Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phụ huynh bất bình khi bị ép đóng tiền lắp điều hòa, xây nhà vệ sinh

Cử tri phản ánh việc xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục. Trong khi đó, mục đích tài trợ thường không rõ.

Sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

Báo cáo đề cập đến nhiều lĩnh vực cử tri còn ý kiến bức xúc, trong đó có lĩnh vực giáo dục với rất nhiều vấn đề như gian lận thi cử, lạm thu, chất lượng giáo viên…

Cử tri tiếp tục "truy" trách nhiệm Bộ GD&ĐT

Góp ý kiến sau khi nghe báo cáo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung một số nội dung cử tri phản ánh liên quan đến giáo dục nhưng chưa có trong báo cáo.

gian lan thi cu o Ha Giang anh 1
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Minh Quân.

Ông nói người dân phản ánh nhiều đến việc xử lý vụ gian lận thi cử năm 2018, trong đó đặc biệt là vụ tiêu cực ở Hà Giang.

“Sau khi có kết quả kiểm điểm của Tỉnh ủy, người dân phản ánh cách chúng ta xử lý trách nhiệm và không đồng tình vì cho rằng chúng ta xử lý không đúng đối tượng”, ông Phúc nói đồng thời, đề nghị xử lý đúng đối tượng để người dân tâm phục, khẩu phục. Như vừa qua, theo ông Phúc, "có hiện tượng né trách nhiệm tương đối rõ".

Báo cáo do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày trước đó có nhắc đến việc cử tri “truy” trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong hàng loạt vụ gian lận thi cử ở các địa phương.

Ví dụ, cử tri ở 28 địa phương trong 2 kỳ họp Quốc hội liên tiếp vừa qua đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc để xảy ra gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018.

Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT nêu rõ Bộ chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật (gồm phần mềm chấm thi, công tác quán triệt quy chế thi, công tác thanh tra), Bộ đã tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục.

Tuy nhiên, bà Hải cho rằng phần trả lời không nêu rõ có cá nhân, đơn vị nào vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xử lý như thế nào.

Một số tỉnh như Hòa Bình, Sơn La đã xử lý nghiêm khắc với cán bộ, đảng viên vi phạm trong vụ gian lận điểm thi, nhưng theo bà, Bộ GD&ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về cả kỳ thi nói chung, là đơn vị tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng. Thực tế cho thấy Bộ còn chưa kiểm soát tốt được toàn bộ tình hình diễn biến trong kỳ thi 2018, đặc biệt là quá trình chấm thi.

Bên cạnh đó, Bộ cần tiếp tục rà soát, công khai những sai sót trong phần mềm chấm thi, vì việc chấm thi tốt nghiệp THPT có sử dụng phần mềm này đã diễn ra từ năm 2016, vậy những kỳ thi trước từng xảy ra sai sót nào hay chưa...

Xuất hiện hình thức lạm thu mới

Vấn đề lạm thu cũng được cử tri phản ánh khi xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ từ phụ huynh dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, “ép” phụ huynh tự nguyện tài trợ qua ban đại diện cha mẹ học sinh, qua các thầy cô giáo.

gian lan thi cu o Ha Giang anh 2
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Minh Quân.

Mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, mua máy chiếu, lắp điều hòa, mua mực in...

Việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình trong dư luận phụ huynh, gây lo lắng, áp lực lớn đối với họ.

“Đây là hiện tượng đã tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Bộ GD&ĐT cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trong nội bộ ngành, phối hợp chặt với địa phương phát hiện xử lý tập thể, cá nhân vi phạm. Trường hợp cần thiết kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra chuyên đề nội dung trên”, bà Hải nhấn mạnh.

Vợ ông Triệu Tài Vinh vắng mặt tại phiên xử vụ sửa điểm thi

Bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Hà Giang, vợ cựu Bí thư Triệu Tài Vinh, nằm trong số 82 người xin vắng mặt tại phiên xử sơ thẩm.



Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm