Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phong độ của Công Phượng mở ra lối đi mới cho HAGL

Phong độ đỉnh cao của Công Phượng trong màu áo CLB TP.HCM khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về việc bầu Đức có nên tiếp tục cho những Tuấn Anh, Xuân Trường rời HAGL.

Cong Phuong Tuan Anh anh 1

Ngày 1/10, HAGL sẽ tiếp đón đội khách TP.HCM tại vòng đấu quyết định lượt đi V.League 2020. Trong khi đồng đội vẫn ngụp lặn với cuộc đua trụ hạng, những Nguyễn Công Phượng, Lê Văn Sơn, Lê Đức Lương đều đang bay cao ở CLB TP.HCM. Thành tích của họ có thể mở ra một hướng phát triển mới cho HAGL.

Mục tiêu ban đầu không phải V.League

Học viện của bầu Đức là kết quả hợp tác ba bên giữa HAGL, Học viện JMG toàn cầu và sự hỗ trợ của CLB Arsenal. Mục tiêu ban đầu của Học viện HAGL là xuất khẩu cầu thủ ra nước ngoài, nhắm tới các thị trường Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và xa hơn là châu Âu.

Bởi mục tiêu ấy, giải đấu đầu tiên của lứa 1 HAGL JMG là Sanix Cup 2013, một giải giao hữu tại Nhật Bản với thành phần tham dự là nhiều đội bóng Nhật và châu Âu. Suốt từ đó trở đi, lứa cầu thủ này đã tham gia rất nhiều chuyến tập huấn, thi đấu tại châu Âu và Nhật Bản, vừa để phục vụ U19 Việt Nam, vừa để “chào hàng” với các đối tác. Bầu Đức đã đạt được một số thành tựu nhỏ như chuyến thử việc của 4 cầu thủ trẻ HAGL ở Arsenal hồi năm 2012 hay Nguyễn Tuấn Anh suýt được Olympiacos cho thử việc (trước khi dính chấn thương).

Tính toán ban đầu ấy đổ bể vào cuối năm 2014 sau thất bại của nhóm cầu thủ HAGL trong màu áo U19 Việt Nam tại giải châu Á. Khi đó, lứa cầu thủ này đã tốt nghiệp học viện nhưng chưa được CLB nào hỏi mua

Bầu Đức buộc phải chuyển hướng chiến lược, đưa những tài năng sáng giá nhất của lứa 1 và lứa 2 lên V.League. Đó là nguyên nhân dẫn tới cuộc thanh lọc lực lượng lớn nhất trong lịch sử V.League với hơn 20 cầu thủ kỳ cựu của đội một HAGL phải rời đi vào cuối năm 2014.

V.League chưa bao giờ là định hướng, là ưu tiên nhắm tới của bầu Đức và Học viện HAGL JMG.

Bởi thế, câu nói “đá cho vui” của bầu Đức xem ra cũng không sai, hợp lý với mục tiêu ban đầu của lò đào tạo. Thực tế cho thấy bầu Đức chưa từng từ bỏ ý định xuất khẩu cầu thủ.

Hơn nửa thập kỷ từ khi lứa 1, lứa 2 lên V.League, bầu Đức luôn cố gắng tìm đường xuất ngoại cho những tài năng trẻ sáng giá nhất. Cùng với Tuấn Anh, các cầu thủ như Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng đều đã nhiều lần ra nước ngoài, tìm kiếm cơ hội ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và châu Âu.

Mọi thứ chỉ tạm đình lại vào năm 2020 sau hàng loạt thất bại và do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khác với các CLB Việt Nam đào tạo cầu thủ cho đội một, khác với PVF đào tạo người phục vụ V.League và các đội tuyển, HAGL là trung tâm duy nhất lấy xuất khẩu cầu thủ làm định hướng nền tảng.

Cong Phuong Tuan Anh anh 2

Mục tiêu ban đầu của bầu Đức khi lập học viện HAGL không phải là V.League. Ảnh: Minh Chiến.

Không ra được nước ngoài thì nên là Việt Nam

Vấn đề nằm ở chỗ HAGL không thể xuất khẩu cầu thủ. Từ năm 2015 tới nay, “những đứa trẻ của bầu Đức” đã xuất ngoại gần chục lần nhưng thành tích đều không ấn tượng. Thất bại của chiến lược xuất khẩu cầu thủ cho thấy chất lượng đào tạo của HAGL không cao như kỳ vọng. Cộng thêm những sai lầm trong định hướng, thích ứng với điều kiện thực tế tại Việt Nam, các cầu thủ đều mất rất nhiều thời gian để thích ứng với V.League, chưa nói tới các giải đấu danh tiếng hơn.

Sau U23 châu Á 2018, giới chuyên môn đều đồng quan điểm cho rằng CLB Hà Nội mới là lò đào tạo có tiềm năng xuất khẩu cầu thủ lớn nhất dù mục tiêu ban đầu của họ chỉ là phục vụ đội một.

Trong khi vẫn loay hoay tìm đầu ra, đầu vào của HAGL vẫn liên tục phải nhận thêm người. Đội một HAGL sắp tiếp nhận đến lứa thứ 4 từ học viện. Với xấp xỉ 30 suất đá V.League, đội một HAGL không còn đủ chỗ cho những người mới.

Đấy là lý do khiến bầu Đức phải tăng cường cho mượn cầu thủ. Lê Phạm Thành Long từng kể với Zing rằng anh được khuyên rời HAGL vì đội một có quá nhiều người, cơ hội thi đấu sẽ rất hạn chế.

Bắt đầu từ năm 2014, khi lứa 1 HAGL và Năng khiếu tốt nghiệp, bầu Đức đã liên tục cho các đội hạng dưới mượn người. Hai năm qua, quá trình này được đẩy mạnh khi nhiều cầu thủ có tên tuổi bắt đầu lên đường như Trần Hữu Đông Triều, Lương Hoàng Nam, Lê Văn Sơn, Lê Đức Lương... Trương hợp mới nhất, nổi tiếng nhất rời HAGL theo dạng cho mượn là Công Phượng và điểm đến là CLB TP.HCM.

Khác với CLB Hà Nội, HAGL không có nhiều đội “chân rết” mạnh ở phía dưới. Khác với PVF, chiến lược của họ không phục vụ các CLB V.League. Khi nguồn đầu ra bị hạn chế, cho mượn là giải pháp tốt nhất mà họ có thể thực hiện.

Cong Phuong Tuan Anh anh 3

Ở Việt Nam hiện tại, lò đào tạo của bầu Hiển mới là nơi có nhiều tiềm năng xuất ngoại nhất. Ảnh: Minh Chiến.

Thực tế chứng minh đây là lựa chọn hợp lý. Bản thân cầu thủ HAGL ra ngoài đều đã chơi tốt hơn. Sau nhiều năm ngụp lặn ở các giải hạng dưới, Thành Long đã tỏa sáng tại V.League và được gọi lên Olympic Việt Nam. Đông Triều có vinh quang đầu tiên ở CLB Bình Dương còn Công Phượng khẳng định được mình tại đội TP.HCM.

Quan trọng hơn, sự ra đi của họ không khiến HAGL sụp đổ. Lực lượng còn lại của đội bóng này vẫn trụ vững, thậm chí chơi tốt tại V.League. Đó là tiền đề để bầu Đức có thể quyết liệt hơn với chính sách cho mượn.

Những gì đang có với Công Phượng tại TP.HCM là một bài học. Không còn những chuyến xuất ngoại thất bại, bỏ lại một HAGL chỉ đá cho vui, Phượng đã tìm thấy chính mình ở một đội bóng mới giàu tham vọng, có mục tiêu thật sự.

Giữa tập thể đầy ngôi sao của đội chủ sân Thống Nhất, Công Phượng vẫn vươn lên, lấy được vị trí và đang dần trở thành nhân vật quan trọng bậc nhất. Ảnh hưởng của anh không kém cạnh những ngôi sao hàng đầu còn phong độ đang tốt lên từng ngày. Công Phượng mùa 2020 là phiên bản hay nhất của anh ở cấp CLB trong sự nghiệp.

Trong 4 cầu thủ HAGL sang Arsenal hồi năm 2012, hai người đang thi đấu tại đội bóng khác theo dạng cho mượn. Và họ đều thành công.

Nếu bầu Đức vẫn xác định HAGL chỉ đá cho vui, ông có thể mở đường cho những Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Tuấn Anh. Họ đều không còn trẻ, thời gian để tiến bộ chẳng còn bao nhiêu.

Cong Phuong Tuan Anh anh 4
Highlights CLB TP.HCM 5-1 Nam Định: Công Phượng lập cú đúp Tối 26/9, thầy trò huấn luyện viên Chung Hae-seong giành chiến thắng 5-1 trước Nam Định, trong đó Công Phượng lập cú đúp.

HAGL cần gì thay huấn luyện viên khi đá cho vui

Quyết định của bầu Đức một lần nữa cho thấy những bất cập ở thượng tầng HAGL, CLB có lẽ đang “đá cho vui” đúng như lời ông từng nói.

Công Phượng sáng cửa giành Vua phá lưới

Cú đúp vào lưới CLB Nam Định ở vòng 12 giúp Nguyễn Công Phượng có 6 bàn từ đầu mùa, áp sát vị trí dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới V.League 2020.

Anh Đức buồn khi chưa thắng trận nào cùng HAGL

Sau 2 trận với HAGL, “lão tướng” Nguyễn Anh Đức vẫn chưa được hưởng niềm vui chiến thắng.

Amorim bi che hinh anh

Amorim bị chê

0

Cựu tiền vệ Michael Brown chỉ trích HLV Ruben Amorim sau khi Manchester United thua thảm 0-3 trước Bournemouth trên sân nhà Old Trafford ở vòng 17 Premier League tối 22/12.

Thanh Hà

Bạn có thể quan tâm