"Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 và cuộc bầu cử tháng 11 tới đã đẩy lo ngại về một cú sụp đổ của thị trường lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm", giáo sư Robert J. Shiller tại Đại học Yale viết trên New York Times.
Cùng với đó, theo giáo sư Shiller, cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá rất cao. Điều này không có nghĩa là sự sụp đổ sẽ diễn ra. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra là rất lớn.
Vị giáo sư tại Đại học Yale đưa ra kết luận này dựa trên nghiên cứu đã được thực hiện trong nhiều năm, bao gồm những phát hiện từ các chỉ số niềm tin của thị trường chứng khoán.
Những chỉ số đó được rút ra từ các cuộc khảo sát lấy mẫu ngẫu nhiên, bao gồm nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức có thu nhập cao tại Mỹ. Cuộc khảo sát được Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Trường Quản lý Yale thực hiện hàng tháng.
Lo ngại của giới đầu tư về một cú sụp đổ của thị trường bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm. Ảnh: New York Times. |
Niềm tin sụp đổ
Hãy xem chúng ta có gì từ việc quan sát các chỉ số niềm tin. Việc đo lường cảm tính về sự an toàn của thị trường chứng khoán dựa trên một câu hỏi. Đó là: "Bạn nghĩ xác suất xảy ra vụ sụp đổ thị trường chứng khoán ở Mỹ, như ngày 28/10/1929 hay 19/10/1987, là bao nhiêu trong vòng sáu tháng tới?".
Chỉ số này sẽ được tính dựa trên trung bình tỷ lệ phần trăm số người cho rằng xác suất xảy ra vụ sụp đổ là dưới 10%. Vào tháng 8, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tin tưởng vào thị trường đạt mức thấp kỷ lục, 13%. Kết quả của cuộc khảo sát gần đây nhất hồi tháng 9 vẫn rất thấp, 15%.
Các nhà đầu tư tổ chức lạc quan hơn một chút với tỷ lệ 24% trong tháng 9. Nhìn chung, phần lớn nhà đầu tư cho rằng khả năng xảy ra vụ sụp đổ cao hơn 10%.
Phần lớn nhà đầu tư tin rằng xác suất xảy ra vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán cao hơn 10%. Ảnh: Reuters. |
Giáo sư Shiller còn nghiên cứu dựa trên một chỉ số khác. Đó là chỉ số niềm tin định giá, cũng gần mức thấp kỷ lục vào năm 2020. Chỉ số dựa trên câu hỏi: "Giá cổ phiếu ở Mỹ so với các thước đo về giá trị cơ bản thực hoặc giá trị đầu tư hợp lý là: 1. Quá thấp, 2. Quá cao, 3. Hợp lý, 4. Không biết?".
Theo cuộc khảo sát mới nhất vào tháng 9/2020, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân cho rằng thị trường không bị định giá quá cao chỉ 38%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 77% khi thị trường chứng khoán chạm đáy hồi tháng 3/2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Đối với các nhà đầu tư tổ chức, tỷ lệ này là 46%, so với 82% vào tháng 3/2009.
Bóng đen quá khứ
Bất chấp các tín hiệu khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn giao dịch gần mức cao kỷ lục, kéo định giá cổ phiếu lên cao. Điều này trái ngược với tình hình hồi tháng 3/2009. "Tình hình hiện nay cho thấy một điều. Đó là niềm tin của nhà đầu tư thấp nhưng định giá cổ phiếu thực tế lại cao", giáo sư tại Đại học Yale nhận định.
Theo ông, những dấu hiệu tương đồng khiến nhiều nhà đầu tư nhớ lại các sự kiện từng xảy ra trong quá khứ. Câu hỏi đặt ra là liệu những vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán trước đây có tạo ra tâm lý e ngại rủi ro của giới đầu tư hay không.
Dịch Covid-19, hỗn loạn hoặc bạo lực liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 hay bất cứ sự kiện nào khác cũng có thể làm rung chuyển thị trường. Ngược lại, niềm tin về sự ổn định chính trị và kinh tế sẽ có tác dụng xoa dịu. "Chúng ta đang đứng ở ngã ba đường", giáo sư Robert J. Shiller viết trên New York Times.
Các vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán trong quá khứ làm gia tăng mối lo ngại của giới đầu tư. Ảnh: Reuters. |
"Quyết định đầu tư vào thị trường chứng khoán đối với một số người là mạo hiểm. Nhưng nhiều nhà đầu tư làm vì sở thích, một vài người khác lại thích sự cạnh tranh. Do đó, thị trường có thể dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong tâm lý số đông", ông Shiller viết.
"Không ai biết trước tương lai. Nhưng với việc thiếu hụt niềm tin, đại dịch và bất ổn chính trị hiện tại, 'lời tiên tri' đầy tiêu cực này có thể trở thành sự thật", ông nhấn mạnh.
Vì vậy, theo giáo sư, giới đầu tư cần làm tốt việc đa dạng hóa đầu tư các loại tài sản, bao gồm trái phiếu kho bạc, và không quá mạo hiểm với thị trường chứng khoán hiện tại.