Trong vài thập kỷ qua, bình đẳng giới đã đạt được nhiều tiến bộ trên phạm vi quốc gia và toàn cầu.
Tuy nhiên, sự thật là chưa nước nào đạt được hoàn toàn hoặc tới gần mục tiêu bình đẳng giới. Phụ nữ khắp thế giới vẫn gặp trở ngại lớn về việc tiếp cận cơ hội và thực hành quyền tự quyết.
Theo Chỉ số Giới SDG năm 2022, “ít hơn 1/4 các quốc gia có tiến độ nhanh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, trong khi 1/3 chưa đạt tiến triển gì, hoặc tệ hơn, họ đang đi sai hướng”.
Có thể nói, vô số phụ nữ và trẻ em gái đang phải vật lộn để duy trì cuộc sống và phẩm giá trong một thế giới đầy rẫy bất bình đẳng hệ thống và phân biệt giới tính.
Đại dịch Covid-19 làm tình trạng này tệ hơn, gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, củng cố những bất bình đẳng có sẵn và ảnh hưởng phụ nữ nhiều hơn cả, theo SCMP.
Phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng hơn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: BBC. |
Gánh nặng hậu đại dịch
Khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các biện pháp được chính phủ thực thi nhằm hạn chế sự lây lan của virus đã khiến phụ nữ không chỉ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, di dời không an toàn, bạo lực tình dục và thất nghiệp. Họ còn phải chịu gánh nặng gia tăng của công việc chăm sóc không được trả lương. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tinh thần của phụ nữ.
Hiện nay, ngay cả khi đại dịch đã dần lắng xuống, cho phép việc kinh doanh và nền kinh tế hoạt động trở lại, tốc độ phục hồi vẫn chậm hơn đối với phụ nữ. Ví dụ, số nữ giới có việc trở lại ít hơn nhiều so với nam giới.
Theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động giảm từ 48% xuống 46% trong thời gian 2019-2020 và tiếp tục dao động ở mức đó vào năm 2021. Trong khi đó, mặc dù tỷ lệ này cũng giảm từ 73% xuống 71% ở nam giới, nó đã tăng lên 72% vào năm 2021.
Ngoài ra, số vụ bạo lực giới toàn cầu tăng 30%. Một số bằng chứng cho thấy số trường hợp được tố cáo lên chính quyền đã giảm.
Trong năm đại dịch thứ 3, sự căng thẳng, đau buồn, thất vọng và tức giận kéo dài, dẫn đến nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới toàn cầu, bao gồm bạo lực gia đình, hôn nhân ép buộc và lao động trẻ em.
Sau đại dịch, phụ nữ gặp thêm khó khăn trong việc tiếp cận cơ hội và chịu tình trạng bạo lực giới. Ảnh: Down To Earth. |
Hơn nữa, việc đóng cửa trường học trong thời kỳ đại dịch không chỉ khiến nhiều nữ sinh chịu gánh nặng chăm sóc gia đình mà còn làm các em dễ bỏ học hơn. Trong xã hội phụ quyền, việc thiếu tiếp cận giáo dục tạm thời có thể trở thành vĩnh viễn đối với một số người.
Các bé gái ở 2 nước Sierra Leone và Guinea đã gặp tình trạng này sau khi trường học bị đóng cửa do đại dịch Ebola vào năm 2014 và 2015. Theo phân tích toàn cầu của Quỹ Malala, thêm 20 triệu trẻ em gái ở độ tuổi trung học trên khắp thế giới có thể bỏ học do Covid-19.
Khắc phục
Đại dịch đã đe dọa những tiến bộ ít ỏi trong bình đẳng giới. Nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, thế giới sẽ không bắt kịp thời hạn đạt mục tiêu bình đẳng giới vào cuối năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, mặc dù đại dịch đã đặt ra những thách thức to lớn đối với phụ nữ, nó cũng phơi bày sai sót và rạn nứt trong hệ thống, từ đó mở ra cánh cửa để hướng đến xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn với nhiều cơ hội mới cho mọi người, bao gồm nữ giới.
Thời điểm hiện tại có lẽ là lúc tốt nhất để các quốc gia suy ngẫm về bài học kinh nghiệm từ Covid-19, đồng thời tìm ra giải pháp sáng tạo, toàn diện nhằm khắc phục những vấn đề mang tính hệ thống về bất bình đẳng, phân biệt đối xử cùng cấu trúc thứ bậc trong xã hội, vốn cản trở sự tiến bộ và bình đẳng giới.
Khắp thế giới, các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo rằng nhu cầu và mối quan tâm của phụ nữ được đặt lên hàng đầu trong các quyết định, đồng thời đề cao bình đẳng giới trong kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội.