Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Nguồn: TTXVN. |
Chiều 12/1, dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Văn phòng Chính phủ, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa tổ chức đã nêu bật 10 điểm sáng trên tất cả các mặt công tác.
Trong thành tựu chung, trong mỗi điểm sáng đều có sự đóng góp quan trọng, thiết thực của Văn phòng Chính phủ - bộ máy giúp việc trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các kết quả đạt được của Văn phòng Chính phủ trong năm 2023 là khá toàn diện trên cả 3 mặt công tác và 16 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn. Trong số đó nổi bật là thực hiện tốt việc xây dựng, theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành, trình 100% đề án thuộc Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện hơn 18.000 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số nhiệm vụ đã hoàn thành tăng 13,9%, đạt 67,8%; số nhiệm vụ quá hạn giảm, chỉ còn gần 2,2%.
Văn phòng Chính phủ đã có nhiều sáng kiến, đóng góp tích cực, hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, với việc kiến nghị, chuẩn bị tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Theo dõi, thẩm tra trình Chính phủ 49 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Văn phòng Chính phủ tích cực tham mưu trong việc trình các dự án luật, pháp lệnh bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi) - những dự án luật quan trọng, khó, phức tạp, nhạy cảm, có tác động sâu rộng. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát hệ thống văn bản theo Nghị quyết 101/2023/QH15 trong 22 lĩnh vực, với trên 500 văn bản…
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận Văn phòng Chính phủ tham mưu xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, nhạy cảm, phức tạp; xử lý khối lượng công việc thường xuyên ngày càng nhiều, khó, phức tạp, yêu cầu cao hơn.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận, xử lý gần 163.400 văn bản, tăng 7%, phát hành gần 29.000 văn bản, tăng 13%, trình lãnh đạo Chính phủ trên 14.800 phiếu trình, tăng 12%, ban hành 92 nghị định, 264 nghị quyết, tăng 28%, 33 quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ, tăng 14%, 32 chỉ thị, tăng 39%, 104 công điện, tăng 23%, 767 thông báo ý kiến kết luận của lãnh đạo Chính phủ, tăng 34%...
Văn phòng Chính phủ tiếp tục tiên phong, đóng góp tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ Điện tử, hướng tới Chính phủ số; có nhiều đóng góp cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ công tác giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể…
Về nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý nhiệm vụ của Chính phủ là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp và phải xử lý nhiều vấn đề chưa có tiền lệ.
Do đó, Văn phòng Chính phủ phải nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bám sát Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 01, 02, Chương trình Công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng để thường xuyên đôn đốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng các đề án, đưa các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.
Văn phòng Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực hiện nhiệm vụ, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản, đề án; kịp thời báo cáo xử lý những vấn đề phát sinh.
Văn phòng Chính phủ phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, kịp thời báo cáo tình hình, nguy cơ chậm trễ, không hoàn thành theo tiến độ. Nâng cao chất lượng tham mưu tổng hợp trong xây dựng thể chế cho xứng tầm đột phá chiến lược. Nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối tránh lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách; đôn đốc trình đúng hạn, không để nợ đọng, không để khoảng trống quyền lực.
Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan trong việc tổng kết, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật; chủ trì trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò điều phối xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết đúng vấn đề, đúng trách nhiệm. Nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tham mưu xử lý nhanh các nhiệm vụ phát sinh, đòi hỏi yêu cầu cấp bách.
Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành; tăng cường Chuyển đổi Số, xây dựng Chính phủ Điện tử hướng tới Chính phủ Số; tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính và Chuyển đổi Số Quốc gia, xây dựng Chính phủ Điện tử.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; quản lý, vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ Điện tử; phát huy hiệu quả hơn nữa nhiều kênh thông tin tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng Đảng bộ Văn phòng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, thật sự thân ái, đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng lưu ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ thật sự bản lĩnh, vững về chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác.
Văn phòng Chính phủ tiếp tục đổi mới và làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.