Theo cây viết David Greenberg của tờ New York Times, không có ai gắn bó chặt chẽ với sự vươn mình của New York trong thế kỉ 21 hơn Michael Bloomberg.
Không chỉ là một tỷ phú với số tài sản kếch xù (giá trị hiện tại là 56 tỷ USD), Bloomberg cũng là một nhà kỹ trị tài ba và thay đổi New York rất nhiều trong 12 năm ông làm thị trưởng. Tỉ lệ tội phạm giảm mạnh, các trường học được cải thiện, căng thẳng về chủng tộc hòa dịu hơn, nghệ thuật được phát triển mạnh mẽ, du lịch tăng trưởng cao và ngân sách thành phố được rủng rỉnh. Mặc dù có một số vấn đề mang tính cá nhân (như sự bảo thủ và hay cáu kỉnh), những sai lầm về chính sách (như dự án Sân vận động West Side) thì Bloomberg vẫn là một nhà lãnh đạo xuất sắc được nhiều người công nhận.
Tuy nhiên, Bloomberg dường như thuộc về một thời kì đã qua. Kể từ khi ông rời nhiệm sở năm 2014, người Mỹ dường như đã quên mất lý do tại sao ông trở thành một nhân vật có tầm quan trọng trong lịch sử.
Nhắc đến Bloomberg, không nhiều người nghĩ tới vai trò thị trưởng New York ông từng đảm nhận trong 12 năm. Ảnh: New York Times. |
Và như một hồi chuông cảnh tỉnh, cuốn The many lives of Michael Bloomberg của nhà báo chính trị kỳ cựu Eleanor Randolph đã được ra mắt vào ngày 10/9. Cuốn sách này mang độc giả tới với hành trình li kì của Bloomberg: Từ sự “trỗi dậy” ở phố Wall, một doanh nhân tiên phong về công nghệ, ông trùm của giới truyền thông và cả vai trò thị trưởng đầy quyền uy.
Nổi bật và hấp dẫn, cuốn sách này mang dáng dấp của phong cách báo chí hơn là tiểu thuyết. Tác giả Randolph đã phân tích về các chính sách bao trùm của Bloomberg để từ đó, tạo dựng sự hồi hộp và mong muốn khám phá nhân vật của độc giả. Cuốn sách cũng có một chương về “Những người phụ nữ nhà Bloomberg”, trong đó nhắc tới hai cô con gái của ông, Emma và Georgina, với người vợ chung sống 14 năm Susan Brown.Tác giả cũng giới thiệu cho độc giả Diana Taylor, một giám đốc tài chính mà ông từng hẹn hò trong phần lớn thời gian làm thị trưởng.
Michael Bloomberg và con gái Georgina Bloomberg (bên phải). Ảnh: New York Times. |
Chính trị là nét chấm phá của Bloomberg
Về thành công chính trị của Bloomberg, chi tiết đáng chú ý nhất có thể là sự bất ngờ. Cho đến năm 59 tuổi, Bloomberg không thể hiện bất kì mong muốn nào muốn làm chính trị dù từ lâu đã được công nhận là một người rất nhạy bén trong kinh doanh.
Vào những năm 1970, trước khi máy tính để bàn có mặt khắp nơi, một đồng nghiệp đã nói với Bloomberg rằng một thiết bị lưu trữ dữ liệu cá nhân được cập nhật thông tin thị trường từng phút sẽ giúp anh ta có lợi thế cạnh tranh trong giao dịch. Bloomberg sau đó đã tìm được người làm ra được một thiết bị như vậy. Nó hoạt động tốt, được tiêu thụ tốt và sau đó mang về cho Bloomberg hàng tỷ USD. Khi mẫu thiết bị này trở thành một công cụ thiết yếu trong giới tài chính, ông bất ngờ chuyển sang kinh doanh tin tức, mở rộng ảnh hưởng và tăng cường tên tuổi của mình.
Sau những thành công như vậy, Bloomberg muốn trải nghiệm nhiều thách thức mới. Ông đã ứng cử chức thị trưởng New York vào năm 2001. Mặc dù gia nhập đảng Cộng hòa để gia tăng hi vọng thắng cử, Bloomberg vẫn tự tách biệt mình với các chính trị gia đương nhiệm. Phát biểu trong một cuộc họp báo với thống đốc đảng Cộng hòa George Pataki, Bloomberg nhấn mạnh: “Tôi là một người tự do”.
Việc ông thắng cử cũng đầy bất ngờ giống như chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua tổng thống năm 2016, khi các cử tri cũng bất chấp các cuộc thăm dò trước bầu cử để chọn một doanh nhân tỷ phú không có kinh nghiệm chính trị. Dù vậy, Bloomberg không hề giống Tổng thống Trump. Trong khi ông Trump cho rằng một người giàu có phải làm việc rất hối hả, liên tục thực hiện các giao dịch, thì Bloomberg nhận định rằng việc trở nên giàu có đã giúp ông không phải quan tâm tới các giao dịch nhỏ nhặt. Dấu ấn của ông trong chính trường là một cách tiếp cận thực tế, với mục tiêu cốt lõi là giải quyết được vấn đề chính.
Cuốn sách sẽ giúp đọc giả hiểu thêm về một trong những con người tài năng của nước Mỹ. Ảnh: Amazon. |
Giống những nhà chính trị cấp tiến, như Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, Bloomberg không đặt nặng lập trường đảng phái, mà ông ưu tiên cho những chuyên gia và những người có tài năng thật sự. Đội ngũ hỗ trợ ông là các học giả và các nhà kỹ trị có nhiều màu sắc chính trị khác nhau, từ người phụ trách mảng giao thông vận tải Janette Sadik-Khan đến người chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng Thomas Frieden. Dù Bloomberg bị cuốn vào xu hướng thành lập các trường bán công vào đầu thế kỷ 21 thì tác giả Randolph vẫn nhấn mạnh vào việc vị thống đốc này đã giảm bớt sự quan liêu, mở rộng sự lựa chọn trường học và tăng lương cho giáo viên để thu hút những nguồn lực chất lực cao. Tỷ lệ tội phạm giảm cũng góp phần thuyết phục các gia đình ở lại thành phố và cho con cái họ theo học ở các trường công lập.
Thành tựu của Bloomberg liệu có vượt qua được những thiếu sót?
Tác giả Randolph cũng không ngại ngần thảo luận về những thất bại trong thời kì làm thị trưởng của Bloomberg, đáng chú ý là sự đổ vỡ của dự án sân vận động West Side. Kế hoạch này được cho là một sai lầm, hướng đến xây dựng một đấu trường thể thao khổng lồ với chi phí đắt đỏ mà theo đó sẽ phá vỡ nhịp sống ở phía Tây Manhattan. Dư luận chỉ được xoa dịu sau khi dự án này không được thông qua.
Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi là chính sách gia tăng các điểm dừng trên đường phố. Bloomberg đã cho phép thực hiện chính sách này với kì vọng giúp cảnh sát hoạt động hiệu quả và giảm được tỉ lệ tội phạm. Số điểm dừng này đã tăng từ 97.296 điểm dừng vào năm 2002 lên 685.724 năm 2011. Dù tỉ lệ tội phạm có giảm nhưng cũng đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của một số cộng đồng nhỏ tại New York. Và vào năm 2013, một thẩm phán tòa án quận đã phát hiện ra việc áp dụng chính sách này là vi hiến.
Tổng kết lại, cây viết David Greenberg cho rằng, phong cách quản trị dựa trên dữ liệu, thông số và căn cứ thực tế của Bloomberg có thể đã không còn được ưa chuộng. Cả hai chính đảng lớn của Mỹ, ở các mức độ khác nhau, đều bấu víu vào nền tảng chính trị đạo đức cứng nhắc. Dù không thắng cử tiếp nhiệm kì thị trưởng thứ 3 nhưng có thể thấy rằng, phong cách quản trị bình dị, hiệu quả cao, đầy tính kĩ thuật, dù còn một số thiếu sót, đã giúp New York đi lên trong 12 năm dưới thời Bloomberg.