Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng trưng bày nghệ thuật ảo: Xu hướng mới của Hàn Quốc

Người trẻ và công nghệ chính là những nhân tố tích cực, tạo ra những thay đổi quan trọng đối với thị trường nghệ thuật Hàn Quốc.

Thị trường nghệ thuật Hàn Quốc đang đối mặt với tình trạng được cho là bi kịch: bất chấp số lượng người tham quan bảo tàng ngày càng tăng, số lượng người mua tranh vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Hội chợ Nghệ thuật quốc tế Hàn Quốc là minh chứng rõ nhất cho tình cảnh "dở khóc dở cười" này: mỗi năm, hội chợ nghệ thuật lớn nhất xứ kim chi đều ghi nhận lượng khách tham quan kỷ lục nhưng doanh số bán tranh lại đình trệ, nếu không muốn nói là giảm sút.

Khi nghiên cứu thị trường, doanh nhân trẻ Park Euy Kyu - Giám đốc Open Gallery tại Seoul - đã không thể tin nổi vào tình cảnh ế ẩm của nền nghệ thuật nước nhà.

"Nhiều người tới tham quan bảo tàng hơn nhưng thị trường lại sụt giảm. Với tôi, đó là điều khó hiểu. Tôi nghĩ chúng ta cần có những kênh dễ tiếp cận hơn, để đưa các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng" - Park, cựu tư vấn viên ở công ty kiểm toán Deloitte, phát biểu.

Park Euy Kyu - Giám đốc Open Gallery.

Trước những day dứt, Park Euy Kyu đã tìm ra con đường khác cho chính mình và thị trường. Anh thành lập Open Gallery, cung cấp dịch vụ cho thuê tác phẩm nghệ thuật online. Khách hàng của anh là những người không đủ tiền mua nhưng mong muốn có tranh treo ở nhà hoặc văn phòng.

Open Gallery có hơn 4.000 tác phẩm trong cơ sở dữ liệu. Khách hàng có thể xem qua các tác phẩm trên trang web với đầy đủ thông tin chi tiết từ tên nghệ sĩ, mức giá,... và chọn tác phẩm phù hợp với không gian và kinh phí.

Giá thuê tranh dao động từ 39.000 won (718.000 đồng) tới 300.000 won (5,5 triệu đồng) cho khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng.

"Mọi thứ đều được giải quyết mà không cần phải tới phòng tranh" - ông chủ Open Gallery bộc bạch.

Park Euy Kyu cho biết, rất nhiều khách hàng của anh chưa từng đặt chân tới phòng tranh nào và cũng không có ý định làm điều đó.

"Có nhiều người ngại đến phòng tranh hơn chúng ta nghĩ. Bạn nhìn thấy rất nhiều khách du lịch trên các con phố ở Insa-dong nhưng có rất ít người bên trong các gallery đặt ở quận nghệ thuật truyền thống nổi tiếng này" - Park nhận xét.

Khoảng 70% khách hàng của Open Gallery là phụ nữ ở độ tuổi 40, 50 - những người thường tiếp đãi bạn bè và người quen ở nhà. Tuy nhiên, số lượng khách hàng là công ty cũng đang tăng. Trong đó, có cả những công ty lớn như Naver.

Ra đời vào cuối năm 2013, lợi nhuận của Open Gallery trong năm 2015 đã tăng 300% so với năm 2014.

"Những người có công việc được trả lương cao thường không có thời gian đi bảo tàng hay phòng tranh. Chúng tôi sẽ biến văn phòng của họ thành phòng tranh. Tôi chưa từng gặp ai không thích có tranh ở văn phòng cả" - Park Euy Kyu giải thích.

Nhân viên Open Gallery đang treo tranh tại văn phòng Naver.

Với cách làm này, Open Gallery còn là kênh kết nối nghệ sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật một cách hiệu quả.

"Một người bạn là họa sĩ của tôi từng nói, rất khó để thành công với tư cách là nghệ sĩ, bất chấp bạn có giỏi đến thế nào. Một người khác từng thổ lộ anh ấy hối hận khi được được sinh ra với năng khiếu hội họa" - Park chia sẻ.

Open Gallery sẽ chọn một số nghệ sĩ - những người chưa nổi tiếng nhưng có tài năng và triết lý nghệ thuật. Họ là những nghệ sĩ tuổi mới 20 và thậm chí là 50, phần lớn tốt nghiệp từ các trường nghệ thuật danh tiếng ở Hàn Quốc như Hongik, Ewha Womans và Chung Ang.

"Với hệ thống cũ, họ không có cơ hội được biết đến" - Park Euy Kyu nói.

Park nhận xét, thị trường nghệ thuật chính là một trong những lĩnh vực cuối cùng mà lợi ích của công nghệ chưa chạm đến.

"Với công nghệ, tôi nghĩ mình có thể mang đến sự thay đổi cho thị trường nghệ thuật, làm cầu nối, đưa các nghệ sĩ trẻ đến gần hơn với công chúng yêu thích" - Park Eun Kyu phát biểu.




Phương Ly

Ảnh: Korea Herald

Bạn có thể quan tâm