Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bỏ cuộc sau vài tháng 'thắt lưng buộc bụng'

Sau một tháng thực hiện kế hoạch tiết kiệm như ăn sáng tại nhà, mang cơm đi làm, di chuyển bằng xe buýt, vợ chồng chị Tâm lại quay về lối chi tiêu cũ vì "không thể cố thêm".

that lung buoc bung anh 1

Vào thời điểm giá xăng đạt đỉnh vượt 32.000 đồng/lít và nhiều mặt hàng từ nhu yếu phẩm cho đến các loại dịch vụ đồng loạt tăng giá, vợ chồng chị Lê Thanh Tâm (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cảm thấy tiết kiệm thôi là chưa đủ, cả gia đình cần "thắt lưng buộc bụng".

Mỗi tháng, chị Tâm và chồng có thu nhập chưa đầy 30 triệu đồng. Bên cạnh những khoản chi tiêu thông thường như tiền ăn uống, học phí cho hai con, xăng xe đi lại, cả hai còn phải trả nợ khoản vay mua nhà.

Trước đây, cặp vợ chồng chủ yếu tiết kiệm bằng cách hạn chế chi tiêu những khoản lớn như mua sắm, du lịch, về quê ngày lễ. Tuy nhiên, trong giai đoạn bão giá, ngay cả những khoản chi lặt vặt, gia đình này cũng không thể mạnh tay như trước.

Từ cuối tháng 6, vợ chồng chị Tâm bắt đầu thay phiên nhau dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà và làm cơm trưa để cả hai mang đến văn phòng.

that lung buoc bung anh 2

Chị Tâm mệt mỏi sau một tháng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng, cơm trưa và đi làm bằng xe buýt.

"Trong khi chồng chạy xe máy chở các con đi học rồi tới chỗ làm, tôi thậm chí quyết tâm chuyển sang đi xe buýt dù nhà không gần trạm đón xe cho lắm. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ chăm chăm tìm mọi cách để tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy", chị Tâm kể.

Tuy nhiên, kế hoạch tiết kiệm hoàn toàn đổ bể sau một tháng. Việc phải dậy từ lúc 5h để chuẩn bị đồ ăn khiến hai vợ chồng mệt mỏi. Chị Tâm cũng không còn tinh thần làm việc khi mỗi ngày đều phải cuốc bộ gần 2 km đến trạm xe buýt.

"Việc tự nấu ăn và thay đổi cách di chuyển giúp chúng tôi tiết kiệm nhưng quả thực là không nhiều nhặn gì. Đổi lại, hai vợ chồng đều sinh ra mệt mỏi, áp lực và hay cáu gắt nhau", người mẹ 37 tuổi chia sẻ với Zing.

Bỏ cuộc

Nhiều gia đình sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang tìm mọi cách tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong giai đoạn bão giá. Tuy nhiên, một số phương pháp không mang lại hiệu quả, nhiều người chia sẻ nhanh chóng trở về lối chi tiêu cũ sau vài tuần thắt chặt sai cách

Sau hơn 2 năm đại dịch căng thẳng, chị Nguyễn Phương (quận Hà Đông, Hà Nội) càng nhận ra tầm quan trọng của một khoản tiền để dành, phòng những khi khó khăn, công việc ảnh hưởng. Hơn 3 tháng trước, chị bắt đầu hạ quyết tâm thắt chặt chi tiêu, dành dụm nhiều hơn.

"Thu nhập của vợ chồng tôi không cố định, vào khoảng 30 triệu đồng/tháng nên việc chi tiêu trước đây cho 3 người, 2 vợ chồng và con trai lớp 3, có thể nói là khá thoải mái", chị cho biết.

Vì đã sở hữu nhà, ngoài các khoản cố định như điện nước, tiền học cho con, chị Phương chủ yếu chi tiền cho việc ăn uống, đi lại hàng ngày và các khoản phát sinh như ma chay, hiếu hỉ. Khi bắt đầu, chị dự định nâng con số tiết kiệm được mỗi tháng, từ 3 đến 5 triệu đồng trước đây lên 7 triệu đồng.

"Tôi lên kế hoạch nấu ăn ở nhà nhiều hơn, nhất là bữa sáng, hạn chế đi nhà hàng. Ngoài ra, tôi canh các khung giờ giảm giá hoặc đợt khuyến mãi của siêu thị dưới tầng trệt chung cư để mua thực phẩm hoặc ra chợ cóc".

Tuy nhiên vừa qua, xăng tăng khiến giá nhiều nhu yếu phẩm cũng nhảy vọt. Bà mẹ một con bắt đầu quay cuồng với thực đơn hàng ngày để đảm bảo vừa đủ chất, đa dạng cho gia đình vừa giá thành hợp lý.

"Tôi thường đi mua đồ ăn mỗi tuần 1-2 lần rồi dùng dần. So với trước, lượng thực phẩm mua không có nhiều khác biệt nhưng tổng hóa đơn đã đội lên vài trăm nghìn đồng/lần. Đơn cử như trước đây, tôi có thể dễ dàng xin vài cọng hành lá từ chị bán rau ngoài chợ song hiện tại, chị ấy chỉ nhận bán lẻ từ 2.000 đồng trở lên cho 3-4 cọng chứ chưa nói đến cho không nữa".

Đến đầu tháng 9, khi cậu con trai chuẩn bị quay trở lại trường học, chị Phương thừa nhận bản thân chính thức "bỏ cuộc". Chị vẫn thường xuyên nấu bữa sáng cho cả nhà, đặc biệt cậu con trai song không ép bản thân chi li nguyên liệu, giá thành nữa mà ưu tiên hấp dẫn, đủ chất để con ngon miệng.

"Nói thật, lúc lên kế hoạch thì dễ lắm nhưng thực hiện rồi mới thấy phải để ý nhiều yếu tố khác. Tất nhiên, tôi vẫn cố gắng tiết kiệm được chừng nào hay chừng đó, nhưng sẽ không ép bản thân và gia đình phải chạy theo một con số nhất định, ít nhất là khi kinh tế chưa quá eo hẹp", chị chia sẻ.

Xu hướng chung

Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và sinh hoạt phí tăng, nhiều người trẻ tại các nước châu Á, dù độc thân hay đã có gia đình, cũng dần có xu hướng sống tiết kiệm, dè chừng hơn trước.

Từ đầu tháng 7, mạng xã hội Hàn Quốc lan truyền thử thách “không tiêu tiền”, từ vài ngày đến nửa tháng, được nhiều người hưởng ứng.

Kim Ji-yeon (29 tuổi, giáo viên tiểu học) cho biết cô đã bỏ ăn ngoài vào các ngày trong tuần, bắt đầu dùng bữa tại căng tin của trường hay uống cà phê hòa tan có sẵn trong văn phòng thay vì ra quán mua, theo Korea Herald.

Trong khi đó, Kim, y tá đồng thời là vlogger, đặt mục tiêu chỉ xài 50.000 won/tuần và thường làm các clip nấu ăn với công thức đơn giản, tiết kiệm. Trên Instagram, những từ khóa như "không chi tiêu", "thách thức không tiêu tiền" và "ngày không chi tiêu" có tới hơn 3.000 hashtag liên quan.

that lung buoc bung anh 5

Chị Tâm nói rằng rất khó để có thể tự nấu bữa sáng ngon, bổ, rẻ, nhanh chóng tại nhà khi cả gia đình vốn đã quen với việc ăn bún, phở ở ngoài hàng.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​được thực hiện bởi nền tảng tin tức công nghệ trực tuyến Youth36Kr cũng cho thấy 40% trong số 2.200 người dưới 40 tuổi ở Trung Quốc đang cố gắng tiết kiệm hàng tháng, chỉ 6,9% không có ý định này.

Lý do là nhiều người có cảm giác bất an khi kinh tế không ổn định, ảnh hưởng bởi đại dịch nên muốn dành tiền phòng cho các trường hợp khẩn cấp, bao gồm cả thất nghiệp và bệnh tật.

Ngoài trích một phần tiền lương gửi tiết kiệm, một số chọn mua sắm ít hơn hay thậm chí săn đồ ăn sắp hết hạn để thắt lưng buộc bụng, theo South China Morning Post.

Còn ở Nhật Bản, lạm phát khiến giá cả leo thang đang trở thành nỗi ác mộng với nhiều người, kể cả nhóm trung lưu. Vốn quen với việc lương trì trệ và giá cả thấp trong nhiều thập kỷ, nhiều hộ gia đình bắt đầu phải thắt chặt hầu bao.

“Nếu lương vẫn giữ nguyên, chuỗi giá cả không ngừng tăng cao gần đây sẽ khiến nhiều hộ gia đình ngộp thở”, bà nội trợ Yuki Wada nói với Japan Times.

Tiết kiệm một phần thu nhập để phòng khi rủi ro là điều các gia đình nên làm. Chi tiêu, tiết kiệm cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào môi trường sống, thu nhập, nhu cầu tiêu dùng cũng như quan điểm hưởng thụ của từng gia đình nên không thể đưa ra một mức chung.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý có hai thước đo về chi tiêu gia đình là GDP (thu nhập bình quân) và chỉ số hạnh phúc, mức độ hài lòng cuộc sống. Với GDP, rất dễ để tính toán dựa trên các con số.

Còn chỉ số hài lòng thì phức tạp hơn vì trong một số trường hợp dù tiền tiết kiệm tăng, các phương pháp thắt lưng buộc bụng quá mức lại làm giảm cảm giác hài lòng, tạo ra mâu thuẫn gia đình hoặc ngược lại.

that lung buoc bung anh 6

Tiết kiệm không chỉ về tiền bạc mà còn phải tính đến các yếu tố như sự thuận tiện, cảm xúc của mỗi thành viên. Ảnh: Phương Lâm.

Sau một tháng thắt lưng buộc bụng, chị Tâm nhận ra rằng tiết kiệm không chỉ là vấn đề về tiền bạc mà còn phải tính đến các yếu tố như sự thuận tiện, cảm xúc của mỗi thành viên và cảm giác hòa hợp trong gia đình.

"Nếu ăn sáng tại nhà giúp gia đình dành dụm 1 triệu/tháng nhưng ai cũng mệt mỏi, không ngon miệng thì đó chưa phải là tiết kiệm. Nếu đi làm bằng xe buýt giúp tiết kiệm vài trăm nghìn tiền xăng nhưng sinh ra uể oải, giảm hiệu suất công việc thì cũng chỉ là tự làm khổ mình mà thôi", chị Tâm kết luận.

Những cô dâu Hàn Quốc ví mình như 'nô lệ' trong Trung thu

Nhiều phụ nữ đã kết hôn dành cả kỳ nghỉ trong gian bếp của nhà chồng. Họ phải chịu trách nhiệm nấu ăn, rửa bát khi cả đại gia đình tụ họp, ăn mừng lễ Trung thu.

Mai An - Lê Vy

Bạn có thể quan tâm