông thường chỉ là đôi quang và chiếc đòn gánh. Mọi thứ như: rau cỏ, củi, lúa đều có thể chất lên đôi quang cả, và anh chàng lực điền khỏe có thể gánh đến cả tạ, thông thường là bốn, năm mươi cân.

Với những đồ vật nhỏ hay lỉnh kỉnh cần cái đựng, thì thúng là đồ đựng thông dụng, thể tích và sức chứa của nó đã được hàng nghìn đời kinh nghiệm với hình dạng một cái thúng tròn đan tre, cao 30 phân, đường kính chừng 40 phân là vừa cho người mang đựng.

Trước khi có thùng gánh nước bằng tôn, người nông dân thường gánh nước bằng đôi nồi đất, bản thân nồi đất cũng nặng, lại không đựng được nhiều nước, nên sự ra đời của thùng tôn cũng giúp cho nhà nông tiện lợi hơn.

Gánh sọt đi buôn gà, gánh bồ đi buôn đồng nát, gánh chum, gánh chĩnh, gánh đơm đó đi bán... rất nhiều sản vật nông thôn kĩu kịt trên vai người đàn bà, gánh gồng nhiều làm cho họ thon thả và đi lại uyển chuyển hơn, nhưng cũng nhiều người vì phải đi gánh quá sớm so với tuổi mà trở nên lùn tìn tịt.

Quang ganh tren vai anh 2

Bán hàng rong ở Chợ Lớn. Ảnh: TL.

Nếu những người nông dân có thể gánh rất nặng, thì những người bán rong ở thành phố lại có thể gánh cồng kềnh và bền bỉ. Phở gánh, bún gánh, cháo gánh, hoa quả gánh... rồi lang thang cả ngày trên những hè phố, tất cả ở trên đôi vai dãi dầu nắng mưa. Một gánh bún đậu rán rất lỉnh kỉnh. Bếp lò, chảo đậu mỡ nóng luôn sôi sùng sục, các chai nước mắm, dấm, mắm tôm giắt quanh. Bên kia là rổ bún, rau sống và đậu chưa rán, ống đũa, và ghế đẩu cài vào quang gánh.

Vừa đi vừa rán, vừa bán và cũng còn phải chạy nếu bị các nhân viên giữ trật tự lùa hàng rong. Gồng gánh là một truyền thống của đời sống sinh nhai vất vả, nhưng cũng là một nét văn hóa Việt.

Phan Cẩm Thượng / Zenbooks và NXB Thế giới

SÁCH HAY