Các bậc cha mẹ cho biết đã mua thiết bị giống máy tính bảng này để phục vụ việc học online của con. Tuy nhiên, trên cửa hàng ứng dụng của thiết bị đề xuất các trò chơi bạo lực và truyện tranh với “ngôn ngữ không phù hợp”. Họ cáo buộc rằng nội dung đó được cung cấp tự do cho trẻ em mà không cần đăng ký độ tuổi, theo Sixth Tone.
Xiaotiancai, nhà sản xuất thiết bị, đồng thời là thương hiệu đồng hồ hàng đầu dành cho trẻ em, cho biết hôm 9/7 rằng đã xóa các ứng dụng được đề cập. Công ty cam kết sẽ cải thiện hệ thống phê duyệt và tăng cường giám sát các ứng dụng.
Chiếc máy tính bảng có giá khoảng 3.000 nhân dân tệ (450 USD), được quảng cáo là một công cụ hỗ trợ học tập dành cho trẻ dưới 12 tuổi. Nhà sản xuất cũng khẳng định thiết bị có "hệ thống bảo vệ" để phát hiện "thông tin không phù hợp hoặc không lành mạnh" trong các ứng dụng hoặc tệp.
Thiết bị học tập thông minh ở Trung Quốc bị cáo buộc gợi ý nội dung không phù hợp cho trẻ em. Ảnh: Xiaotiancai. |
“Cha mẹ có thể tải ứng dụng theo dõi xuống điện thoại thông minh và quản lý việc sử dụng thiết bị của con mình” một nhân viên bán hàng của Xiaotiancai nói.
Tuy nhiên, một phụ huynh cho biết cô không được cảnh báo khi con mình chơi trò chơi có yếu tố tội phạm hơn 3 tiếng một ngày và thậm chí không nhận được yêu cầu đăng ký người dùng, dù điều này được ghi rõ trong các yêu cầu và quy định về trò chơi.
Zhang Wen, một bà mẹ ở Bắc Kinh, nói với China Consumer Journal: “Con tôi lẽ ra đang phải tham gia một lớp học trực tuyến trong thời gian này. Nhưng thằng bé thậm chí còn không cần đăng ký hoặc đăng nhập để chơi trò chơi mà chỉ cần thông qua việc xem quảng cáo”.
Siết chặt quản lý
Sau khi Trung Quốc triển khai chính sách giảm kép vào năm 2021 để siết chặt hoạt động dạy thêm và học thêm, nhiều người trong ngành giáo dục tin rằng các thiết bị thông minh sẽ là lựa chọn thay thế phù hợp.
Theo một báo cáo trong ngành, doanh số bán hàng thiết bị điện tử thông minh trên các nền tảng trực tuyến đã vượt mốc 1 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 và con số này dự kiến đạt 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2024.
Tuy nhiên, phía giám sát thị trường đã chưa theo dõi sát sao để nắm bắt kịp thời xu hướng này. Theo những ý kiến người tiêu dùng gửi tới tạp chí China Consumer Journal, nhiều trò chơi trong kho ứng dụng Xiaotiancai không nằm trong danh sách trò chơi được phê duyệt.
Năm 2021, Trung Quốc thực hiện chính sách giảm kép nhằm siết chặt quản lý việc dạy, học thêm, khiến nhu cầu về thiết bị học thông minh tăng lên. Ảnh: Global Times. |
Tháng 8/2021, Trung Quốc cũng đã ban hành các quy định quản lý nghiêm ngặt liên quan đến trò chơi điện tử, yêu cầu các công ty giới hạn thời gian chơi xuống 1 giờ với trẻ vị thành niên vào thứ 6, thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ. Tất cả game thủ phải đăng ký tên thật không thể chuyển nhượng.
Zhang Ke, luật sư chuyên về tuân thủ doanh nghiệp tại Công ty Luật Quandian Thượng Hải, cho biết vụ việc này về bản chất thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc tranh cãi về hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa từng gây ầm ĩ thời gian trước. Ông cho biết các nhà sản xuất không chỉ bán thiết bị mà còn phải chịu trách nhiệm về phần mềm và nội dung bên trong.
“Ngày càng có nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý nội dung số hóa trong thời gian thực, đặc biệt khi những nội dung này có thể tiếp cận nhiều người dùng chưa đủ tuổi trên khắp cả nước.
Việc thu thập bằng chứng cũng là một thách thức đối với các bậc cha mẹ bởi lẽ các công ty có thể xóa những nội dung vi phạm bất cứ lúc nào. Các công ty cần có nghĩa vụ kiểm tra chặt chẽ hơn và thận trọng phê duyệt các ứng dụng vì chúng phục vụ một nhóm đặc biệt là trẻ em”, ông nói.