Trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số và tỷ lệ sinh giảm, Trung Quốc đang chuẩn bị áp dụng một chính sách tiền sản mới có thể sẽ dỡ bỏ những hạn chế khắt khe, gây tranh cãi trước đó về việc phụ nữ hiến tặng hoặc đông lạnh trứng của họ.
Tháng 12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), cơ quan y tế hàng đầu xứ tỷ dân, cho biết họ đã “bắt đầu sửa đổi các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ hỗ trợ sinh sản dựa trên sự tham vấn rộng rãi của nhiều chuyên gia”.
Bên cạnh đó, NHC cho biết sẽ thúc đẩy luật về công nghệ hỗ trợ sinh sản, nghiêm cấm việc lạm dụng, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát, dỡ bỏ các hoạt động bất hợp pháp như một phần nỗ lực thích ứng với nhu cầu và quyền sinh sản của người dân.
Từ chỗ ít được chú ý đến, tuyên bố này bất ngờ thu hút sự chú ý và ủng hộ trên mạng xã hội vào tháng trước.
Số lượng trẻ sơ sinh của Trung Quốc năm 2021 giảm hơn 11% so với năm trước đó, tiếp tục gây báo động về tương lai dân số nước này. Ảnh: Getty. |
Tương lai dân số u ám
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh những số liệu về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc làm dấy lên cảnh báo đỏ về khả năng gia tăng dân số của quốc gia này.
Số liệu chính thức cho thấy tổng dân số của Trung Quốc đạt 1,126 tỷ vào năm ngoái, chỉ tăng 480.000 người. Nguyên nhân bởi số trẻ sơ sinh giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống còn 10,62 triệu người.
Tương tự các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh chóng khác, phụ nữ Trung Quốc ngày càng có xu hướng làm mẹ ở độ tuổi muộn hơn. Theo dữ liệu NHC hiện có gần đây nhất, năm 2017, khoảng 1/7 phụ nữ đã sinh con sau 35 tuổi.
Trong khi đó, tỷ lệ vô sinh dường như đang trở nên tồi tệ hơn ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Năm 2021, kết quả cuộc khảo sát sức khỏe sinh sản quốc gia do Qiao Jie, bác sĩ sinh sản và nhà sinh vật học, dẫn đầu cho thấy tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc tăng từ 12% (năm 2007) lên 18% (năm 2020). Dữ liệu này đồng nghĩa rằng cứ 5,6 cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ thì có một cặp gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Ngày càng nhiều cặp vợ chồng chuyển sang thụ tinh trong ống nghiệm, tức trứng được thụ tinh bởi tinh trùng trong ống nghiệm hoặc nơi khác ngoài cơ thể.
Theo báo cáo do Dongxing Securities công bố vào năm 2020, các ngành liên quan đến công nghệ hỗ trợ sinh sản có giá trị thị trường tiềm năng là 321 tỷ USD ở Trung Quốc.
Teresa Xu Zaozao cầm tấm thẻ có nội dung "My Womb, My Choice" (tạm dịch: "Tử cung của tôi, lựa chọn của tôi"). Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, bất chấp tiềm năng rộng lớn cũng như công nghệ tân tiến có sẵn, khả năng tiếp cận công nghệ hỗ trợ sinh sản phần lớn vẫn bị hạn chế ở Trung Quốc.
Chỉ những phụ nữ đã kết hôn mắc bệnh lý cụ thể, chẳng hạn vô sinh hoặc có khối u, mới được phép đông lạnh trứng. Ngoài ra, mọi hình thức mang thai hộ đều là bất hợp pháp.
Teresa Xu Zaozao, một phụ nữ 33 tuổi chưa lập gia đình, muốn đông lạnh trứng nhưng bị cản trở. Và những thay đổi sắp tới của chính phủ đã quá muộn đối với cô.
Năm 2019, Xu, một cây viết chuyên về các vấn đề giới tính, đã kiện Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh vì từ chối đông lạnh trứng của cô. Lý do bởi Xu không thể cung cấp giấy đăng ký kết hôn theo yêu cầu của pháp luật.
Sự việc đã khởi động cuộc chiến pháp lý đầu tiên ở lĩnh vực này tại Trung Quốc, liên quan đến một người phụ nữ đấu tranh cho quyền sinh sản của mình. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa được giải quyết sau phiên tòa gần nhất hồi tháng 9.
Nói với SCMP, Xu cho biết cô đã đệ đơn kiện nhằm đảm bảo quyền quyết định của mình trong việc sinh con.
“Tôi không muốn bị mô tả là một người muốn sinh con nhưng chọn đông lạnh trứng chỉ vì không tìm thấy người đàn ông nào phù hợp. Tôi muốn mọi người thấy rằng mình đang nắm giữ chiếc chìa khóa cuộc đời của chính mình, và việc tôi có thể sở hữu chìa khóa đó là một điều rất quan trọng”, cô nói.
Tín hiệu tích cực
Tháng 2/2021, NHC cho biết đằng sau lệnh cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng nhằm trì hoãn sinh nở của họ tồn tại một số rủi ro y tế và vấn đề đạo đức.
Cơ quan này nêu những lo ngại như rủi ro về sức khỏe, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân theo các quy tắc đạo đức nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn hành vi thương mại hóa, cũng như sự cần thiết của việc bảo vệ phúc lợi xã hội.
Le Le, một nhà thiết kế nội y người Thượng Hải, đang chờ phẫu thuật đông lạnh trứng tại một bệnh viện ở Osaka (Nhật Bản) hồi tháng 3/2017. Ảnh: SCMP. |
Bên cạnh việc phụ nữ chưa kết hôn không được đông lạnh trứng hợp pháp, việc sinh con ngoài giá thú vẫn có thể gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc, bao gồm cả áp lực từ xã hội và văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, khi phụ nữ Trung Quốc nói chung có tiếng nói hơn và trở nên độc lập hơn về mặt tài chính, quyền sinh sản của họ cũng được quan tâm nhiều hơn. Việc phụ nữ độc thân nên được đông lạnh trứng hợp pháp ở Trung Quốc hay không hiện là chủ đề được tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây.
Tháng 7/2018, tờ China Daily tiến hành một cuộc thăm dò trên Weibo rằng “Liệu phụ nữ chưa kết hôn có quyền sinh đẻ thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản hay không”. Kết quả đồng tình chiếm áp đảo, với chỉ khoảng 200/31.000 bình chọn bỏ phiếu “không”.
Các chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc đã có bước chuyển mình vào năm 2016, khi Bắc Kinh chính thức nới lỏng “chính sách một con” nghiêm ngặt tồn tại suốt 36 năm trước đó để giải quyết tỷ lệ sinh đang giảm dần đều.
Các hạn chế về sinh đẻ được nới lỏng hơn nữa vào năm 2021 khi Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa 3 con. Luật sửa đổi bao gồm các biện pháp hỗ trợ liên quan đến thuế, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, nhà ở và việc làm nhằm khuyến khích mọi người gây dựng gia đình đông thành viên hơn.
Kể từ đó, các cấp chính quyền Trung Quốc tìm cách khuyến khích nữ giới sinh thêm con để cứu vãn tỷ lệ sinh.
Tháng 8/2021, cơ quan y tế tỉnh Hồ Nam cho biết họ sẽ đề nghị Ủy ban Y tế Quốc gia hợp pháp hóa việc đông lạnh và hiến tặng trứng.
“Cho phép phụ nữ đông lạnh trứng có điều kiện là nhu cầu thiết thực”, cơ quan này cho biết.
E ngại vấn đề đạo đức và pháp lý
Mặt khác, một số người nêu ra những lo ngại về mặt đạo đức khi hợp pháp hóa việc hiến tặng trứng, cho rằng nó có thể thúc đẩy hoạt động buôn bán trứng ở chợ đen, dẫn đến việc lạm dụng phụ nữ trẻ kém may mắn.
Chợ đen ở lĩnh vực này vốn tồn tại từ lâu. Nhiều quảng cáo bất hợp pháp nhằm mời chào sinh viên đại học bán trứng có thể được tìm thấy dễ dàng tại các nhà vệ sinh công cộng dành cho nữ giới.
Trứng của một phụ nữ đang được chuẩn bị cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm ở Bắc Kinh. Ảnh: Andy Wong/AP. |
Theo Yuan Xin, phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc và là giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Nankai, vấn đề đạo đức và pháp lý của khả năng tiếp cận các công nghệ hỗ trợ sinh sản, bao gồm hiến tặng trứng và mang thai hộ, rất nghiêm trọng.
“Những quốc gia hợp pháp hóa việc hiến tặng trứng và tinh trùng đều có luật rõ ràng nhằm giữ bí mật danh tính bố mẹ ruột. Một số nơi còn hạn chế số lượng trẻ được sinh ra từ cùng một người hiến tặng tinh trùng”, ông Yuan cho biết.
Nếu ai đó lạm dụng luật pháp hoặc hiến tặng bất hợp pháp quá nhiều tinh trùng để sinh nhiều con, thế hệ tương lai có thể mang nguy cơ tiềm ẩn về các cuộc hôn nhân loạn luân hoặc bất chính.
Theo giáo sư, các vấn đề pháp lý và đạo đức liên quan đến việc mang thai hộ thậm chí còn phức tạp hơn.
“Quan điểm của tôi về vấn đề này rất đơn giản. Dù việc nới lỏng luật mang thai hộ, hiến tặng trứng và tinh trùng là để cải thiện tỷ lệ sinh hiện tại, nó có thể gây ra những hậu quả đáng sợ hơn. Tất cả quyền của các bên tham gia đều phải được bảo vệ một cách hợp pháp”, ông nói.
Tuy nhiên, nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu lại cho rằng Trung Quốc nên bảo vệ tất cả quyền sinh sản của phụ nữ, bao gồm quyền đông lạnh trứng của họ.
“Trước đây, Trung Quốc không làm điều này vì lo ngại về làn sóng bùng nổ dân số. Nhưng hiện nay, chính sách dân số đã chuyển sang khuyến khích sinh nở, chính quyền cần bảo vệ quyền sinh sản không chỉ riêng các cặp vợ chồng mà còn cả phụ nữ độc thân”, ông nói.
Trong khi đó, các hạn chế sinh sản của Trung Quốc không ngăn cản những người có điều kiện và cơ hội tìm kiếm lựa chọn thụ thai ở nước ngoài.
Năm 2015, ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Từ Tịnh Lôi (48 tuổi) tiết lộ rằng cô từng đến Mỹ để thực hiện thủ thuật đông lạnh trứng vào năm 2013. Sự việc đã làm dấy lên cuộc tranh luận trong công chúng.
Cô gọi việc đông lạnh trứng là một hình thức bảo hiểm khả năng thụ thai, giúp mở rộng khả năng sinh sản của phụ nữ.
Đầu năm 2021, Trịnh Sảng bị bạn trai cũ tố bỏ rơi 2 đứa con vốn được chào đời nhờ phương pháp mang thai hộ ở Mỹ. Ảnh: Sohu. |
Chủ đề mang thai hộ và vấn đề đạo đức xung quanh nó một lần nữa được đem ra tranh luận vào năm 2021, khi vụ việc diễn viên Trịnh Sảng và bạn trai cũ Trương Hằng bỏ rơi 2 đứa con được hạ sinh nhờ hình thức mang thai hộ ở Mỹ vỡ lở.
Tháng trước, tin tức về việc Li Xueke, một nữ doanh nhân 33 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, sang Thái Lan từ 4 năm trước và sinh 3 con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm được nhanh chóng lan truyền.
Không giống Mỹ và châu Âu, nơi số ca sinh con ngoài giá thú chiếm khoảng 40% trên tổng số trẻ sơ sinh, Trung Quốc không có dữ liệu chính thức về tỷ lệ sinh nở của phụ nữ chưa lấy chồng.
Không rõ điều đó có thay đổi khi Trung Quốc tích cực đẩy mạnh tỷ lệ sinh hay không, nhưng hiện tại, nhà văn Xu và vô số người khác đang mong muốn sự tiến bộ thực sự để bảo vệ quyền sinh sản của họ.
“Tôi vẫn chưa quá mong chờ trong việc trở thành một người mẹ. Tuy nhiên, nhu cầu đông lạnh trứng ngày càng cấp thiết hơn theo thời gian bởi tôi đang già đi.
Nếu không có hy vọng về việc đông lạnh trứng ở quê nhà, tôi sẽ cân nhắc tiết kiệm tiền để thực hiện điều đó ở nước ngoài. Thế nhưng, đó không phải lựa chọn tốt nhất. Tôi vẫn kiên định với vụ kiện của mình và việc đông lạnh trứng tại Bắc Kinh”, cô chia sẻ.