Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

‘Phong hậu’ - khi phụ nữ làm chủ cuộc chơi

"Phong hậu" đang nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ cốt truyện gây cấn, tình tiết bất ngờ và diễn xuất thuyết phục.

Genre: Tâm lý, Chính trị, Chính kịch, Tham nhũng

Director: Oh Jin Seok

Cast: Kim Hee Ae, Moon So Ri, Ryu Soo Young, Seo Yi Sook…

Rating: 7,5/10

Queenmaker (tựa Việt: Phong hậu) là một bộ phim truyền hình Hàn Quốc của Netflix, do Oh Jin Seok đạo diễn và Moon Ji Young viết kịch bản. Phong hậu đánh dấu sự trở lại của "vợ cả" drama Thế giới hôn nhân - Kim Hee Ae. Phim kéo dài 11 tập, mỗi tập hơn một giờ, kể về cuộc đấu tranh khốc liệt trên thương trường và chính trường.

Eunsung là tập đoàn gia đình hùng mạnh với sự kiểm soát gần như phách lối đối với hầu hết tổ chức thiết yếu của Hàn Quốc. Đứng đầu gia tộc là Son Young Sim, nữ chủ tịch luống tuổi nhưng mưu mô và nham hiểm.

Phong hậu theo chân Hwang Do Hee (Kim Hee Ae), một người phụ nữ thông minh, lạnh lùng, đã nhiều lần "vấy máu" để bảo vệ tập đoàn Eunsung. Cô quyết định "rửa tay gác kiếm" sau khi chứng kiến nhân viên dưới trướng của mình tự tử.

Do Hee chuyển từ làm tổng giám đốc cho nhóm kế hoạch chiến lược tại Eunsung sang tuyên chiến với họ. Cô quyết tâm thay đổi thế cục trong "ván cờ" xã hội do nam quyền thống trị và đấu tranh cho những người yếu thế.

Cốt truyện kịch tính và đề cao nữ quyền

Chủ đề về mất thăng bằng địa vị và quyền thống trị chốn công sở vốn không phải là đề tài mới. Hình ảnh một người phụ nữ điều khiển cuộc chiến giai cấp đã quen thuộc trong bối cảnh truyền hình Hàn Quốc mà đại diện gần nhất là The Glory, Eve, Mine. Các bộ phim như Itaewon Class, Parasite, Penthouse cũng đã nói một cách sinh động về sự phân chia giai cấp trong xã hội.

Phong hau anh 1

Phong hậu vươn lên ngôi vị đầu bảng Netflix Việt Nam.

Nhìn chung, Phong hậu không hoàn toàn khác với những tác phẩm tiền nhiệm trước đó. Song, điều đặc biệt là câu chuyện trong bộ phim được tái hiện thông qua lăng kính trực diện của "sân khấu" bầu cử. Những màn tranh đấu kịch tính được châm ngòi và thổi bùng bởi các nữ nhân thay vì nam nhân như thường thấy.

Phim theo đuổi công thức các cú twist liên tục đã thành công tạo lập nhịp phim cao trào, nhiều ngã rẽ. Từ đây, các lớp lang xung đột đã hình thành nên cuộc chiến thanh lọc thế giới của những con người sinh ra đã ngậm "thìa đất" thay vì "thìa vàng".

Với Queenmaker, nữ chính không còn mắc kẹt trong cuộc đấu thâm cung để bảo toàn sủng vị và đấu đá với lòng đố kỵ. Phim cũng từ chối hình tượng Mary Sue (nữ chính toàn diện) hay khuôn mẫu girlcrush, tomboy vốn rất phổ biến trong các bộ phim khai thác đề tài nữ quyền. Các nhân vật nữ trong phim đều thông minh, mạnh mẽ từ cả hai phía chính diện lẫn phản diện.

Đó là một Do Hee nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng lương tâm và tìm lại chính mình. Cô là “bị cáo” trên tòa án đạo đức của bản thân, quyết tâm tự "cải tạo" bằng việc tìm cách bảo vệ những nạn nhân của chủ nghĩa giai cấp và phân biệt giới tính.

Đó là nữ luật sư Oh Kyung Sook thân thiện. Bà mẹ bị cậu con trai ác cảm vì bao giờ cũng bận rộn với các công việc xã hội.

Hay nữ chủ tịch Eunsung giàu có cả về quyền lực lẫn lòng tham. Bà là "cầu nối" cho cuộc chiến trực diện của bộ đôi phong hậu Hwang Do Hee - Oh Kyung Sook và người con rể Baek Jae Min.

Điểm sáng của bộ phim là dù lấy phụ nữ làm trung tâm nhưng không đồng nghĩa với việc làm mờ phái nam. Phía nam giới trong Queenmaker vẫn có những người rất tài năng. Điển hình là chồng của Oh Kyung Sook - nhà thơ Kang Moon Bok luôn ủng hộ vợ và là hậu phương của cô trong cuộc tranh cử. Ngoài ra còn có Ma Joong Seok dù lo lắng cho Do Hee nhưng vẫn rất “tỉnh” trong việc nhìn nhận sai đúng.

Với việc tạo ra một mặt trận cân sức cân tài, chiến thắng của các nữ cường bởi vậy trở nên xứng đáng và hiển hách. Bộ phim cũng tránh rơi vào cái kết mang màu cổ tích. Những thông điệp được truyền tải trở nên có sức nặng và thấm thía hơn.

Phong hau anh 2

Do Hee - nhân vật nữ ấn tượng bởi sự lạnh lùng và sắc sảo.

Nhược điểm là diễn biến câu chuyện phát triển quá chậm, đôi khi dễ đoán sẽ khiến người xem nản lòng. Các vấn đề nổi cộm, mang tính thời sự như tham nhũng chính trị, bất công xã hội, ngoại tình, thao túng truyền thông,... chưa được tái hiện một cách thực tế và có phần sáo rỗng.

“Bữa tiệc” diễn xuất thuyết phục từ dàn sao nữ

Song song với việc thiết lập nền tảng xung đột phức tạp, bộ phim còn lồng ghép hệ thống nhân vật đặc sắc. Trong đó, các tầng lớp tâm lý được giải quyết một cách gọn gàng.

Kim Hee Ae được đánh giá cao nhờ màn hóa thân vào nhân vật nữ tham vọng với biểu cảm và dáng đi tự tin. Dù gương mặt "bà cả" đã có chút ít dấu vết thời gian nhưng không che lấp được lối diễn tự nhiên trong các phân cảnh cận mặt đầy cảm xúc.

Nữ diễn viên Moon So Ri cũng không hề lép vế khi thủ vai "tê giác công lý" Oh Kyung Sook. Tạo hình nhân vật chuyển đổi từ một người phụ nữ xuề xòa, phát ngôn bỗ bã thành một nữ ứng viên thị trưởng oai nghiêm đã đem tới màn diễn xuất bùng nổ.

Hwang Do Hee và Oh Kyung Sook sở hữu tính cách trái ngược nhau. Sau khi quyết định bắt tay để "đồng khởi nghĩa" cuộc chiến chính trường, cặp đôi oan gia đã tạo nên phản ứng hóa học thú vị trên màn ảnh. Một người là "hậu", một người "phong hậu" phối hợp ăn ý mỗi lần xuất hiện chung khung hình.

Ở tuyến phản diện, Ryu Soo Young đã tái hiện mọi khía cạnh của nhân vật bằng diễn xuất thuyết phục. Từ bản chất tàn nhẫn, tham lam đến mặt dễ tổn thương đều được anh điều chỉnh uyển chuyển theo kịch bản.

Phong hau anh 3

Sự kết hợp của bộ đôi "phong hậu" tạo nên bức tranh đẹp về nữ quyền.

Trở lại màn ảnh nhỏ sau Under the Queen's Umbrella (2022), nữ diễn viên U60 Seo Yi Sook tự thử thách mình với một vai diễn có phần gai góc. Cùng tạo hình mái tóc cắt ngắn, lối trang điểm đậm, đôi mắt nhấn nhá sắc sảo,… bà để lại ấn tượng trong lòng khán giả về một vị chủ tịch đầy uy quyền.

Theo NME, thời lượng dao động từ 62 đến 74 phút mỗi tập có thể khiến vài người sợ hãi. Các nhân vật phản diện được nhào nặn theo lối phản diện hoạt hình chỉ trong một nốt nhạc. Nhưng, sẽ dễ dàng để bỏ qua những sai sót nhỏ của bộ phim khi so sánh với màn trình diễn xuất sắc đồng đều và cốt truyện hấp dẫn.

Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.

Phim về Nữ hoàng Ai Cập nhận 'cà chua thối' kỷ lục

Tác phẩm "Queen Cleopatra" hứng gạch đá vì kịch bản tệ, nhận về điểm số thấp kỷ lục trên trang Rotten Tomatoes.

Arnold Schwarzenegger biết 'Kẻ hủy diệt' sẽ thất bại

Từng là thương hiệu đình đám một thời, "Terminator" dần đánh mất vị thế trên thị trường điện ảnh không ngừng đổi mới. Khán giả lo ngại về tương lai của loạt phim này.

Doanh thu phim Việt vượt 1.000 tỷ đồng trong năm 2023

Chưa đầy nửa năm, tổng doanh thu phòng vé phim Việt 2023 đã lên tới 1.000 tỷ đồng. Thành tích này nhờ sự đóng góp lớn của “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh".

Hoàng Vân

Bạn có thể quan tâm