18h thứ 7, khi trời đã nhá nhem tối, bà Eva Nguyễn Bình vẫn chạy đi chạy lại để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện tuần tới. Chồng bà, ngài Jean-Noël Poirier, cũng đang cùng các nhân viên của đại sứ quán Pháp gấp rút hoàn thành các công việc khác ở bên ngoài.
"Tôi làm việc rất nhiều và rất thích làm việc", bà Eva hào hứng nói.
Không lựa chọn giữa công việc hay gia đình, vị phu nhân đại sứ luôn muốn mình làm tốt được cả hai. Bà tự nhận mình là người nhiều ý tưởng, có tính tổ chức cao, luôn nghĩ đến mọi tình huống và phương án để đạt được những điều như mong muốn.
"Cũng như nhiều người phụ nữ khác, tôi vừa đi làm vừa lo việc nhà và chăm sóc con cái. Tôi chạy rất nhiều từ hoạt động này đến hoạt động khác. Tuy mệt mỏi, nhưng tôi không muốn từ bỏ gia đình hay công việc", phu nhân chia sẻ.
Bà Eva Nguyễn Bình hiện là Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Bà cho rằng một người phụ nữ phải biết chăm sóc cho gia đình và con cái. Nhưng vì tính chất công việc bận rộn, đôi khi bà không thể về nhà để hướng dẫn bài tập cho con trai. Những lúc đó, đại sứ sẽ là người hỗ trợ. Đối với bà, đó là một nguồn động viên tinh thần rất lớn.
"Anh ấy là người rất hiểu chuyện. Anh không đòi hỏi tôi phải làm tất cả các công việc nhà hay yêu cầu tôi tôi ngừng đi làm. Nhiều người chồng có thể không vui khi người vợ bận rộn với công việc và yêu cầu họ dành thời gian cho gia đình, nấu nướng, chăm con. Nhưng chồng tôi thì hiểu rằng nếu tôi không làm việc, tôi sẽ không hạnh phúc. Anh ấy động viên tôi làm việc, hiểu rằng đôi lúc tôi mệt mỏi và chấp nhận việc tôi đi làm", bà nhắc đến người chồng đầy trìu mến.
Bà Eva bật mí rằng đại sứ Pháp là một người sống rất tình cảm và thường dễ xúc động. Tuy là người đàn ông ít khi thể hiện cảm xúc của mình trước mọi người, nhưng trong đời sống hàng ngày, ông Poirier là một người rất lãng mạn. bà Eva Nguyễn Bình thấy người Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội, cũng không hay biểu hiện mạnh mẽ cảm xúc của mình nhưng họ rất dễ xúc động.
"Đại sứ học tiếng Việt, văn hoá Việt và sống ở đây cũng đã lâu rồi. Tôi thường trêu rằng rằng anh ấy đậm chất Việt Nam và có phong cách giống người Hà Nội. Anh ấy rất yêu mến đất nước của các bạn, cũng là đất nước một nửa dòng máu của tôi, và lúc nào cũng mong muốn được sống và gần gũi với nơi này như quê hương thứ hai của mình vậy", bà Eva nói.
Trong đời sống hàng ngày, đại sứ cũng thể hiện điều đó với vợ và con. Phu nhân nghĩ việc bà mang trong mình dòng máu Việt (cha là người Việt) và tình yêu của đại sứ với đất nước này đã giúp họ thấu hiểu và đồng cảm với nhau hơn khi sinh sống tại đây.
Kể về cuộc sống trong gia đình, bà tự hào khi khoe rằng ông Poirier là người không chỉ nấu ăn rất ngon mà còn đam mê việc nấu nướng.
"Anh ấy luôn luôn là người nấu ăn, yêu thích việc đi chợ, mua nguyên liệu và gia vị. Còn tôi thì tôi không thích làm những việc đó (cười lớn)", phu nhân không ngại ngần chia sẻ.
Tuy ít khi tặng quà cho vợ vào dịp 8/3, đại sứ luôn dành cho vợ những món quà yêu thích vào dịp sinh nhật, Giáng sinh hay các ngày trọng đại trong gia đình. Ngài thường tặng trang sức và đồng hồ vì vợ hay làm hỏng đồ. Nhưng đối với bà, món quà đáng quý nhất là sự ủng hộ và chia sẻ của người chồng, để mỗi ngày đều là ngày 8/3.
Bà Eva Nguyễn Bình cùng chồng, Đại sứ Jean-Noël Poirier. Ảnh: Lê Hiếu |
Sống trong xã hội hiện đại, bà Eva cho rằng bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ hơn so với những năm 60-70 thế kỷ trước, khi phụ nữ có thể đi làm, bỏ phiếu, quyết định cuộc sống hôn nhân. Nhưng ở đâu cũng vậy, quyền bình đẳng giới vẫn cần phải cải thiện nhiều hơn nữa.
Bà nhận thấy chúng ta đang ngày càng quan tâm đến địa vị của người phụ nữ trong xã hội, nhưng không phải người đàn ông nào cũng chấp nhận sự thăng tiến và thành đạt của phái yếu. Họ càng thăng tiến, đàn ông càng cảm thấy mình kém cỏi, không chắc chắn trong các lĩnh vực mà lẽ ra trước đây họ là người nắm ưu thế. Chính điều đó đã tạo nên áp lực trong các mối quan hệ nam - nữ và điều này thể hiện khá rõ ở Pháp.
Sau một thời gian sinh sống tại Việt Nam, bà Eva nhận định bình đẳng nam - nữ ở quốc gia châu Á có phần tốt hơn cả Pháp. Tại Việt Nam, bà thấy rất nhiều phụ nữ là lãnh đạo công ty hay nắm giữ vị trí quan trọng và có danh vị lớn trong xã hội. Trong khi đó, xu hướng này không thường xuyên có ở Pháp và mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây. So với tính cách hay đòi hỏi sự bình đẳng với chồng của phụ nữ Pháp, bà cho rằng phụ nữ Việt Nam thông minh và khéo léo hơn nhiều.
Theo phu nhân, dù khác biệt đến đâu đi chăng nữa, thì điểm tương đồng lớn nhất của người phụ nữ phương Đông hay phương Tây, đều là mong muốn cân bằng giữa công việc và đời sống gia đình. Tuy các điều kiện sinh sống tại Pháp và Việt Nam không giống nhau, phu nhân tin nguyện vọng của mọi phụ nữ đều là được cảm thấy hạnh phúc trong cả đời sống cá nhân và công việc.
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, bà mong muốn tất cả phụ nữ Việt Nam thực hiện được ước mơ của mình, không bao giờ từ bỏ giấc mơ chỉ vì lời nhận xét của những người xung quanh hay vì eo hẹp thời gian, chìm ngập trong công việc gia đình. Phu nhân chúc mọi phụ nữ hãy luôn tin vào những gì mình đang làm và muốn làm để hướng tới thành công.