Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu vị trí xây ga ngầm sát hồ Hoàn Kiếm

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các cơ quan liên quan đề xuất phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đảm bảo đúng quy định về di sản văn hóa.

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Phó thủ tướng chỉ đạo UBND Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thiết kế tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đảm bảo đúng quy định về di sản văn hóa.

Ông cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp có ý kiến chính thức bằng văn bản về phương án do Hà Nội đề xuất, gửi UBND TP để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.

ga ngam C9 anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu nghiên cứu vị trí thiết kế ga ngầm hồ Hoàn Kiếm đảm bảo đúng quy định về di sản văn hóa.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 được TP Hà Nội phê duyệt với chiều dài 11,5 km. Lộ trình tuyến điểm đầu tại khu đô thị Nam Thăng Long theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, điểm cuối trên đường phố Huế.

Trong đó, có 7 ga ngầm: Ga C4 - ga Bưởi, ga C5 - ga Quần Ngựa, ga C6 -ga Bách Thảo, ga C7 - ga Hồ Tây, ga C8 - ga Hàng Đậu, ga C9 - ga hồ Hoàn Kiếm, ga C10 - ga Trần Hưng Đạo...

Tháng 3/2018, mô hình tổng mặt bằng ga ngầm C9 nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm được trưng bày lấy ý kiến nhân dân nhưng đã nhận rất nhiều ý kiến trái chiều từ các tổ chức, cá nhân có chuyên môn.

Tháng 8/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu Hà Nội cân nhắc việc xây ga C9 sát hồ Hoàn Kiếm. Cơ quan này đề nghị tịnh tiến thân ga về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng để ra xa vùng bảo vệ 2 của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trước đó cũng có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2.

Ủy ban này cho rằng ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô.

Hai tháng sau, Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng khẳng định vị trí dự kiến xây dựng ga ngầm C9 không xâm phạm khu vực bảo vệ lõi và các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ các quy định về di sản văn hoá.

Hà Nội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Văn hoá xem xét đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Nhà ga C9 dự kiến bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách từ thân ga C9 tới hồ Gươm là khoảng 10 m, tượng đài Cảm tử 81 m, đền Bà Kiệu 83 m, Tháp Bút 36 m, vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.

Ga có bốn cửa lên xuống. Cửa số 1 và công trình phụ trợ nằm trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội. Cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Cửa số 3 ở khu vực vườn hoa hồ Gươm. Cửa số 4 có hai phương án là sau tượng đài Cảm tử hoặc phố Hàng Dầu.

Chui rào đi làm khi qua công trường nhà ga metro ở trung tâm Hà Nội

Đoạn đường 200 m trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị rào chắn phục vụ thi công ga ngầm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội khiến nhiều người dân bất ngờ.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm