Kể từ khi trailer chính thức được tung ra, bộ phim Queen Cleopatra (tạm dịch: Nữ hoàng Cleopatra) đã gây tranh cãi vì tạo hình nữ hoàng Ai Cập da màu. Mới đây, khi ra mắt trên Netflix, phim tiếp tục vướng phải hàng loạt chỉ trích từ chuyên gia và khán giả đại chúng.
Trên trang Rotten Tomatoes, Queen Cleopatra nhận về số điểm thấp kỷ lục 2% từ khán giả và 10% từ các nhà phê bình, xếp loại “cà chua thối”. Trên nhiều trang mạng xã hội và diễn đàn bàn luận phim, series mới bị ném đá dữ dội. Bên cạnh các phản hồi tiêu cực về kịch bản, nội dung phim cũng bị đánh giá là “thảm họa”, xa rời và bôi nhọ lịch sử nhân vật.
“Ê-kíp sản xuất đã phá hỏng câu chuyện. Đây hoàn toàn không thể được coi là một bộ phim tài liệu được”, một khán giả bình luận. Nhiều bình luận khác có nội dung tương tự, nhấn mạnh rằng tạo hình Nữ hoàng Cleopatra da đen là hành vi chiếm đoạt văn hóa. Trước đó, Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập, cơ quan chính phủ phụ trách di sản, cũng tuyên bố dự án này là “một sự xuyên tạc lịch sử Ai Cập”. Một luật sư cũng đệ đơn khiếu nại yêu cầu đóng cửa Netflix ở đất nước này.
Tranh cãi nảy lửa về tạo hình của Cleopatra trong phim. Ảnh: El Comercio. |
Nội dung Queen Cleopatra xoay quanh cuộc đời của vị nữ hoàng Ai Cập và những câu chuyện chưa kể về triều đại của bà. Ngoài ra, phim cũng khai thác mối quan hệ giữa Cleopatra với Julius Caesar và Mark Antony.
Trong phim, vai diễn Cleopatra được thể hiện bởi Adele-James, nữ diễn viên da màu. Song, theo Greekcitytimes, nữ hoàng Ai Cập là người da trắng, thuộc triều đại Ptolemaic và là hậu duệ của tướng Ptolemy I Soter, thuộc tộc người Macedonia. Bà sinh ra ở Ai Cập vào khoảng những năm 70 TCN, nhưng xuất thân là người Hy Lạp.
Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.