Chi hơn triệu USD để lấy bằng thạc sĩ không được ngành Giáo dục công nhận
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại EVN cho thấy, đến ngày 31/12/2011, công ty mẹ EVN đang đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết, đầu tư mua trái phiếu và cho 23 đơn vị thành viên vay vốn với tổng số tiền hơn 121.790 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ EVN chỉ có 76.742 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay là nguồn vốn vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay của các đơn vị thành viên và các nguồn vốn khác của EVN.
Đến trước thời điểm có quyết định tăng vốn điều lệ của EVN thêm 63.633 tỷ đồng thì EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ lên đến hơn 45.048 tỷ đồng. Điều này được xác định là chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 117 của Bộ Tài chính ngày 24/5/2010. Theo Thanh tra Chính phủ, công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp số tiền 121.790 tỷ đồng trên số vốn điều lệ 76.742 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN cũng đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán với số tiền được xác định là 1.997 tỷ đồng, vượt tỷ lệ quy định là chưa đúng với quy định tại Quyết định số 854 ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Quản lý nguồn tiền dồi dào, nhưng EVN lại được xác định chi cho những việc mà cơ quan chức năng chưa công nhận. Theo đó, EVN đã sử dụng nguồn kinh phí đào tạo với số tiền 1,648 triệu USD và hơn 467 triệu đồng để đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh cho cán bộ công nhân viên, nhưng bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do đại học Griggs cấp chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận.
Hạch toán “ăn chơi, giải trí” vào… giá điện
Để có phương tiện đi lại, EVN cũng đã mạnh tay chi vượt định mức hơn 3 tỷ đồng để mua "xế hộp". Trong khi đó, một đơn vị thành viên của EVN cũng “bạo tay” chi vượt 2,2 tỷ đồng để mua 6 xe hơi Camry. Đối với tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), trong năm 2011, doanh nghiệp này đã không bảo toàn được vốn nhà nước do thực hiện kế hoạch EVN giao, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn điều lệ trong năm này cũng vượt quy định. Đặc biệt, đã có 19 gói thầu trị giá hơn 299 tỷ được NPT chỉ định thầu không đúng luật. Đầu tư máy biến áp trạm Hòa Bình, trạm Đồng Hới hơn 41 tỷ đồng nhưng hiện nay phải ngừng hoạt động để sửa chữa. Bên cạnh đó, với 11 máy biến áp được đầu tư với số tiền 260 tỷ đồng nhưng khi vận hành chỉ đạt dưới 50% công suất do thiếu phụ tải. Trong khi người dân đang phản ứng với các đợt tăng giá điện của EVN thì kết luận của Thanh tra Chính phủ đã cho thấy thời gian qua, khách hàng của “nhà đèn” này đã phải móc hầu bao để trả những khoản tiền vô lý vì được hạch toán trong giá điện. Theo đó, kết quả kiểm tra 6 dự án thì EVN sử dụng hơn 355.000m2 đất để xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên gồm nhà biệt thự đơn lập, song lập, sân tennis, bể bơi… với giá trị gần 600 tỷ đồng.
EVN chi gần 600 tỷ đồng để xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… và chi phí này được tính vào giá bán điện. |
“Nếu là người trong ngành sẽ không thấy sai phạm lớn”
Ngay sau khi những thông tin gây sốc về các bê bối trong kết luận thanh tra được đưa ra, trả lời báo chí, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Hoàng Quốc Vượng cho hay, thanh tra là hoạt động bình thường. Theo ông Vượng, những nội dung trong kết luận do Thanh tra Chính phủ đưa ra “nếu là người trong ngành sẽ không thấy sai phạm lớn”. Do đó, cần có những ý có thể cần nói thêm để người dân hiểu.
Trong thông cáo phát đi mới đây, đối với “cáo buộc” đem tiền đầu tư ngoài ngành, theo EVN, nguồn vốn đầu tư ngoài công ty mẹ (EVN) được hiểu là việc EVN dùng vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, phân phối điện theo cơ chế, quy định của Nhà nước. Trước đây, khi còn là tổng công ty Điện lực Việt Nam, các đơn vị này đều thuộc tổng công ty. Tuy nhiên, khi chuyển sang mô hình tập đoàn, có sự thay đổi: Công ty mẹ là một pháp nhân; các công ty con, công ty liên kết cũng là pháp nhân như công ty mẹ. Mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết thông qua hình thức công ty mẹ đầu tư vốn vào công ty con, công ty liên kết. “Như vậy, ở đây chỉ là sự thay đổi mô hình hoạt động, còn bản chất các khoản đầu tư của EVN vào các công ty con, công ty liên kết sản xuất kinh doanh điện, không phải là khoản đầu tư mới ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện”, EVN khẳng định.
Riêng nội dung tính chi phí xây biệt thự, sân tennis vào giá điện, lý giải của tập đoàn này là khi thu hút những cán bộ công nhân, kỹ sư có trình độ cao về làm việc tại các nhà máy trong các điều kiện khó khăn nên các nhà máy điện đều phải có khu quản lý vận hành sửa chữa, trong đó có hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân. Những nhà ở này thực chất là nhà ở công vụ, khi cán bộ công nhân không làm việc ở nhà máy phải trả lại nhà và ra khỏi khu quản lý vận hành/nhà công vụ này. “Các nhà ở biệt thự đơn lập, song lập được xây dựng cho các chuyên gia sinh sống trong quá trình thi công nhà máy. Sau khi nhà máy xây dựng xong, các chuyên gia không ở nữa sẽ chuyển thành nhà khách cho khách đến làm việc hoặc nhà ở phục vụ quản lý vận hành” - thông cáo của EVN cho biết.