Ngày 3/9/1929, giá bình quân thị trường đạt đến ngưỡng cao nhất mà đến tận 25 năm sau vẫn không thể vượt qua được. “Thời kỳ hưng thịnh tưởng như kéo dài vô tận” nhanh chóng bị phá vỡ; hoạt động kinh doanh thông thường đã chững lại từ nhiều tháng trước. Giá trôi nổi trong ngày tiếp theo, và vào ngày 5/9, thị trường hứng chịu một đợt sụt giá đột ngột được gọi là sự kiện “Babson Break” (Vụ sụp đổ Babson).
Sở dĩ sự kiện này được đặt tên như vậy là để tưởng nhớ Roger Babson, chuyên gia tư vấn tài chính đến từ Wellesley, Massachusetts. Bữa trưa ngày hôm đó, ông đưa ra lời cảnh báo: “Tôi xin nhắc lại những gì tôi đã nói vào thời điểm này năm ngoái và cả năm kia, sớm hay muộn thị trường cũng sẽ sụp đổ.” Các chuyên gia Phố Wall đã đón nhận lời cảnh báo mới của ngài Wellesley thông thái với thái độ nhạo báng thường thấy.
Như Babson ám chỉ trong lời nhận xét của mình, ông đã dự đoán về hiện tượng thị trường sụp đổ từ nhiều năm, song lúc đó nó vẫn chưa được chứng minh là đúng. Thế nhưng, khoảng 2 giờ chiều, khi lời nhận xét của Babson được trích dẫn trên băng tin “mạnh” (băng ghi tin tức tài chính Dow Jones), thị trường bắt đầu lao xuống dốc.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Trong giờ giao dịch điên cuồng cuối cùng, 2 triệu cổ phần đã đổi ngôi - American Telephone & Telegraph giảm 6 điểm, Westinghouse giảm 7 điểm và U.S Steel sụt 9 điểm. Đó là một kịch bản đã được dự đoán và sau sự kiện “Babson Break”, khả năng thị trường sụp đổ - điều mà một tháng trước đó người ta không hề nghĩ đến - nay bỗng trở thành chủ đề bàn luận chính.
Niềm tin bị nao núng. Trong tháng 9, số ngày xấu nhiều hơn ngày tốt. Đôi khi thị trường sụt giá đột ngột. Các chủ ngân hàng và quan chức chính phủ cam đoan chẳng có nguyên nhân gì đáng lo ngại. Giáo sư Irving Fisher thuộc Đại học Yale, một trong những người khởi xướng lý thuyết giá trị nội tại, đã đưa ra một ý kiến mà nhanh chóng trở thành kinh điển, đó là cổ phiếu đã đạt đến một ngưỡng trông giống như “trạng thái bình ổn vĩnh viễn”.
Thứ Hai ngày 21/10, đây chính là thời điểm được định đoạt sẵn đối với vụ sụp đổ thị trường chứng khoán kinh điển. Giá cổ phiếu giảm liên tục lại càng phải kêu gọi nhiều tài sản thế chấp hơn nữa từ phía các khách hàng ký quỹ. Không thể hoặc không muốn đáp lại những lời kêu gọi, các khách hàng ký quỹ buộc phải bán cổ phần mà họ đang nắm giữ. Điều này khiến giá càng bị đẩy xuống thấp nữa, kéo theo càng nhiều lời kêu gọi ký quỹ và kết quả là tạo nên một làn sóng tự duy trì việc bán cổ phần.
Ngày 21/10, số lượng bán ra đã tăng vọt lên hơn 6 triệu cổ phần. Băng điện báo không bắt kịp thông tin, trong khi hàng chục nghìn người hoang mang theo dõi băng điện báo từ các văn phòng môi giới trên khắp cả nước. Gần một tiếng 40 phút trôi qua sau khi trị trường đóng cửa trước phiên giao dịch cuối cùng thực tế đã được ghi lại trên băng điện báo.
Fisher kiên quyết phủ nhận việc thị trường trượt giá giống như “sự giũ bỏ của những kẻ quá khích cố gắng đầu cơ chứng khoán”. Ông vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng giá cổ phiếu trong cơn sốt bùng nổ vẫn chưa đạt đến giá trị thực của nó và sẽ còn tăng cao nữa. Bên cạnh các yếu tố khác, vị giáo sư này tin rằng thị trường vẫn chưa phản ánh được tác động tích cực của luật cấm nấu và bán rượu vốn giúp công nhân Mỹ “làm việc năng suất hơn và đảm bảo hơn”.
Ngày 24/10, sau này được gọi là “ngày thứ Năm đen tối”, thị trường đạt gần 13 triệu cổ phiếu. Đôi lúc giá tụt xuống mức 5 đô-la và 10 đô-la trong mỗi phiên giao dịch. Nhiều lượng cổ phiếu mới phát hành bị giảm 40-50 điểm chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Trong ngày tiếp theo, Herbert Hoover1 đưa ra một nhận định nổi tiếng: “Hoạt động kinh doanh cơ bản của đất nước... dựa trên nền tảng vững mạnh và thịnh vượng.”
Bình luận