Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Phong cách Đinh La Thăng': Từ Tư lệnh đến Chính ủy

Sau nửa tháng nhận nhiệm vụ, tân Bí thư Thành ủy TP HCM đã đưa những "dấu ấn" mang thương hiệu "phong cách Đinh La Thăng" đến TP HCM.

.

Từ khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, mà báo chí thường gọi là Tư lệnh ngành, cái tên Đinh La Thăng đã được dư luận ghi nhận với nhiều dấu ấn.

"Dấu ấn Đinh La Thăng" thời ở Bộ GTVT thể hiện ở các quyết định “trảm tướng" giữa trận tiền. Ông không chỉ “trảm” chủ đầu tư chậm tiến độ, mà còn thẳng tay với cả các nhà thầu làm ăn gian dối. Phong cách làm việc của ông là năng đi kiểm tra tại hiện trường, giải quyết ngay những vướng mắc, quyết liệt, năng động và nhiều khi không do dự "trảm tướng" ngay tại trận.

Ông cũng có lần phát biểu trước Quốc hội: Bộ trưởng như Tư lệnh nên xin phép được toàn quyền quyết định. Dư luận khen đồng tình có, chưa hài lòng cũng có.

Bí thư Đinh La Thăng thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em (Củ Chi). Ảnh: Hải An.

Tư lệnh qua làm chính ủy được không?

Từ 5/2/2016, ông Thăng được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Vai trò của ông đã khác đi: ông là người lãnh đạo chứ không phải là người quản lý điều hành, là chính ủy chứ không phải tư lệnh.

Lãnh đạo và quản lý điều hành (hay còn gọi là quản trị) là hai vị trí hành xử với công việc khác nhau nhưng có cái na ná nhau là người đứng đầu một tổ chức. Điều này đôi khi dễ gây nhầm lẫn, ngay cả với người trong cuộc. 

Trước hết, lãnh đạo là dẫn đường chỉ lối, hoạch định kế hoạch, vạch ra phương hướng để hướng các thành viên trong tổ chức đi theo tầm nhìn chú trọng đến đạt được mục tiêu. Lãnh đạo truyền cảm hứng và phát triển những người khác, thách thức hiện trạng và có tầm nhìn xa. Còn quản lý điều hành thì quản lý công việc, kiểm soát điều khiển các nguồn lực gắn liền với những hoạt động cụ thể để thực hiện kế hoạch.

Có thể phong cách quyết liệt, sâu sát - thương hiệu của ông Thăng lâu nay góp phần truyền cảm hứng và như một sự đồng điệu, được cộng hưởng với lớp lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết được đào tạo, tôi luyện ở TP. 

Cũng có những tâm tư lo cho ông Thăng chưa quen với vị trí lãnh đạo vì quá quen công việc quản lý điều hành sẽ nhầm lẫn mà lấn sân.

Thực tế, nửa tháng nhận nhiệm vụ lãnh đạo, ông Thăng cũng đã có những "dấu ấn" mang phong cách Đinh La Thăng" nhưng ở tầm khác. 

Ông vẫn giữ phong cách năng "vi hành" sâu sát. Ở Củ Chi ông đi thăm và yêu cầu lo cho gia đình có công cách mạng, nghe dân nuôi bò không bán được sữa, ông liền kiểm tra xem lãnh đạo huyện có biết nguyên nhân hay không. Làm việc với ban giám đốc Công an TP chiều 17/2, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu phải nhanh hơn nữa trong xử lý ùn tắc, tháo gỡ dần các điểm nóng về giao thông, lắp camera toàn thành phố... Ông nói luôn “làm được cho dân thì làm ngay đừng chờ đợi chỉ đạo”.

Khi nhận tin nhắn của người dân phản ảnh hai tuyến đường Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm mất trật tự giao thông bởi các doanh nghiệp vận tải đón rước hành khách trên đường phố, ông chuyển tin nhắn từ điện thoại của mình cho Giám đốc Sở GT-VT. Sở cho khảo sát liền, ngày 17/2 Sở này đã gắn biển giao thông cấm dừng đậu xe chở khách từ 9 chỗ ngồi trở lên thay biển báo cấm đậu xe ngày chẵn lẻ...

Như vậy, vẫn phong cách sâu sát, quyết liệt vốn có, nhưng ông Thăng chỉ dừng lại ở "ngưỡng" lằn ranh chỉ đạo.  

Có thể phong cách quyết liệt, sâu sát - thương hiệu của ông lâu nay góp phần truyền cảm hứng và như một sự đồng điệu, được cộng hưởng với lớp lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết được đào tạo, tôi luyện ở TP. 

Sự quyết liệt, trách nhiệm đó cũng tìm thấy ở tác phong làm việc của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Khi nói chuyện với lãnh đạo các sở, ban ngành, doanh nghiệp ngày 18/2, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đưa ra yêu cầu cụ thể: “Đã dám ở chức vụ đó thì phải thấy được trách nhiệm, còn nếu không đảm đương được thì xin thôi, xin nghỉ”. 

Tại buổi tổng kết hoạt động ngành Y tế TP HCM ngày 19/2, bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng quyết liệt: “Tôi mong giám đốc các cơ sở y tế hãy gọi điện cho tôi để báo cáo thành tích và chia sẻ khó khăn chứ đừng mời tôi đi uống cà phê, ăn sáng”.

Năng "vi hành" đâu cứ phải để đánh bóng tên tuổi

Từ khi ông Thăng còn ở Bộ GT-VT, có ý kiến nói lãnh đạo không nhất thiết đi "vi hành". Những chuyến “vi hành” của những người đứng đầu  liệu có là biện pháp đánh bóng tên tuổi, vị thế chính trị?

Thiết nghĩ, căn bệnh quan liêu xa rời dân là căn bệnh đồng hành với mọi chính quyền và một bộ phận không ít lãnh đạo. Năng “vi hành” thực ra là một biện pháp hữu hiệu để sát với công việc, sát dân, công chức, người lao động, hiểu được những bức xúc của họ, như kênh thông tin để nắm bắt những tâm tư nguyện vọng, những bức xúc của xã hội.

"Vi hành" chính là gửi đi thông điệp cho cấp  dưới về sự giám sát thường xuyên của cấp trên, điều chúng ta đang thiếu khi thường ỷ lại vào những cái gọi là quy trình mang tính hình thức.

Không "vi hành" thì xa dân, không hiểu dân, chỉ lý thuyết suông. "Vi hành" không cần báo trước, không cần tiền hô hậu ủng mới thấy được cuộc sống muôn màu của người dân, của công việc, sắc màu sáng tối, những góc khuất. Lãnh đạo phải như thế mới thực sự là lãnh đạo đúng nghĩa, tránh được chuyện bị nghe cán bộ các cấp báo cáo láo, báo cáo sai, làm láo báo cao hay.

Phải xem "vi hành" là nhằm giúp thẩm định tính xác thực các thông tin thu nhận được mà chưa rõ ràng, còn hồ nghi. "Vi hành" chính là gửi đi thông điệp cho cấp  dưới về sự giám sát thường xuyên của cấp trên, điều chúng ta đang thiếu khi thường ỷ lại vào những cái gọi là quy trình mang tính hình thức.

Tân Bí thư Đinh La Thăng cùng ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày đầu nhậm chức. Ảnh: Hải An.

Vì sao có dư luận trái chiều

Ngay cả việc "trảm" tướng tại trận của ông Thăng khi làm Bộ trưởng cũng có những dư luận trái chiều.

Tại Điều 34, khoản 9 Luật tổ chức Chính phủ giao quyền cho Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc. Song theo ông Thăng: "Muốn cách chức một ông quân mình làm bừa, làm ẩu cũng không cách chức được".

"Bảo cách chức ngay thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bảo là sai, phải kiểm điểm từ dưới lên rồi Bộ thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét thì mới xử lý kỷ luật được hay không thì bộ trưởng mới ký quyết định", ông Thăng từng nói.

"Quy trình" này xem ra không còn phù hợp với tình hình điều hành nền kinh tế hội nhập hiện nay vốn đòi hỏi sự ứng phó nhanh, đúng lúc và quyết đoán trước những diễn biến phức tạp thường xuyên của những vấn đề phát sinh trong thực tế.

Rõ ràng nền công vụ nước nhà chưa quen với việc cách chức kể cả từ chức. Đó là hệ lụy của một nền công vụ khó quy trách nhiệm. Bộ máy hành chính nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung chồng chéo, đối lập về thẩm quyền với mối quan hệ phức tạp, ngang dọc chưa có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng.

Thấy đường vào nhà mẹ Việt Nam anh hùng xuống cấp, ông Thăng chỉ đạo Chủ tịch xã Tân Thông Hội, Củ Chi làm đường bê tông. Ảnh: 

Hải An.

Còn nhớ, trong diễn văn từ nhiệm trước Quốc hội khoá XI phiên họp thứ 9, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhắc lại câu nói khá nổi tiếng, rất thật nhưng chua chát của một vị Chủ tịch tỉnh: “Mình vừa có ý định thay nó (Giám đốc Sở) thì nó đã vận động thay mình”. Ông Khải nói thêm, “công tác cán bộ nhiều khi vượt khỏi tầm tay Thủ tướng”.

Áp dụng phong cách Đinh La Thăng vào TP HCM sẽ còn lắm khó khăn. Nhưng tin rằng những kỳ vọng, gửi gắm của người dân sẽ là động lực cụ thể nhất cho các nhà lãnh đạo và quản lý điều hành TP.

Người dân sẽ còn tiếp tục dõi theo, kỳ vọng nhiều hơn nữa sự cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả ở những người lãnh đạo và người quản lý điều hành của mình.



Diệp Văn Sơn

Clip: Trương Khởi

Bạn có thể quan tâm