“TP.HCM có khoảng 13.000 cơ sở y tế hoạt động, trong đó có 16 phòng khám có yếu tố Trung Quốc (PKTQ). Trong năm 2016, Thanh tra Sở Y tế TP đã xử lý các sai phạm và phạt tổng cộng 10 tỷ đồng. Trong đó, các PKTQ bị phạt trên 1 tỷ đồng. Điều này cho thấy mức độ vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh của các PKTQ rất nhiều”.
Sáng 14/3, TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thông tin như trên tại buổi làm việc với đại diện 16 PKTQ nhằm chấn chỉnh hoạt động của các phòng khám này.
Phòng khám Trung Quốc có vấn đề
Theo BS Bùi Minh Trạng, thời gian qua Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nhận được nhiều phản ánh liên quan đến PKTQ. Trong đó, nhiều bệnh nhân cho rằng PKTQ vẽ bệnh để thu tiền. Họ cho biết khi đến những phòng khám khác thì chỉ mắc một bệnh nhưng khi đến PKTQ thì “phán” nhiều bệnh.
“Tại sao bệnh nhân không “tố” các phòng khám khác mà chỉ “tố” PKTQ? Thâm tâm tôi nghĩ PKTQ có vấn đề” - ông Trạng đặt câu hỏi.
Ông Trạng dẫn chứng: “Trước khi điều trị, PKTQ nói bệnh nhân chỉ mắc bệnh A. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, PKTQ nói bệnh nhân mắc thêm bệnh B, bệnh C… cần phải chữa. Điều này cho thấy PKTQ không minh bạch với người bệnh. Chưa hết, người bệnh còn cho rằng PKTQ cố tình hù để bệnh nhân phải trả thêm tiền”.
“PKTQ lấy giá cao cũng là vấn đề cốt lõi mà người bệnh phản ánh. Tại các cơ sở y tế khác, người bệnh có thể bỏ ra trăm triệu nhưng không hề thắc mắc bởi mọi chi phí điều trị được thống kê rõ ràng. Trong khi đó, PKTQ không minh bạch, rõ ràng chi phí điều trị” - ông Trạng trình bày thêm.
Quảng cáo toàn bệnh… khó nói
Chánh Thanh tra Sở Y tế nói tiếp: “Với kinh nghiệm lâu năm, chỉ cần đọc hoặc nghe quảng cáo là tôi biết PKTQ”.
Theo ông Trạng, điều trị trĩ là lĩnh vực mà các PKTQ thường quảng cáo với những câu từ thật hay. Tuy nhiên, không ít bệnh nhân sau khi được mổ trĩ đã thắc mắc không biết mình có bị… bệnh trĩ thiệt không. Kế đến là những bệnh khó nói liên quan “bản lĩnh đàn ông” như yếu sinh lý và bệnh “thầm kín” của chị em như viêm loét âm đạo, viêm cổ tử cung… cũng được quảng cáo với những phương pháp điều trị thật hiệu quả.
“Các ông, các bà sẽ được hướng dẫn liệu trình điều trị trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian này, họ được PKTQ yêu cầu phải điều trị tiếp vài liệu trình nữa thì mới hết bệnh” - ông Trạng bổ sung.
Ông Trạng đúc kết: “Đa phần PKTQ thực hiện quảng cáo quá phạm vi cho phép”.
Cơ quan chức năng kiểm tra phòng khám có yếu tố Trung Quốc. |
Thông dịch trời ơi đất hỡi
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn cho biết quá trình kiểm tra phát hiện không ít phiên dịch chưa được cấp chứng chỉ hoạt động. Điều này khiến người bệnh gặp nhiều rắc rối.
Ông Trạng dẫn chứng: Bệnh nhân bị nhiễm trùng tiểu nhưng lại dịch là mắc… bệnh xã hội, đồng nghĩa với bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Điều này ảnh hưởng nhiều đến uy tín và nhân thân người bệnh. Bác sĩ TQ nói bệnh nhân bị bệnh nặng nhưng người phiên dịch lại nói mắc bệnh… ác tính. Điều này khiến người bệnh nghĩ bị ung thư.
Tại buổi làm việc, phần lớn các PKTQ đều không có phản ứng trước nhận định của Thanh tra Sở Y tế. Riêng bà Phạm Thị Thúy Phượng, Phòng khám Phú Khang thuộc Công ty TNHH Y tế Phú Khang, cho rằng phiên dịch tại PKTQ thực sự không ổn.
“Bác sĩ TQ cũng lệ thuộc vào người phiên dịch. Một khi phiên dịch không đúng ý sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Do vậy, cần phải có quy chuẩn cho người phiên dịch” - bà Phượng đề xuất.
Đại diện Phòng khám Cộng Hòa (Công ty TNHH Thương mại Y học cổ truyền Cộng Hòa) cũng kiến nghị Sở Y tế TP.HCM thành lập một ban để kiểm tra kiến thức y khoa và ngôn ngữ của người phiên dịch.
Trả lời câu hỏi: “Vì sao không thể giải quyết dứt điểm các sai phạm ở PKTQ? Liệu có sự bao che?”, TS-BS Bùi Minh Trạng cho rằng trong quá trình hoạt động thì không thể không xảy ra những sai phạm. Cơ quan quản lý y tế TP.HCM đang từng bước đưa hoạt động tại các PKTQ vào nề nếp. “Đến nay Sở Y tế TP.HCM chưa phát hiện bất kỳ trường hợp bao che cho các PKTQ” - ông Trạng nhấn mạnh.
Sẽ công khai các sai phạm của PKTQ
BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, cho rằng vai trò của người chịu trách nhiệm chuyên môn rất quan trọng. Do vậy, khi PKTQ có sai phạm thì sẽ xử lý người chịu trách nhiệm chuyên môn.
Trong quá trình điều trị, PKTQ muốn can thiệp bất cứ bệnh gì thì phải được sự đồng ý của bệnh nhân. Không chấp nhận việc điều trị nửa chừng rồi gợi ý bệnh nhân phải trị thêm bệnh này, chữa thêm bệnh nọ. Tất cả hồ sơ bệnh án, đơn thuốc… phải thể hiện bằng tiếng Việt.
“Sở Y tế TP.HCM sẽ công khai những sai phạm liên quan đến quy trình điều trị và giá cả của PKTQ lên trang thông tin điện tử để dân được biết” - ông Duy nhấn mạnh.
Các PKTQ trong vòng ba tháng phải xây dựng quy trình chẩn đoán và điều trị từng loại bệnh. Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ xem xét trách nhiệm chuyên môn của từng bác sĩ trong PKTQ và sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu không đáp ứng các điều kiện quy định.
TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM