"Tôi thường quàng một chiếc khăn trùm đầu bình thường và không che mặt. Tôi không hiểu tại sao mình cần mặc bikini khi đi nghỉ mát, điều đó không hợp lý", AFP dẫn lời Wendy, một cô gái người Pháp theo đạo Hồi than thở.
Wendy là một trong số những phụ nữ Hồi giáo ngày càng cảm thấy bị kì thị vì lệnh cấm mặc burkini ở một số thành phố của Pháp thời gian gần đây.
Lệnh cấm phụ nữ mặc burkini xuất phát từ mối lo ngại về nguy cơ đe dọa an ninh nước Pháp sau hàng loạt các cuộc khủng bố mới đây ở nước này. Lệnh cấm hiện đã được thi hành tại 15 bãi biển của Pháp và gây ra nhiều tranh cãi.
Đồ bơi kín mít
Hội đồng Quốc gia, cơ quan hành chính cao nhất nước Pháp, sẽ tiến hành xem xét yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm theo kiến nghị từ phía Liên đoàn Nhân quyền (LHP) vào hôm 25/8.
Trong khi đó, nhiều tòa án cấp dưới đã ủng hộ lệnh cấm của các thị trưởng Pháp. Một tòa án ở Riviera thuộc thành phố Nice - nơi xảy ra vụ tấn công bằng xe tải đẫm máu hồi tháng 7 - tuyên bố “burkini" là một thách thức hay một sự khiêu khích, làm trầm trọng thêm căng thẳng trong cộng đồng.
Burkini là cách gọi xuất phát từ việc ghép hai từ "burqa" (loại áo dài che phủ toàn bộ cơ thể và khuôn mặt vốn là trang phục truyền thống của phụ nữ đạo Hồi) và "bikini".
Burkini giống như một loại đồ bơi có lớp phủ đầu, che kín cơ thể, chỉ để lộ mặt, bàn tay và bàn chân, được thiết kế bởi Aheda Zanetti, một công dân Australia. Loại trang phục này mới trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Nhà thiết kế cho biết cô đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ những người không theo đạo Hồi cũng như những người mới khỏi ung thư da.
Nhà thiết kế Burkini cùng 2 người phụ nữ Hồi giáo. Ảnh: Getty |
Mong muốn đi bơi trong yên bình
Nhiều người cho rằng Burkini biểu thị niềm tin tôn giáo trong khi số khác lại nhìn nhận nó một cách thực tế. “Tôi không muốn xuống nước mà mặc quần áo như bình thường (không mặc burkini). Nước sẽ làm hỏng quần áo”, Wendy nói, “Tôi chỉ muốn đi bơi trong yên bình mà thôi”.
Lệnh cấm burkini cũng gây ra nhiều sự nhầm lẫn. Người ta băn khoăn liệu vấn đề nằm ở chính loại đồ bơi này hay chỉ phát sinh khi người ta mặc nó trên biển. Tại Pháp, đất nước với 5 triệu dân Hồi giáo, burkini hiếm khi xuất hiện và chỉ có một số ít phụ nữ Hồi giáo vẫn còn mặc loại trang phục này khi đi biển.
Siam là người từng bị phạt vì mặc quần dài, áo dài và quàng khăn trùm đầu trên bãi biển ở thành phố Cannes. Lý do được đưa ra là Siam đã không mặc “trang phục tôn trọng các giá trị đạo đức đúng đắn và chủ nghĩa thế tục”.
"Tôi đang ngồi trên bãi biển với gia đình và đeo một chiếc khăn trùm đầu quen thuộc. Tôi không có ý định bơi", người phụ nữ 34 tuổi nói.
“Điều đáng buồn nhất là một vài người đã hét lên xua cô ấy cút đi, một số khác thì vỗ tay trước hành động của cảnh sát, trong khi con gái cô ấy thì đang khóc lóc”, một nhân chứng của vụ phạt này kể lại.
Một người phụ nữ theo đạo Hồi xem burkini trong cửa hàng phía Tây thành phố Sydney, Australia. Ảnh: AFP |
'Những lý lẽ vô nghĩa'
Pháp là nước châu Âu đầu tiên cấm mạng che mặt Hồi giáo ở nơi công cộng vào năm 2010, 6 năm sau lệnh cấm khăn trùm đầu và các biểu tượng tôn giáo phổ biến khác tại các trường công lập.
Tuy nhiên người dân bình thường vẫn được phép đeo khăn trùm đầu ở nơi công cộng. Lamia, một người bạn của Wendy nhớ lại hồi nhỏ thường cũng mẹ ra biển. Mẹ cô vẫn mặc một chiếc váy dài màu đen.
“Nó bị ướt và dính đầy cát. Bộ burkini chỉ đơn thuần là giúp những người Hồi giáo bơi dễ dàng hơn... Những người cơ hội, cực đoan nghĩ rằng các bãi biển chỉ dành cho kẻ ngoại đạo”, cô giải thích.
Cả Lamia và Wendy đều thấy "vô nghĩa" khi đề cập đến lập luận cho rằng làn sóng chống Hồi giáo (Islamophobia) gia tăng sau một loạt các vụ tấn công khủng bố.
Lamia cho hay những người mặc burkini đang "tự do lựa chọn theo ý muốn và chỉ muốn tận hưởng ngày nghỉ của họ". Theo cô, tên của loại áo tắm này nên được thay đổi vì "nó mang ý nghĩa xúc phạm bộ burqa".
Tatiana, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng thời trang Hồi giáo ở Paris, cũng không chấp nhận cái tên “burkini”. Cô cho biết hầu hết các khách hàng của cô đều là những bà mẹ với mong muốn đi bơi cùng gia đình.