Aceh, nằm ở cực Bắc đảo Sumatra, là tỉnh duy nhất ở Indonesia có quyền tự trị đặc biệt để ban hành các luật dựa trên giáo luật sharia của đạo Hồi.
Phụ nữ Aceh đang lo sợ một luật đặc biệt sẽ biến chế độ đa thê trở thành "truyền thống" và là một phần của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ và con cái họ, theo South China Morning Post.
Bó buộc phụ nữ
Các nhà hoạt động nữ quyền cũng cảnh báo nếu dự luật được thông qua, có thể dẫn đến những đề xuất tương tự ở các tỉnh khác trên khắp Indonesia, quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới.
Samsidar, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ Aceh, cho biết: "Nếu luật này được thông qua, chế độ đa thê sẽ là một phần của văn hóa, cũng giống như luật sharia bó buộc phụ nữ".
Chế độ đa thê, tồn tại từ lâu ở Aceh cũng như khắp nơi tại Indonesia, ngày càng trở nên phổ biến với sự trỗi dậy của Hồi giáo bảo thủ và sự xuất hiện của các ứng dụng hẹn hò giúp đàn ông tìm vợ thứ hai.
Chế độ đa thê được cho phép trong một số điều kiện tôn giáo và văn hóa, theo luật hôn nhân của Indonesia.
Ứng dụng cho phép đàn ông muốn đa thê tìm kiếm đối tượng đã xuất hiện tại Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền tỉnh Aceh và hội đồng khu vực đang tranh luận về một qanun (luật hình sự Hồi giáo) để điều chỉnh các vấn đề gia đình. Dự luật này có một phần nội dung nêu ra các căn cứ pháp lý cho chế độ đa thê.
Phụ nữ Aceh phản đối dự luật, nói rằng luật sẽ khiến chuyện ngoại tình, vốn đã phổ biến, trở nên "bình thường". Một số lãnh đạo tỉnh này được biết đến là người có các mối quan hệ "ngoài luồng".
"Phụ nữ Aceh không cần qanun này. Không có phụ nữ nào muốn chồng đa thê, và bằng chứng về điều đó là tỷ lệ ly hôn cao ở Aceh", Samsidar nói.
Roslina Rasyid, người đứng đầu Quỹ Trợ giúp Pháp lý Aceh, cho biết nhiều phụ nữ Aceh chọn cách ly dị chồng sau khi họ lấy vợ thứ hai.
"Những người chồng theo chế độ đa thê thường bỏ rơi vợ con. Họ không chu cấp cho vợ và các bà vợ thường chọn cách nộp đơn ly hôn khi điều đó xảy ra", cô nói.
Một trường hợp liên quan đến vị thống đốc tỉnh đang bị đình chỉ công tác, Irwandi Yusuf, người thừa nhận muốn kết hôn với một cựu người mẫu.
Thông tin chưa được xác nhận cho hay ông đã lấy vợ hai. Ông Irwandi đã bị đình chỉ chức vụ sau khi tòa án tuyên ông 7 năm tù hồi tháng 4 trong một vụ án tham nhũng.
Mới đây, vợ của thống đốc, Darwati Gani, nói với truyền thông địa phương trong một tin nhắn WhatsApp rằng bà không đồng ý với chế độ đa thê và chính quyền thay vào đó nên giáo dục xã hội về sự chung thủy và có trách nhiệm trong hôn nhân.
"Theo luật Hồi giáo, nhiều vấn đề được đặt ra đối với chế độ đa thê cũng giống như nhiều giá trị khác cần phải thực hiện, một trong số đó là tính cách đạo đức", BBC dẫn lời bà Darwati. "Vì vậy, việc đưa ra quy định về chế độ đa thê không phải là chuyện quan trọng khi chế độ một vợ một chồng chưa được thực hiện đúng cách".
Phụ nữ biểu tình phản đối chế độ đa thê tại Jakarta, thủ đô Indonesia. Ảnh: AFP. |
Được lấy 4 vợ
Aceh là tỉnh bảo thủ nhất về tôn giáo tại Indonesia, và với cơ chế tự trị đặc biệt, tỉnh này được trao quyền thực thi luật sharia.
Phong trào Free Aceh (Trả tự do cho Aceh) của nhóm ly khai địa phương tại tỉnh này từng tiến hành cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài 29 năm chống lại chính phủ Indonesia, khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng.
Sau một nỗ lực phối hợp của chính phủ Indonesia, cùng với trận sóng thần năm 2004 giết chết 170.000 người, các lãnh đạo của Free Aceh đã giã từ vũ khí theo hiệp định hòa bình Helsinki năm 2005.
Yusuf, thống đốc bị đình chỉ, là cựu thành viên cấp cao của Free Aceh và là lãnh đạo được dân bầu trực tiếp đầu tiên của tỉnh.
Phó chủ tịch cơ quan lập pháp Aceh, Musannif, dường như ủng hộ việc hợp pháp hóa chế độ đa thê.
"Trong luật Hồi giáo, một người đàn ông được phép thực hành chế độ đa thê", ông Musannif được Detik.com dẫn lời.
Theo ông, luật sẽ giúp giải quyết vấn đề nikah siri - tức những cuộc hôn nhân đáp ứng các yêu cầu tôn giáo nhưng không được công nhận về mặt pháp lý - vì những cuộc hôn nhân như vậy sau đó sẽ được đăng ký chính thức với nhà nước.
"Với sự phổ biến của nikah siri, trách nhiệm với Thượng đế và những đứa trẻ sinh ra trong những cuộc hôn nhân như vậy là rất yếu. Chúng tôi đã đồng ý cần ban hành luật để điều chỉnh (chế độ đa thê), bởi vì ngay cả khi chúng tôi không làm, những người đàn ông rốt cuộc cũng sẽ như vậy (đa thê)", ông Musannif nói.
Với cơ chế tự trị đặc biệt, Aceh là tỉnh duy nhất tại Indonesia có quyền ban hành luật dựa trên giáo luật sharia của đạo Hồi. Ảnh: AFP. |