Phá vỡ hình thức xuất bản truyền thống bằng cách gây quỹ cộng đồng, đưa tác giả tham gia từ khâu marketing tác phẩm, đo lường phản ứng của độc giả khi đọc thử miễn phí những chương đầu tiên, kêu gọi mọi người gây quỹ để xuất bản, Comicola (viết tắt của Comic Online Alliance - Liên minh truyện tranh online) đã làm được việc ít ai ngờ: trong vòng một năm đã gây quỹ thành công cho 14 tác phẩm truyện tranh.
Gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) để xuất bản sách hay các ấn phẩm là một xu hướng được ưa chuộng vài năm qua trên thế giới, có một số trang gây quỹ uy tín như Kickstarter từ thung lũng Silicon trị giá vài tỷ USD. Theo cách xuất bản truyền thống, một tác phẩm sau khi xuất bản mới tới tay độc giả, lúc đó độc giả mới đánh giá chất lượng sản phẩm; còn qua hình thức này, ưu điểm là tác phẩm được đem bán cho người đọc từ khi sách còn là bản thảo, người đọc đã kiểm chứng được chất lượng tác phẩm, đã được đọc thử.
Khi một tác phẩm đọc thử tạo được phản hồi tốt, nhiều người theo dõi thì ban quản trị, tác giả bắt đầu gây quỹ cho tác phẩm. Các độc giả chính là những người góp tiền để tác giả và đơn vị làm sách có thể mang bản thảo in ấn, xuất bản. Với cách làm này, Comicola đã phá vỡ quy trình xuất bản truyền thống, tìm kiếm được chi phí cho việc xuất bản sách để không phải lo khi sách ra ai sẽ mua.
Đường sống cho truyện tranh
Bộ truyện tranh đầu tiên của Việt Nam được thực hiện bằng hình thức gây quỹ cộng đồng là Long Thần Tướng của Phong Dương Comics. Từng chật vật suốt gần mười năm để tìm cách xuất bản truyền thống nhưng không như ý, khi bộ truyện chính thức ra đời vào cuối năm 2014 nhờ hình thức gây quỹ cộng đồng, đã gây được tiếng vang lớn. Thành công ấy góp phần cho Comicola của ba bạn cùng sinh năm 1986 ra đời. Họ gồm: Hoàng Anh Tuấn (họa sĩ, tác giả kịch bản - chủ tịch), Nguyễn Khánh Dương (tác giả kịch bản - giám đốc điều hành), Đặng Ngọc Minh Trang (họa sĩ, tác giả kịch bản - giám sát).
Họa sĩ Hoàng Anh Tuấn |
“Chúng tôi là những người bạn cùng làm truyện tranh từ khi 19 tuổi. 11 năm qua, số người vẽ truyện tranh bị rơi rụng dần, bởi truyện tranh Việt Nam không phát triển mấy, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên họa sĩ. Chúng tôi đã cùng nhau ngồi lại, nhận ra vấn đề của những người vẽ truyện tranh là họ không tìm ra được tiếng nói chung với nhà đầu tư, sự liên kết với người đọc. Vì thế, chúng tôi quyết định tạo ra một nền tảng để tụ tập tất cả các họa sĩ truyện tranh Việt Nam lại, dưới một mái nhà, cùng nhau sáng tác các tác phẩm chất lượng. Nhiệm vụ của những người sáng lập là làm cầu nối giữa họa sĩ và độc giả, nhà xuất bản, các nhà đầu tư để tạo ra một hệ sinh thái khép kín về sáng tác, xuất bản, phát hành...”, đồng sáng lập Hoàng Anh Tuấn kể lại.
Nói đây là một dự án khởi nghiệp về xuất bản truyện tranh thì không hoàn toàn chính xác, bởi ba gương mặt trẻ này đã kết hợp các yếu tố công nghệ, xuất bản, marketing, văn hóa, quản lý nghệ thuật trong hoạt động của Comicola. Chỉ cần click vào “đại bản doanh” www.comicola.com là độc giả dễ dàng hiểu được những giá trị mà Comicola đang có. Bạn có thể đọc thử truyện tranh miễn phí, tìm hiểu về các dự án, các tác giả, các quà tặng “ăn theo” sản phẩm, từ đó, nếu “hợp cạ” thì chỉ cần quyên góp 50.000đ là đặt hàng trước cho một tác phẩm yêu thích, được in ấn chất lượng.
Comicola còn rất sáng tạo trong việc thực hiện các cách thức đáp lại số tiền gây quỹ, ví dụ như ở Long Thần Tướng, đóng góp cao thì hình ảnh của bạn sẽ được vẽ lại, xuất hiện như một nhân vật trong truyện. Số tiền càng cao thì số sách, quà tặng dành cho bạn sẽ càng có giá trị. Số tiền cao nhất đến nay nhóm nhận được là 25 triệu đồng của một bạn đọc ở nước ngoài gây quỹ cho cuốn Bad luck.
Sau một năm hoạt động, mọi thứ phát triển... hơi nhanh hơn so với mong muốn của nhóm. Trước đó, khó hình dung truyện tranh có thể gây quỹ được hơn 100 triệu đồng/tác phẩm. Thế mà, Comicola đã gây quỹ được cho 14 tác phẩm, đã xuất bản được 8 cuốn.
Sách Thành Kỳ Ý. |
Hoa Văn Đại Việt là dự án gây quỹ cộng đồng mới nhất của Comicola nhằm sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam. Nếu dự án thành công, bộ vector hoa văn của dự án sẽ được cung cấp cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam để sử dụng trong các dự án thuần Việt và cổ trang (trang phục, kiến trúc, hội họa, minh họa...) của người Việt. Dự án sẽ tạo một nguồn tư liệu phong phú cho những người làm sáng tạo, văn hóa ở Việt Nam với hy vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ có những tác phẩm thuần Việt có tầm vóc, chống lại sự xâm lăng văn hóa (thông qua văn học, phim điện ảnh...) của các nước lân cận trong khu vực.
Điều thú vị là khi thực hiện gây quỹ cộng đồng, bên cạnh các cuốn sách về giới trẻ, tình yêu được độc giả đón nhận, ban điều hành của Comicola đã nhận ra người Việt trẻ không hề quay lưng với các đề tài lịch sử, vốn bị cho là khô khan, kén người đọc. Thành công mới nhất của Comicola là việc xuất bản cuốn Thành Kỳ Ý. Chỉ trong vòng hai tháng, Thành Kỳ Ý đã gây quỹ thành công vượt mong đợi 143% với tổng số vốn ủng hộ tới hơn 200 triệu đồng. Cuốn sách được thực hiện bởi tác giả Linh - sinh năm 1987, hiện đang sống tại Australia và họa sĩ San - sinh năm 1991.
Phát triển nhờ có uy tín trong cộng đồng
Comicola không chỉ thu hút các gương mặt trẻ tham gia dự án mà cả nhiều bạn đang làm nghề giảng dạy, chuyên gia truyền thông hợp tác sáng tác, xuất bản. Nhiều tên tuổi đã nổi tiếng trong cộng đồng mạng cùng với sự phát triển của Comicola như Nguyễn Thành Phong (được biết đến với Sát thủ đầu mưng mủ), Tuyệt Đỉnh Sinh Vật, Đào Quang Huy...
Chia sẻ về tiêu chí để có thể hợp tác với Comicola, Hoàng Anh Tuấn nói: “Để gây quỹ thành công thì tác phẩm phải có tính thị trường, tác giả phải có uy tín nhất định để kêu gọi cộng đồng ủng hộ - cam kết với cộng đồng tác phẩm phải xuất hiện đúng thời điểm như đã hẹn, tác phẩm đạt chất lượng cao. Comicola có nhiệm vụ hỗ trợ các tác giả cách làm marketing, xây dựng hình ảnh trên cộng đồng mạng. Đặc biệt, tác phẩm đó phải có ý nghĩa về mặt truyền thông. Chúng tôi không nghĩ rằng truyện tranh chỉ là vẽ mà truyện tranh phải chuyển tải các thông điệp có ích cho cộng đồng.
Tác phẩm mới nhất của Comicola - Thành Kỳ Ý là một cách tiếp cận lịch sử rất hay, với ngôn ngữ mềm mại, uyển chuyển. Tác giả đã có thời gian tìm hiểu lịch sử rất kỹ. Comicola còn lập nhóm tư vấn cho tác giả về lịch sử, từ các hoa văn thời xưa đến cách hành xử của nhân vật. Kể từ khi bàn bạc về ý tưởng, tầm 3 - 4 tháng là mọi thứ sẽ bắt đầu để vào tiến trình gây quỹ. Có một số điều phải đồng ý với nhau ngay từ đầu là tác phẩm của Comicola không được phép vô lễ với thầy cô giáo, với phụ huynh, không chửi bậy, nói tục, không hở hang thái quá”.
Đội ngũ Comicola. Ảnh: CTV |
Comicola chọn cách gây quỹ công khai và minh bạch về vấn đề tài chính với tác giả và cộng đồng. Mỗi dự án có tỷ lệ khác nhau, nhưng thông thường là 65 - 35 (35 là của Comicola dùng để vận hành hệ thống, 65 dùng cho chi phí in ấn, tiền cho sáng tạo của tác giả). Ngoài ra, khi nhìn thấy hiệu quả của cách gây quỹ này, nhiều công ty sách đã nhảy vào cùng tham gia đầu tư với Comicola như Đông A, Skybooks... Hiện nay, Comicola đã có được một cộng đồng lớn mạnh, tin tưởng vào uy tín của các dự án với một nhóm 2000 người sẵn sàng hỗ trợ hậu cần cho Comicola cùng độc giả hơn 32.000 người ở fan page, website có 50.000 người.
Một khởi nghiệp nhanh chóng tạo được tiếng vang, được xã hội ủng hộ, nhưng nhóm sáng lập Comicola cho biết họ vẫn tiếp tục gìn giữ mục tiêu của mình ngay từ ngày đầu: “Chúng tôi chỉ đơn giản muốn những người yêu thích truyện tranh giống như mình có cơ hội làm truyện tranh, vẽ truyện tranh, kiếm tiền từ chính đam mê, làm được các việc mình thích, sống được với nghề mà không phải vật vã làm các việc khác để kiếm tiền”.
Thời gian tới, nền tảng của Comicola còn phát triển sang việc gây quỹ cho tác phẩm văn học trong tương lai gần, chuyển thể thành phim một số tác phẩm. Bên cạnh đó, sau tết, họ sẽ có văn phòng mới ở quận 1 với 200m2 dành cho không gian nghệ thuật, các lớp học về vẽ, cà phê và văn phòng.