"Đây là lần đầu tiên Chi cục Kiểm lâm TP.HCM nhận số lượng rùa lớn như vậy", ông Cầm Văn Tùng, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, trao đổi với Zing khi tiếp nhận 62 con rùa từ chùa Ngọc Hoàng (quận 1) tình nguyện giao nộp chiều 5/10.
Những con rùa này được phật tử phóng sinh nhiều năm trước và được nhà chùa nuôi dưỡng ở hồ nước trong khuôn viên.
Phóng sinh những con rùa ngoại lai nguy hại
Khảo sát hơn 400 ngôi chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ở TP.HCM hồi tháng 7, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) - một tổ chức bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, ghi nhận nhiều nơi còn tình trạng nuôi nhốt, phóng sinh rùa.
Từ giải thích của ENV, 4 ngôi chùa ở TP.HCM đã tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM 40 con rùa. Hiện nhiều ngôi chùa đã không còn tiếp nhận phóng sinh loài bò sát này.
Thông báo không tiếp nhận rùa phóng sinh từ chùa Ngọc Hoàng nhiều năm nay. Ảnh: Anh Nhàn. |
Lần tự nguyện giao nộp chiều 5/10 của chùa Ngọc Hoàng ghi nhận số lượng rùa kỷ lục, thuộc 5 loại: Rùa răng, rùa đất lớn, rùa đất Sê-pôn, rùa hộp lưng đen, rùa núi vàng.
Các loài rùa sau khi tiếp nhận sẽ được đưa lên Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chăm sóc rồi mới thả về tự nhiên. Một số loại rùa ngoại lai gây hại sẽ được đem đi tiêu hủy.
Ông Cầm Văn Tùng thông tin các cá thể rùa trên đều nằm trong nhóm 2B, động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Con rùa lớn nhất nặng khoảng 15 kg, có con rùa đã 20-30 năm tuổi.
Để nuôi dưỡng những con rùa được phật tử phóng sinh, các tăng ni tại chùa Ngọc Hoàng hàng ngày đều dùng trái cây, rau cải... thả xuống cho con vật ăn. Những năm gần đây, có yêu cầu cấm phóng sinh nên chùa đã ngừng tiếp nhận rùa.
"Để bảo vệ rùa trong hồ, xin đừng tùy ý phóng sinh rùa hoặc sinh vật khác vào hồ. Rùa có thể chết hàng loạt vì lây nhiễm bệnh nên đề nghị không thả xuống hồ", thông báo từ chùa Ngọc Hoàng nêu.
Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiến hành kiểm tra, phân loại cá thể rùa chiều 5/10 tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Anh Nhàn. |
Sở dĩ, rùa được người dân ưa chuộng làm vật phóng sinh vì quan niệm đây là một trong tứ linh, có thể giúp gia chủ an lành làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Vào những ngày cuối năm âm lịch và cận Tết Nguyên đán, nhu cầu phóng sinh giải hạn, cầu may khiến người dân mua rùa nhiều hơn.
Chi cục Kiểm lâm TP.HCM khuyến cáo người dân không nên tự ý phóng sinh động vật quý hiếm vào chùa. Người dân cần giao cho cơ quan chức năng hoặc Chi cục Kiểm lâm để tiến hành chăm sóc, theo dõi, đặc biệt đối với các cá thể rùa quý hiếm.
Vi phạm pháp luật
Theo bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, mua bán, phóng sinh rùa tại các chùa nhưng không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của con vật có thể khiến chúng chết, nếu là rùa ngoại lai có thể gây hại sinh vật khác. Đây là việc làm không phù hợp với giáo lý Phật giáo.
"Phóng sinh rùa không phù hợp với giáo lý Phật giáo"
Phó giám đốc ENV Bùi Thị Hà
Đại diện ENV nhìn nhận việc nuôi nhốt, mua bán rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và không đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Những người có ý tốt bỏ tiền túi mua rùa về rồi mang đến chùa phóng sinh cũng có thể bị tính là vi phạm.
ENV thống kê trong 26 loài rùa có phân bố tự nhiên tại Việt Nam, 23 loài được liệt kê trong các danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, với 8 loài bị cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Sách đỏ về các loài nguy cấp của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) cũng phân loại 23 loài rùa của Việt Nam ở mức độ nguy cấp và cực kỳ nguy cấp.
62 cá thể rùa quý hiếm được Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Anh Nhàn. |
Ngoài ra, 24 loài rùa của Việt Nam cũng được liệt kê trong các Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đòi hỏi phải có được cấp phép khi buôn bán, vận chuyển quốc tế.
"Dù được pháp luật bảo vệ, đa phần các loài rùa bản địa của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên", bà Hà đánh giá và mong các loại rùa sớm được phục hồi và bảo vệ, như một cách gìn giữ phần nào văn hóa đất nước.