Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phòng điều tra thân thiện giúp vạch mặt 'yêu râu xanh'

Nhiều nạn nhân được đưa vào “phòng điều tra thân thiện” đã ổn định tâm lý, không còn hoảng sợ, kể lại câu chuyện bị xâm hại.

Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết 9 tháng đầu năm nay, toàn quốc phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 2.023 người, xâm hại 1.816 em, so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) giảm 191 vụ (10%). Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 1.501 vụ/1.660 bị can, riêng nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đạt tỷ lệ khởi tố 97,8%.

Lực lượng công an các cấp đã tiếp nhận, giải quyết 1.231 tin báo, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em, 100% tin báo, tố giác tội phạm được tiếp nhận, phân loại, giải quyết theo trình tự quy định, trong đó khởi tố theo tin báo tố giác tội phạm đạt tỷ lệ 96%, vượt chỉ tiêu được giao.

Trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, công an các đơn vị, địa phương luôn quán triệt nguyên tắc bảo vệ trẻ em và không làm tái tổn thương nạn nhân trong quá trình giải quyết vụ việc. Lãnh đạo Bộ giao Cục Cảnh sát hình sự chủ trì tập huấn cho lực lượng công an các cấp (chủ công là Cảnh sát hình sự) về công tác điều tra thân thiện, đồng thời cấp 1.400 chứng chỉ tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện cho các điều tra viên, cán bộ được giao tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm vụ việc xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, Bộ Công an đã bổ sung thêm 1.000 điều tra viên, đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều tra, kỹ năng làm việc thân thiện với nạn nhân trong trường hợp được phân công thụ lý các vụ án về xâm hại trẻ em.

yeu rau xanh anh 1

Mô hình Phòng điều tra thân thiện tại Công an tỉnh Hà Giang.

Đại tá Đoàn Thế Vinh, trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán người (Phòng 5) Cục Cảnh sát hình sự, cho biết việc sử dụng mô hình phòng điều tra thân thiện đã hỗ trợ nhiều công tác điều tra, lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại hoặc các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; các vụ việc phụ nữ, người dưới 18 tuổi bị bạo lực, bạo hành, nạn nhân khi cung cấp lời khai trong không gian ấm cúng, thân thiện, các trang thiết bị hiện đại đã giúp ổn định tâm lý, cởi mở, chia sẻ và mô tả lại vụ việc được chính xác hơn.

Đến nay, 33 mô hình phòng điều tra thân thiện được đặt tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân. Công an các địa phương: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Hà Giang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Long An, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Bình, Sơn La, Yên Bái, Thái Bình, TP.HCM, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Cao Bằng, Phú Yên, Tiền Giang, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Phòng điều tra thân thiện đặt tại Công an cấp tỉnh, thành phố với diện tích từ 12 m2 đến 20 m2, phù hợp, thuận tiện việc đi lại cho các đơn vị, không bố trí ở gần khu vực tiếp dân. Quá trình xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện có thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi giúp nạn nhân giảm bớt mặc cảm, lo sợ, nhất là nạn nhân dưới 16 tuổi trong các vụ xâm hại tình dục.

Trang thiết bị có camera (thiết bị phụ trợ), máy ghi hình, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính để bàn (để lưu giữ, quản lý các thông tin, tài liệu điện tử), đồng hồ treo tường, điều hòa nhiệt độ, ghế băng ngồi chờ, bộ mô hình (hình nộm cơ thể người con gái, con trai), tủ tài liệu, sách, truyện tranh, bộ dụng cụ y tế sơ cấp cứu ban đầu, cây xanh trang trí.

Đáng chú ý, có thể được kết nối truyền trực tiếp hình ảnh, âm thanh buổi lấy lời khai đến phòng trung tâm chỉ huy khi có yêu cầu của người giám hộ, nhân viên công tác xã hội, chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đây cũng là nơi lấy lời khai đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cung cấp theo nguyên tắc bảo vệ tốt nhất cho nạn nhân, người dưới 18 tuổi theo các yêu cầu pháp luật tố tụng với người dưới 18 tuổi được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cũng theo đại tá Đoàn Thế Vinh, các mô hình phòng điều tra thân thiện sau khi được xây dựng đã đạt hiệu quả cao, tích cực để các nạn nhân có không gian ổn định tâm lý, đặc biệt giúp cán bộ điều tra có thể nhìn thấy tường tận hành vi của đối tượng “yêu râu xanh” qua những lời thuật lại của các nạn nhân dù là nhỏ tuổi nhất.

Theo quy định, khi lấy lời khai, điều tra viên phải mặc trang phục ngành nhưng với các vụ án liên quan trẻ em, cán bộ điều tra có thể vận dụng linh hoạt để mặc thường phục, tạo cảm giác gần gũi. Bên cạnh đó, cán bộ điều tra được tập huấn kỹ năng điều tra thân thiện, có kiến thức khoa học giáo dục đối với trẻ em, thời gian lấy lời khai không quá 2 tiếng/lần và một ngày không quá 2 lần theo quy định.

Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu đã sử dụng phòng điều tra thân thiện lấy lời khai của cháu bé L.T.H.A. (8 tuổi) trong vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra tại xã Nậm Sò, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vào cuối năm 2020 làm điểm phục vụ công tác hướng dẫn kỹ năng điều tra thân thiện.

Khi được bố đưa vào phòng điều tra thân thiện, cháu L.T.H.A. vẫn ngồi im không nói khiến cán bộ điều tra khó tiếp cận để cháu A. mở lòng thuật lại hành vi xâm hại tình dục của Păn. Lúc này, điều tra viên gợi ý trong phòng có nhà bóng, lập tức cháu A. chạy vào chơi… Chờ đợi 30 phút cháu A. chơi bóng xong, thấy tâm lý cháu đã thoải mái dễ gần, cán bộ điều tra đã đến nói chuyện như người bạn kể lại vụ việc.

Có đoạn cháu A. không nhớ, biểu hiện hoảng loạn, lập tức điều tra viên dừng câu chuyện, rồi cầm quyển truyện giở những trang có nhiều hình ảnh đưa cho nạn nhân. Cô bé thấy lạ cầm đọc, cán bộ điều tra lại tiếp tục kiên nhẫn chờ, không gợi ý, không vội vàng, còn bố cháu A. cũng ngồi ghế băng cách đấy 2 m theo dõi con gái. Có lúc điều tra viên đưa bánh, kẹo, nước uống cho bé để để giúp nạn nhân bớt căng thẳng, lo sợ, rút ngắn khoảng cách như người một nhà trong căn phòng điều tra thân thiện.

Khoảng 2 tiếng sau việc lấy lời khai giữa điều tra viên và cháu A. sẽ dừng, các anh sẽ về nghe lại đoạn ghi âm câu chuyện để rút kinh nghiệm, tránh lặp lại câu hỏi cho lần lấy lời khai tiếp theo với nạn nhân. Cũng có thể trong nhiều trường hợp, nạn nhân không nhớ hoặc khó mở lời, điều tra viên sẽ sử dụng hình nộm búp bê để nạn nhân tự minh họa trên đấy.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Đánh chết mẹ vì bị la mắng, con trai đối diện mức án nào

Theo luật sư, hành vi đánh chết mẹ ruột là hành vi nghiêm trọng, mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình.

https://cand.com.vn/phap-luat/phong-dieu-tra-than-thien-giup-vach-mat-yeu-rau-xanh-i675084/

Mai Hiên - Ngọc Tú/Công An Nhân Dân

Bạn có thể quan tâm