Sự khác biệt này về số ca bệnh và tử vong có thể có nguyên nhân từ sự khác biệt về chính sách và đặc điểm xã hội, một giáo sư bình luận trên Korea Times.
Khảo sát của cơ quan kiểm dịch Hàn Quốc (KCDC) trên hơn 5.000 trường hợp nhiễm bệnh tính tới chiều 3/3 cho thấy thống kê khác thường: những người ở độ tuổi 20 chiếm 29,4%, tiếp theo là những người ở độ tuổi 50, chiếm 19,8%. Chia theo giới tính, 62,4% là phụ nữ, trong khi nam giới là 37,6%.
Trái lại, ở Trung Quốc, cho thấy gần 78% số người nhiễm bệnh từ 30-69 tuổi, với độ tuổi trung bình là 51, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tương tự, tính đến ngày 5/3, tỷ lệ phụ nữ trên số ca nhiễm bệnh ở Nhật Bản chỉ là 38%. Trong khi đó, theo khảo sát trên hơn 40.000 ca nhiễm virus ở Trung Quốc, nam giới bị nhiễm bệnh nhiều hơn phụ nữ, và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn (2,8 so với 1,7%).
Tính đến 9/3, Nhật Bản có 1.198 ca nhiễm virus corona (bao gồm 705 ca từ du thuyền Diamond Princess), trong khi Hàn Quốc có 7.313 ca nhiễm, 50 ca tử vong. Số ca nhiễm được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục là 80.735.
Theo các quan chức tại KCDC, nguyên nhân việc ca nhiễm bệnh là phụ nữ tuổi ngoài 20 tại Hàn Quốc cao bất thường liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa. Khoảng 60% trường hợp nhiễm bệnh là người có liên quan đến giáo phái này.
"Phần lớn tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa là phụ nữ trong độ tuổi từ 20-30, và những người này đang chiếm tỷ lệ cao trong số các ca bệnh thuộc nhóm tuổi đó", Giám đốc KCDC Jung Eun Kyeong cho biết trong một cuộc họp báo.
“Chính quyền (Hàn Quốc) tập trung xét nghiệm cho các bệnh nhân nam ngoài 50 tuổi, đặc biệt những người trở về từ Vũ Hán. Ban đầu, chính quyền đã kiềm chế được dịch bệnh bằng cách dựa vào các bộ kit xét nghiệm và phương pháp hiện đại. Đến ngày 20/2, số ca nhiễm chưa quá 104”, giáo sư chính sách xã hội Oh In Gyu tại Đại học Kansai Gaidai, Nhật Bản, viết trên Korea Times.
Một trạm lấy mẫu xét nghiệm lưu động ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Thành công ban đầu khiến chính quyền chủ quan. Chẳng hạn, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In lên tivi và nói dịch bệnh đang được kiềm chế tốt.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, những khó khăn ban đầu của việc xét nghiệm trên du thuyền Diamond Princess buộc Nhật Bản phải cách ly cả con thuyền. Do vậy, chính sách của Nhật Bản ngay từ đầu là cách ly các tổ chức lớn, chẳng hạn du thuyền, tòa nhà chính quyền, các công viên, trường học. Người dân được khuyến cáo không tụ tập đông người.
Ổ dịch lớn nhất của Hàn Quốc là nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu, nơi có nhiều tín đồ là phụ nữ ngoài 20 tuổi.
Giáo sư Oh In Gyu cho rằng Hàn Quốc đóng cửa những tổ chức có nhiều người như nhà thờ Tân Thiên Địa (280.000 tín đồ), doanh trại quân đội chậm trễ. Chẳng hạn, quân đội Hàn Quốc có 34 người nhiễm và 5.290 người vẫn đang cách ly.
Trong khi đó, ở Nhật Bản, các nhà thờ thường nhỏ hơn, và chưa có ổ dịch nào ở các nhà thờ. Quân đội Nhật Bản cũng hủy bỏ các hoạt động, quản lý ra vào nghiêm ngặt.
Ngoài ra, ở Hàn Quốc, sự căng thẳng tâm lý có lẽ đã khiến nhiều phụ nữ ở tuổi ngoài 20 phải tìm đến nhà thờ, giáo sư Oh lập luận. Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cao hơn Nhật Bản, và ông cho rằng sự căng thẳng đó đã tạo nên các nhà thờ lớn, là nơi thuận lợi để virus lây lan.
Trước đó, nghiên cứu có quy mô lớn nhất kể từ khi dịch bệnh virus corona (Covid-19) bùng phát cho thấy đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất của Covid-19 là người trên 80 tuổi, với tỷ lệ ca tử vong trên ca nhiễm lên đến 14,8%.
Tỷ lệ tử vong cũng tăng dần theo các nhóm tuổi với chỉ số lần lượt là: 0,4% cho nhóm từ 40-49 tuổi; 1,3% cho nhóm từ 50-59; 3,6% cho nhóm từ 60-69 tuổi; và 8% cho nhóm từ 70-79 tuổi.
Trong 44.672 ca nhiễm được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục, số ca xuất hiện bệnh lý nghiêm trọng như viêm phổi chỉ chiếm 14%. Số ca trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng chiếm 5%. Khoảng 80% bệnh nhân chỉ thuộc nhóm bệnh nhẹ.