Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ nữ Myanmar quyết giữ phương pháp làm đẹp truyền đời

Trong cuộc chiến với các loại mỹ phẩm ngoại, phương pháp làm đẹp cổ truyền vẫn tồn tại như một biểu tượng văn hóa độc đáo, mê hoặc và đầy tự hào của phụ nữ Myanmar.

a
Phụ nữ Myanmar yêu thích phương pháp làm đẹp truyền thống. Ảnh: Backpacker

Than Than Aye, một phụ nữ bán hàng rong trên phố ở cố đô Mandalay, đã hơn 50 tuổi nhưng trên khuôn mặt dường như không chút nếp nhăn. Bí quyết của bà là dùng loại bột nước màu hơi vàng được mài ra từ vỏ và thân một loại cây, xoa đều lên má, mũi và cổ vào mỗi tối trước khi đi ngủ và vào mỗi buổi sáng sau khi rửa mặt hằng ngày. Loại bột đó có tên Thanakha, do có tác dụng chống nắng và làm đẹp nên rất được phụ nữ Myanmar ưa dùng. Trên khắp đất nước Myanmar, ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những chiếc xà rông quấn quanh eo đầy màu sắc và những khuôn mặt tô bột Thanakha như thế. 

Than Than Aye đứng giữa khu chợ ngoài trời ồn ào náo nhiệt, bà vừa đẩy chiếc xe bán hàng mà trên đó chất đầy những sơn móng tay và lược chải đầu, vừa nói: "Tôi dùng Thanakha cả đời, ngày nào cũng dùng, chắc đến lúc chết mới thôi". Bôi Thanakha không chỉ là một thói quen mà còn trở thành một biện pháp trị liệu. Rất nhiều người Myanmar tin rằng bột Thanakha ngoài việc làm mát da, phòng cháy nắng, làm sạch trứng cá, còn có thể giúp hạ sốt và giảm đau đầu một cách hiệu quả.

Làn sóng mỹ phẩm ngoại nhập

Thói quen dùng Thanakha của người Myanmar được hình thành và trải qua rất nhiều triều đại, nhiều chế độ chính trị và nhiều biến động xã hội. Tuy vậy, tập quán văn hóa độc đáo này lại đang bị tấn công bởi một làn sóng công nghệ làm đẹp tân tiến cùng với những kem dưỡng ẩm, kem làm trắng da đến từ những công ty thẩm mỹ và mỹ phẩm nước ngoài. 

Than Than Aye thừa nhận, vấn đề của một bộ phận hiện nay nằm ở việc mua sắm các loại mỹ phẩm. "Những cô gái trẻ bây giờ ra ngoài đều cần trang điểm, các loại mỹ phẩm đắt tiền đang làm thay đổi cách suy nghĩ của họ", bà nói.

Từ năm 1988, sau khi chính phủ quân sự lên nắm quyền, Myanmar khá tách biệt với cộng đồng quốc tế. Cho đến cách đây vài năm, quốc gia này mới bắt đầu tiến hành thúc đẩy quá trình dân chủ. Ba năm trở lại đây, những quan niệm và trào lưu tiêu dùng mới đang dần làm thay đổi mọi phương diện của đời sống thường nhật và cả những thói quen lâu đời của người Myanmar.

Trước kia, đường chân trời nơi đây được tạo thành bởi những tháp chùa vàng và những tòa lầu thực dân, còn bây giờ nó được che lấp bởi sự nở rộ của những biển hiệu quảng cáo. Trong đó, rất nhiều biển quảng cáo in hình những người mẫu với làn da trắng muốt như để chứng minh cho thứ mỹ phẩm có thể khiến con người ta ngay lập tức sở hữu làn da quý tộc nhợt nhạt. 

"Nhiều cô gái cho rằng, bôi Thanakha trông có vẻ giống 'người nhà quê'", Sandi Oo, 24 tuổi, nói. Đứng sau dãy tủ kính bày đầy các loại đồ mỹ phẩm trong trung tâm mua sắm, trông Sandi giống như một biển quảng cáo sống hoặc giống như một thứ mỹ phẩm nào đó được bày trên giá. 

Sandi Oo tiết lộ, những cô gái bán mỹ phẩm như cô nếu bôi Thanakha thì sẽ bị phạt tiền, nhưng khi về nhà, cô và các bạn của mình vẫn dùng Thanakha. Cô nói: "Thực sự thì Thanakha tốt hơn nhiều so với những thứ chúng tôi bán hàng ngày".

a
Các cô gái Myanmar trong một cuộc thi nghiền bột Thanakha tại Rangoon trong dịp năm mới. Ảnh: Reuters

Mặc dù những người bôi Thanakha phổ biến trên khắp đất Myanmar, nhưng thịnh hành nhất vẫn là ở Mandalay và những vùng lân cận. Năm 1857, quốc vương cuối cùng của Myanmar quyết định đóng đô ở Mandalay và bây giờ nơi đây đã trở thành một vùng đất đa sắc tộc, đa tôn giáo.

Dù thời gian gần đây có sự hỗn loạn do mâu thuẫn giữa các nhóm Hồi giáo và Phật giáo, nhưng tất cả họ, những người không cùng một tôn giáo, đều tô Thanakha. Nó giống như một biểu tượng văn hóa nổi bật, mê hoặc và đầy tự hào của người Myanmar.

Pyoe Pyoe, 22 tuổi, một người bán hoa quả trên phố, tay ôm đứa con nhỏ, nói: "Khi con tôi 7 ngày tuổi, mẹ nó đã bôi Thanakha cho nó rồi". Thậm chí, tình yêu đối với Thanakha còn được thể chế hóa thành quy định. Một số trường tiểu học yêu cầu học sinh của mình phải coi việc tô Thanakha như một phần của đồng phục đến trường, và cũng là thể hiện việc các em đã tắm rửa sạch sẽ hằng ngày.

Phái mạnh cũng làm đẹp

a
Nam giới Myanmar cũng ưa chuộng cách làm đẹp truyền thống. Ảnh: Gha

Khí hậu khô hạn ở tỉnh Mandalay là điều kiện lý tưởng để trồng cây Thanakha. Ở đây có thể dễ dàng bắt gặp những bé trai, bé gái với đầy vệt Thanakha trên khuôn mặt. Tuy vậy, khi lớn hơn một chút, rất nhiều em trai do e ngại bạn bè nhìn mình như con gái nên đã không còn tô Thanakha nữa. Nhưng không phải tất cả nam giới đều vứt bỏ truyền thống này. 

Kan Htoo, 37 tuổi, làm lao công nói: "Tôi thường bôi một chút, nhìn lại có vẻ phong độ hơn". Vợ của anh đồng tình với chồng và bản thân cô cũng dùng Thanakha, cô nói: "Kiểu trang điểm này không giống với những người đàn ông khác, nhưng tôi thích như vậy".

Có lẽ vì mục đích cạnh tranh với các trào lưu chăm sóc da mới, một số nhà sản xuất đã bắt đầu bán ra thị trường loại bột Thanakha được đóng gói sẵn. Tuy nhiên, nhiều người Myanmar lo ngại làm như thế sẽ dẫn đến những tác dụng phụ không tốt, nhất là khi điều kiện vệ sinh môi trường ngày càng không đảm bảo. 

Mặc dù có những lo lắng như vậy, Thanakha vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nó. Thực tế hiện nay, rất nhiều cô gái trẻ đã kết hợp sử dụng Thanakha truyền thống với những giá trị văn hóa phương Tây mới. 

Khin Mi Mi Kyaw, 25 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch, cho biết cô thích tô Thanakha lên trán và gò má khi đi làm. Một chút bột Thanakha cùng với lông mày thẳng, mái tóc nhuộm hơi vàng và cả hình xăm tinh tế ở cổ tay càng khiến cô trông nổi bật và hiện đại hơn.

"Đối với phụ nữ Myanmar, phong cách trang điểm truyền thống gắn liền với việc bảo vệ và chăm sóc làn da. Nếu đã như vậy, tại sao chúng tôi lại từ bỏ Thanakha?", Khin Mi Mi Kyaw nói.

Đỗ Vũ

Bạn có thể quan tâm