Trong phiên chất vấn sáng 7/12 tại Kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu Võ Thị Ngọc Thủy (quận Thủ Đức) đặt vấn đề TP phải làm sao giảm trợ cấp, trợ giá xe buýt. Hiện nay, chi phí trợ giá xe buýt lớn nhưng lượng hành khách đi xe buýt lại giảm dần.
Xem xét cắt trợ giá xe buýt
"Hiện nay TP.HCM đang tính trợ giá xe buýt theo đầu vào. Có nghĩa là đang trợ cấp cho phần chênh lệch giữa chi phí và doanh thu. Cách làm này không tạo động lực cho các đơn vị kinh doanh xe buýt để họ giảm chi phí và tăng doanh thu", bà Thúy phát biểu.
Vị đại biểu này đề cập thêm việc TP đang trợ giá một số tuyến có nghĩa là trợ giá cho một số doanh nghiệp, việc này tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp được trợ giá không cải tiến chất lượng dịch vụ, trong khi doanh nghiệp không được trợ giá không dám nhảy vào thị trường này vì phải đầu tư chi phí khá cao dẫn đến chất lượng xe buýt đi xuống.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP.HCM trả lời thắc mắc của các đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa IX sáng 7/12. Ảnh: Phước Tuần. |
Đại biểu Thủy kiến nghị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) nên có một cách tính trợ giá dựa trên kết quả đầu ra, tức là trợ giá trực tiếp cho hành khách đi xe buýt. Cách tính trợ giá dựa trên 3 yếu tố: Tổng lượng hành khách vận chuyển, số hành khách được trợ giá và phầm trăm trợ giá.
Lúc này các doanh nghiệp khi cạnh tranh buộc phải cải tiến chất lượng. Được vậy, người dân chấp nhận trả chi phí cao hơn để đi xe buýt (nhưng phải thấp hơn chi phí đi lại hàng ngày bằng xe máy). Hành khách tăng lên thì sẽ tăng được quảng cáo trên xe buýt, góp phần giảm đáng kể kinh phí cho TP.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị lãnh đạo Sở GTVT cần phải tính toán lại, có bao nhiêu người đi xe buýt được hưởng lợi từ việc trợ giá này của thành phố, bao nhiêu chuyến xe buýt trợ giá được vận hành, để thấy hiệu quả từ việc trợ giá, chứ không nói chung chung.
Người đứng đầu HĐND thành phố kiên quyết đề nghị cần phải tính toán lại, hoặc thậm chí là cắt trợ giá xe buýt, để xe buýt chạy bình thường xem có cải thiện được gì hay không.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường nói rằng việc thay đổi phương thức trợ giá xe buýt đã có nhưng chỉ chậm triển khai.
Ông Cường thông tin bắt đầu từ tháng 5/2017, TP sẽ bắt đầu áp dụng vé điện tử đối với các tuyến xe buýt có trợ giá. Theo ông Bùi Xuân Cường, đây là biện pháp đưa tiền trợ giá xe buýt đến trực tiếp với người đi xe, thay vì trợ giá theo chuyến cho đơn vị vận hành.
Nhiều xe buýt xuống cấp, thái độ nhân viên kém
Trong lúc ông Bùi Xuân Cường trả lời đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Giám đốc Sở GTVT đi thẳng vào vấn đề, giải thích tại sao hành khách giảm, chất lượng phục vụ giảm. Vì sao chưa chuyển biến được, vì sao chưa quảng cáo được?.
Ông Bùi Xuân Cường thông tin sản lượng 2016 giảm 1%. Đây là năm thứ ba liên tiếp giảm vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Giải thích về nguyên nhân tụt giảm hành khách, ông Cường nói: "Ba năm vừa qua sản lượng giảm vì có thời gian TP không đầu tư phương tiện mới do sợ ách tắc giao thông. Ngoài ra, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân chưa thực hiện được".
Trong năm 2016, Sở GTVT đã đổi mới hoạt động, thay gần 600 phương tiện xe buýt mới. Ảnh: Lê Quân.
|
Ông Cường lý giải thêm, TP những năm gần đây tăng 75% luồng ôtô và môtô. Giải pháp tăng phí đậu xe, thu phí vào khu trung tâm, hạn chế xe máy vẫn chưa thực hiện được.
Trong chương trình giảm ùn tắc, TP có đưa ra giải pháp phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, thực tế triển khai chưa phù hợp với điều kiện của thành phố. Vận tải hành khách công cộng, xe buýt phát triển cần phải kết nối với hệ thống xe điện mặt đất, đường sắt đô thị nhưng tất cả hệ thống 'xương sống' ấy đều chưa có.
Một lý do nữa khiến chất lượng xe buýt giảm chính là các bến bãi đưa vào vận hành hầu như chưa có mặt bằng trống, hệ thống đường chưa có làn riêng cho buýt.
Người đứng đầu ngành GTVT TP cũng thừa nhận hành khách đi buýt giảm cũng do một phần công tác quản lý điều hành yếu kém, xe chạy chưa đúng giờ, thái độ nhân viên chưa tốt và nhiều xe cũ, đã xuống cấp.
Năm 2016: TP.HCM thay gần 600 xe buýt
Ông Bùi Xuân Cường cho biết hiện TP.HCM có 142 tuyến đang khai thác, 107 tuyến đang trợ giá, 25 doanh nghiệp vận tải tham gia xe buýt. Năm 2016, TP tăng 6 tuyến so với 2015.
Trong năm 2016, Sở GTVT đã đổi mới hoạt động, thay gần 600 xe buýt mới, có cơ chế chính sách hỗ trợ, cơ chế trợ giá, hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp đầu tư phương tiện. Chính sách giao thông ưu tiên, quảng bá cho xe buýt nhằm tăng nguồn thu cho TP.