Bloomberg đưa tin theo dữ liệu chính thức, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 3 đã lao dốc 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5,8%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Tình hình dịch bệnh tại đất nước 1,4 tỷ dân vẫn phức tạp. Còn chính quyền tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Giới quan sát cảnh báo nền kinh tế và chuỗi cung ứng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý II.
Điều đó làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đã lao đao vì lạm phát tăng cao, xung đột Nga - Ukraine và việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất.
Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc lao dốc, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Ảnh: Bloomberg. |
Tình hình xấu đi nhanh chóng
"Tháng 3 đã tồi tệ, nhưng tháng 4 còn tồi tệ hơn. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung và đầu tư từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong quý II", ông Chen Long - một nhà kinh tế tại hãng tư vấn Plenum (có trụ sở ở Bắc Kinh) - cảnh báo.
Gần 400 triệu người ở 45 thành phố của Trung Quốc đang sống trong tình trạng bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo dữ liệu của Nomura Holdings, các thành phố chiếm tới 40% GDP, tương đương 7.200 tỷ USD, của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Vấn đề đáng lo ngại nhất là việc phong tỏa Thượng Hải vô thời hạn - thành phố 25 triệu dân, một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Cảng Thượng Hải - nơi xử lý hơn 20% lưu lượng hàng hóa của Trung Quốc hồi năm ngoái - đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn. Những chuyến hàng đến bị kẹt ở cảng Thượng Hải khoảng 8 ngày, tăng 75% so với mức trước đây.
Các hãng hàng không đã hủy tất cả chuyến bay ra vào thành phố. Hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng xuất nhập khẩu hiện không hoạt động.
Tháng 3 đã tồi tệ, nhưng tháng 4 còn tồi tệ hơn. Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung và đầu tư từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong quý II
Ông Chen Long - một nhà kinh tế tại hãng tư vấn Plenum (có trụ sở ở Bắc Kinh)
Các nhà cung cấp của Sony, Apple tại Thượng Hải và những khu vực xung quanh đều dừng hoạt động. Quanta - nhà sản xuất máy tính xách tay theo hợp đồng lớn nhất thế giới - đã ngừng sản xuất hoàn toàn.
Nhà máy tại Thượng Hải chiếm khoảng 20% công suất sản xuất máy tính xách tay của Quanta. Trước đó, công ty ước tính sẽ xuất xưởng 72 triệu chiếc trong năm nay. Tesla đã đóng cửa siêu nhà máy ở Thượng Hải. Đây là nơi hãng sản xuất khoảng 2.000 ôtô điện mỗi ngày.
"Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ tác động tới nền kinh tế trong dài hạn. Bởi điều này ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và tiêu dùng", nhà kinh tế Liu Peiqian tại NatWest Group Plc nhận định.
GDP của Trung Quốc tăng 4,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong quý I. Nhưng giới quan sát cho rằng rất khó để nước này đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay.
Các lệnh phong tỏa nhằm chống dịch và những rủi ro khác có thể kéo tụt tăng trưởng GDP xuống 5% trong năm nay.
Sức mạnh chi tiêu sụt giảm
Một số nhà kinh tế thậm chí còn đặt câu hỏi về các số liệu chính thức. Theo NBS, những con số như doanh thu bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng tích cực hơn nhiều so với dữ liệu từ các nguồn khác.
Một số số liệu cũng không nhất quán. Chẳng hạn, đầu tư tăng trong quý I, nhưng sản lượng thép và xi măng lại sụt giảm 10%.
Cơ quan thống kê của Trung Quốc cho biết doanh số bất động sản giảm 29% so với một năm trước đó. Nhưng theo dữ liệu được tổng hợp từ hàng trăm nhà phát triển bất động sản lớn nhất, mức giảm lên tới 50%.
"Đối với sức chống chịu của ngành công nghiệp bất động sản, có một khoảng cách khá lớn giữa số liệu chính thức và thực tế thị trường", ông Jacqueline Rong, Phó trưởng Kinh tế Trung Quốc tại BNP Paribas SA - nhận xét.
Chi tiêu tại các nhà hàng đã giảm hơn 16% trong tháng 3 so với một năm trước. Một phần nguyên nhân là người tiêu dùng không muốn, hoặc không có khả năng mua sắm. Chi tiêu cho quần áo, đồ trang sức và nội thất cũng giảm mạnh.
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 25 điểm cơ bản đối với hầu hết nhà băng. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không mạnh tay nới lỏng, hạn chế hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào nền kinh tế.
Lệnh phong tỏa khiến hơn 90% xe tải hỗ trợ giao hàng xuất nhập khẩu hiện không hoạt động. Ảnh: Reuters. |
Thêm vào đó, với sức ép từ cộng đồng doanh nghiệp, giới chức Trung Quốc đang tìm cách tái khởi động sản xuất và tháo gỡ các vấn đề về hậu cầu.
Cuối tuần trước, Thượng Hải đã công bố kế hoạch tái khởi động hoạt động kinh doanh. Theo đó, các công ty sẽ phải nộp đơn xin phê duyệt kế hoạch quản lý theo chu trình khép kín. Người lao động buộc phải ở lại nơi làm việc và xét nghiệm thường xuyên.
Câu hỏi đặt ra là giới chức Trung Quốc có thể kiểm soát các đợt bùng phát Covid-19 hay không, và những hạn chế được duy trì đến bao giờ.
"Chúng tôi cho rằng những hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ không đủ để bù đắp vết thương kinh tế do các đợt phong tỏa. Tổn thất GDP sẽ tăng theo cấp số nhân", ông Iris Pang - nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc đại lục tại ING Greop NV - bình luận.