Cuộc trao đổi nhằm làm rõ những nội dung liên quan đến văn bản giải trình với báo chí về các sai phạm của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong kết luận thanh tra, cũng như dư luận việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã loại bỏ gần 6.500 tỷ đồng được cho là vi phạm của EVN trong dự thảo báo cáo Thủ tướng trước khi công bố.
Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh. |
- Về phần kết luận trong kết luận thanh tra, tại đó chúng tôi nêu “công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền 121.790 tỷ, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ EVN chỉ có 76.742 tỷ, vượt vốn điều lệ số tiền 45.048 tỷ là chưa thực hiện đúng quy định”... Như vậy có nghĩa kết luận thanh tra không nêu việc EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 121.790 tỷ là không đúng quy định, mà chỉ đề cập việc đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ 45.048 tỷ là không đúng quy định. Về chi tiết văn bản của EVN, chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ có trả lời chi tiết sau.
Đầu tư ra ngoài chưa hiệu quả
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, EVN đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997 tỉ đồng, vượt tỉ lệ quy định là chưa đúng với quyết định số 854/QĐ-TTg và thông tư số 117/2010 của Bộ Tài chính. Việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của EVN chưa hiệu quả.
- Văn bản giải thích của EVN cũng cho rằng, việc xây dựng biệt thự, sân tennis... là cần thiết. Trong khi kết luận của TTCP khẳng định không đúng quy định do các khoản đầu tư này EVN đều tính vào giá thành nhà máy, từ đó làm tăng giá bán điện?
- Tôi chưa được đọc văn bản giải thích của EVN với các cơ quan báo chí. Nhưng các kết luận thanh tra được làm kỹ lưỡng, rất tỉ mỉ có lắng nghe từ thực tiễn. Như việc xây nhà, xây biệt thự, nếu nói họ xây rồi tính hết vào giá điện thì chắc chắn chưa đầy đủ. Còn sai đúng thế nào tôi sẽ có ý kiến chính thức sau khi nghiên cứu văn bản của EVN.
Nhưng tôi cho rằng, ý kiến ngược nhau là hơi khó. Chỉ có cái họ giải thích rõ hơn việc làm của họ, có thể chưa đúng quy định, nhưng do cái gì, để mọi người hiểu, chia sẻ. Chứ nói là đúng thì không phải. Thật ra nhìn hai mặt, chúng tôi cũng biết EVN có đóng góp trong cả chặng đường dài. Còn việc sai, khuyết thì phải chỉ rõ để họ chấn chỉnh. Đó là công bằng.
- Theo chúng tôi được biết, cuối năm 2012, Phó tổng TTCP Nguyễn Văn Sản đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về dự thảo kết luận thanh tra tại EVN, và Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý với dự thảo này. Tuy nhiên, khi ban hành kết luận, nhiều nội dung tại dự thảo, trong đó có khoản tiền gần 6.500 tỉ đồng tại EVN được cho là vi phạm, đã bị loại ra?
- Sau khi có dự thảo, Thủ tướng có chỉ đạo đồng ý với dự thảo kết luận, yêu cầu TTCP làm việc kỹ với các bộ ngành tài chính, công thương và các đơn vị liên quan để đánh giá chính xác, khách quan sai phạm và kiến nghị xử lý phù hợp. Tức là Thủ tướng đồng ý trên tinh thần, nhưng yêu cầu phải làm việc kỹ với các bộ ngành chứ không phải để ban hành.
Sau khi có văn bản đó, chúng tôi đã tổ chức một buổi làm việc có các bộ Tài chính, Công thương, EVN, yêu cầu EVN và các bộ ngành có văn bản chính thức vào bản dự thảo gửi Thủ tướng. Khi các đơn vị gửi văn bản, TTCP thấy có rất nhiều ý kiến mà bộ ngành và EVN giải trình khác, thậm chí có cái người ta bảo là phải bỏ ra, vì chưa đúng, trong khi anh em thanh tra đã kết luận. Do đó, tôi đã trình tổng TTCP giao cho Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra vào cuộc, nghiên cứu tất cả hồ sơ, ý kiến của các bộ ngành.
Sau thẩm định, Vụ Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra đã trình một báo cáo, trên cơ sở đó tổng TTCP chỉ đạo đoàn thanh tra nghiên cứu xem tiếp thu được đến đâu. Sau đó tổng TTCP trực tiếp chỉ đạo, chủ trì cuộc họp lãnh đạo TTCP để nghe vụ thẩm định, nghe đoàn thanh tra và ý kiến của từng phó tổng TTCP rồi mới có thông báo, kết luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Ở đây cần phân định rõ việc lắng nghe ý kiến của đoàn thanh tra hay vụ thẩm định, thì cũng chỉ phục vụ việc ra quyết định của người ký quyết định thanh tra, vì thẩm quyền thuộc về người ký. Quá trình ra kết luận thanh tra như thế cho thấy rất tỉ mỉ, rất kỹ lưỡng, rất nhiều người tham gia chứ không phải đơn thuần bỏ chỗ này, chỗ kia một cách dễ dàng.
- Có thông tin cho rằng, các cán bộ đoàn thanh tra không đồng ý việc sửa dự thảo để ra kết luận chính thức?
- Chuyện đó là chuyện nội bộ. Nhưng về nguyên tắc cán bộ cấp vụ, đoàn thanh tra là giúp việc cho lãnh đạo TTCP. Còn ý kiến khác nhau là rất bình thường. Cuộc thanh tra nào cũng có chuyện ý kiến còn khác nhau do nhận thức, do năng lực, do trình độ và do hiểu biết. Còn kết luận là trách nhiệm của tổng thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra theo quy định có nghĩa vụ báo cáo đầy đủ, trung thực, có nghĩa vụ giải trình. Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước tổng thanh tra về kết luận tôi ký.
Thật ra số tiền mấy nghìn tỉ không có chuyện mất mát đi đâu. Cho đến nay chúng tôi vẫn khẳng định không có cơ sở nói mất mát, tham nhũng mà bản chất nó là đúng hay sai so với quy định. Cái nội dung mà tôi bỏ đi, tôi có đầy đủ cơ sở để nói việc đó.
EVN nợ “đầm đìa”
Ngày 9/10, Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31-7, dư nợ cho vay đối với EVN là 118.840 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Theo Vụ Tín dụng, vốn đầu tư cho các dự án điện rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, song ngành điện chưa thu hút được nhiều vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong khi đó, vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên chỉ có thể thu xếp được
20-30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD. Tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD.