Chiều 15/5, tại An Giang, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về việc phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ NN-PTNT báo cáo rằng vùng ĐBSCL hiện có 90 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 562 km. Trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn với chiều dài gần 34 km.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát thực tế ở khu vực ven sông Hậu. Ảnh: VGP. |
Trong đó, nguyên nhân gây sạt lở được xác định do mất cân bằng bùn cát từ việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát ở lòng sông, ven biển. Theo Viện khoa học Thủy lợi miền Nam, năm 2013 tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông ở ĐBSCL khoảng 3 triệu m3, trong khi lượng khai thác lên đến 28 triệu m3.
Ngoài ra, tình trạng sạt lở còn do nạn chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn. Địa chất khu vực sạt lở cũng được đánh giá chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi.
Về vấn đề sạt lở, Phó thủ tướng nói rằng nhiệm vụ trước mắt và quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo đảm cuộc sống cho người dân. Ông đề nghị các ngành liên quan tăng cường rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở để có biện pháp di dời, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
“Đối với hộ dân phải di dời, cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống. Không để người dân bị thiếu đói, thiếu điều kiện sinh hoạt. Có phương án hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở buộc phải di dời”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh vùng ĐBSCL tăng cường quản lý khai thác cát, kiên quyết ngăn chặn nạn khai thác trái phép; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Các tỉnh cần kiểm tra thường xuyên các công trình xây dựng ven sông, bờ biển. Triển khai các biện pháp ngăn chặn, khắc phục khẩn cấp sạt lở tại các khu vực xung yếu.
Theo Phó thủ tướng, giải pháp quan trọng nhất trong việc chống sạt lở vẫn là công tác quy hoạch. Trong đó, các ngành, các địa phương phải rà soát để kịp thời điều chỉnh quy hoạch để hợp với sự biến đổi khí hậu.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở nơi có địa chất mềm yếu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu giải pháp chỉnh trị sông, ven biển để hạn chế xói lở.
Bộ TN-MT tổ chức đánh giá tổng lượng bùn cát đến từ thượng nguồn sông Cửu Long và tổng lượng cát khai thác trong vùng ĐBSCL hàng năm để làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục.