Nhiều người Trung Quốc chấp nhận nguy hiểm khi quyết định phẫu thuật chỉnh giọng để phù hợp với quan niệm truyền thống về giới tính. Ảnh: Corbis |
Nhiều người Trung Quốc quyết định phẫu thuật chỉnh giọng, một loại phẫu thuật nguy hiểm, để giọng họ trở nên nam tính hoặc nữ tính hơn.
Phẫu thuật chỉnh giọng là loại hình mới nhất trong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ. Các bác sĩ cho biết nhu cầu phẫu thuật chỉnh giọng tăng đều đặn trong những năm gần đây. Khách hàng chủ yếu là những người chuyển giới. Ngoài ra, những người có giọng nói không như mong muốn cũng phẫu thuật bất chấp nguy cơ mất giọng hoàn toàn hay viêm phổi.
Theo các viện nghiên cứu, nhu cầu phẫu thuật chỉnh giọng tăng cao cho thấy người Trung Quốc chịu áp lực lớn trong việc phải phù hợp với định kiến về giới tính.
Lu Xiang, 23 tuổi, cho biết trước khi phẫu thuật, bạn bè thường chế nhạo anh vì giọng anh the thé, giống giọng nữ.
“Trong nhiều năm, bạn cùng lớp và đồng nghiệp lấy giọng tôi làm trò cười, họ gọi tôi là kẻ ẻo lả. Tôi cũng không có bạn gái. Phụ nữ không coi tôi là đàn ông thực sự. Họ đối xử với tôi như với bạn bè cùng giới”, Lu cho biết trên Global Times.
Giọng của Lu Xiang không trầm xuống trong thời kỳ dậy thì. Khi đảm nhận công việc điện thoại viên, nhiều người nhầm anh là nữ. Vì thế, bất chấp rủi ro, anh phẫu thuật để khiến giọng trầm hơn. Ca phẫu thuật bao gồm việc cắt một đoạn sụn và bơm Botox vào dây thanh quản.
Alasdair Mace - một bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng tại bệnh viện Charing Cross ở London, Anh - cho biết Botox làm dây thanh quản ngắn và rộng hơn khiến giọng nói trầm hơn, theo Mail Online. Mỗi tháng, ông thực hiện hai ca phẫu thuật chỉnh giọng. Phần lớn khách hàng là người chuyển giới, bệnh nhân khiếm khuyết về giọng nói do bẩm sinh hay bị thương.
Theo ông, Lu Xiang là một trường hợp bất thường vì thông thường, những phụ nữ chuyển giới sẽ được điều trị bằng testosterone để giọng nói trở nên trầm hơn. Lu là nam nên biện pháp ấy không thích hợp.
Ông giải thích nguyên lý phẫu thuật: “Các dây thanh âm gắn với sụn tuyến giáp. Nếu bác sĩ cắt một phần sụn, nó sẽ ngắn hơn, khiến các dây cứng hơn và giọng nói biến trầm. Tiêm Botox khiến các dây ngắn, phẳng và mềm hơn”.
Tuy nhiên, ông nói tiêm Botox chỉ là biện pháp tạm thời vì nó làm tê liệt các cơ bắp và chỉ có tác dụng trong 3 đến 6 tháng. Nếu bệnh nhân muốn duy trì tác dụng, họ sẽ phải tiếp tục tiêm Botox - một hành vi dẫn đến nguy cơ mất giọng tạm thời hoặc nhiễm trùng ngực.
“Lạm dụng Botox khiến dây thanh quản suy yếu và không còn liên kết với nhau nên bệnh nhân sẽ mất giọng vĩnh viễn. Dây thanh quản có tác dụng bảo vệ phổi khỏi những vật lạ mà con người nuốt nhầm. Nếu chúng tê liệt, bệnh nhân dễ mắc bệnh viêm phổi. Vì thế, những người có ý định phẫu thuật chỉnh giọng phải biết những nguy cơ mà họ phải đối mặt: Mất giọng và các bệnh nhiễm trùng ngực”, ông Mace bổ sung.
Tiêm Botox là một biện pháp nguy hiểm vì nó làm tê liệt dây thanh quản dẫn đến các bệnh nhiễm trùng ngực và mất giọng vĩnh viễn. Ảnh: Corbis |
Huang Yideng, một bác sĩ tại Bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc 118, đã thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật thanh quản trong 4 năm qua. Ông cho biết đối tượng chủ yếu là những nam giới có giọng cao như Lu Xiang và những phụ nữ có giọng trầm.
Zhou Meiling, quản lý tại Trung tâm Tiếng nói Yeson ở Hàn Quốc, cho biết nhu cầu phẫu thuật chỉnh giọng của người Trung Quốc đang tăng lên trong những năm gần đây. 4 năm trước, phòng khám tiếp nhận khoảng 20 khách hàng Trung Quốc mỗi năm. Năm 2013, số lượng bệnh nhân tăng lên 100 người.
Biện pháp phổ biến nhất là chèn tấm titan vào giữa các cơ bắp cổ họng nhằm kéo dài dây thanh âm và nâng cao độ giọng nói, Telegraph cho hay.
Nhiều người cho rằng người ta phẫu thuật thẩm mỹ vì quá chú trọng ngoại hình. Nhưng các nhà khoa học nhận định nguyên nhân nằm ở những quan niệm cứng nhắc của Trung Quốc về giới tính.
Chen Yaya, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết: “Trong suy nghĩ của người Trung Quốc, đàn ông phải hành động theo những tư tưởng định kiến về phái nam và phụ nữ phải cư xử phù hợp với quan niệm truyền thống về phái nữ. Xã hội cần có cái nhìn toàn diện hơn về giới tính để những người có giọng nói khác biệt hoặc những đặc điểm khác không phù hợp với giới tính sẽ không cảm thấy áp lực đến mức phải phẫu thuật”.