Cứ đến mùa hè là hàng loạt căn nhà ở thôn Soi Nga, Da Dù (xã Xuân Lãnh) cửa đóng then cài. Đầu làng cuối xóm không có bóng dáng trẻ con. Cụ So Lưới - Già làng Soi Nga - dẫn chúng tôi dạo quanh thôn một vòng rồi giải thích: “Chỉ vài đứa lên nương rẫy giữ bò, còn hầu hết bọn trẻ theo bố mẹ ra phố để xin ăn".
Anh Mang Vác - Trưởng thôn Soi Nga - cho biết vào mùa hè được nghỉ học nên trẻ em ở đây theo cha mẹ đi hành khất tứ phương. Dừng chân trước một ngôi nhà xộc xệch, anh Vác bảo đó là nhà của chị Mang Thị Chính.
"Gia đình có nương rẫy nhưng chị không muốn cơ cực nên ra phố ăn xin cho khỏe. Mấy lần làng nghiêm cấm, chồng bắt bỏ nghề nhưng chị không nghe. Chính dẫn đứa con về quê ngoại ở thôn Xí Thoại để tiếp tục hành nghề ăn xin”.
Những đứa con riêng của chồng Chính kể chuyện được mẹ kế dẫn đi ăn xin. |
Thất thểu bên hiên nhà là bé gái chưa học hết lớp 5 và cậu em lớp 2 đen nhẻm, gầy còm. Chúng là con riêng của chồng Chính. “Bố lên rẫy, mẹ Chính bỏ đi phố rồi, anh trai (12 tuổi) của con cũng đang ở phố làm việc”, bé gái nhanh nhảu.
Còn cậu em 9 tuổi nhưng đã có 3 năm trong nghề xin ăn, nói rành rọt: “Hồi trước mẹ dẫn cháu và anh trai ra Quy Nhơn ăn xin. Tụi cháu xin từ hàng nước đến hàng ăn, mang tiền về cho mẹ ngồi ở một chỗ đợi. Mỗi ngày xin được vài trăm nghìn. Khuya thì ngủ ở công viên, ghế đá, bệnh viện, bãi biển...".
Lúc đầu, Chính chỉ dẫn các con đi xin vào thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ. Nhưng sau thấy kiếm được nhiều tiền, người mẹ bắt chúng nghỉ học, đi xin quanh năm. "Từ hồi bố bắt mẹ bỏ nghề, anh trai cháu dẫn cháu đi ăn xin. Còn giờ, anh ấy đang đi là một mình ở Khánh Hòa", cậu bé nói.
Trưởng thôn chỉ vào ngôi nhà bị niêm phong sát nhà Chính cho biết: “Vợ chồng anh La O Vang đi phố sướng quen rồi, về quê không thèm làm nương rẫy nữa. Họ vay 25 triệu đồng tiêu xài, trả không nổi nên phải dắt con bỏ làng đi. Căn nhà giờ đã bị ngân hàng niêm phong. Hiện chính quyền địa phương và gia đình không biết họ ở đâu nữa”.
Ngôi nhà của vợ chồng Lơ O Vang bị ngân hàng niêm phong. |
Các gia đình ở đây sống phụ thuộc vào nương rẫy và chăn nuôi bò. Thu nhập không đủ sinh hoạt cho gia đình, một phần lười lao động nên nhiều người bỏ làng đi ăn xin. Các nhà khác thấy vậy cũng làm theo. Nạn ăn xin bùng phát mạnh nhất vào tết Nguyên đán và dịp hè.
“Tết 2014 có nhà huy động toàn lực đi xin 2 tuần trước và sau tết, về mua được chiếc xe máy. Nhiều người thấy thế lại bắt chước đi theo mặc dù chính quyền tuyên truyền, ngăn chặn. Làng ra quy định lần đầu đi xin phạt 200.000 đồng, lần 2 tăng lên 500.000 đồng, lần 3 vừa phạt tiền vừa cảnh cáo trước dân. Tuy nhiên, mức phạt này không làm họ sợ", trưởng thôn Soi Nga nói.
Những người thôn Soi Nga chủ yếu ăn xin ở Bình Định, người thôn Da Dù lại "hành nghề" ở Khánh Hòa. Mỗi nhóm trẻ đi xin tiền đều có người lớn theo canh giữ. Hiện tượng này rộ lên từ năm 2008. Chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức tuyên truyền cho bà con hiểu đi ăn xin là xấu nhưng không ai nghe.