Sáng 18/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
TP.HCM và các địa phương khu vực phía nam đang có diễn biến dịch phức tạp với số người mắc liên tục gia tăng, do dịch đã lây lan ra cộng đồng với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Trong khi đó, nhiều người đã đi, đến TP.HCM trước đó có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.
Thu hẹp “vùng đỏ”
Ban Chỉ đạo nhận định tình hình dịch cơ bản vẫn kiểm soát được trên cả nước. Ở miền Bắc, đến nay cơ bản dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đang kiểm soát được tình hình ở các tỉnh, thành phố khác.
Khu vực miền Trung còn một số tỉnh như Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng đang phức tạp, có những ổ dịch mới, phải tập trung lực lượng để khoanh vùng, dập dứt điểm.
Phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
Trong khi đó, dịch ở TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương, vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải.
Ban Chỉ đạo nhận định nguy cơ hiện hữu là dịch từ TP.HCM sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác. Vì vậy, Thủ tướng đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phố phía nam.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm.
Những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực phía nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược "ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch và điều trị", giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.
Những địa phương như TP.HCM, Bình Dương và khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công”.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16 thành 2 nhóm. Ảnhh: TTXVN. |
Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.
Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm.
PGS.TS Trần Đắc Phu
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng trong chính mỗi địa phương, có những xã, huyện có nguy cơ rất cao nhưng có những vùng có nguy cơ rất thấp. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ thấp hơn.
"Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm. Tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng, tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch", ông Phu lưu ý.
"Không dàn hàng ngang” khi xét nghiệm
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống sẽ sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long giải thích thêm hiện độ nhạy của xét nghiệm nhanh hiện đã tương đương với xét nghiệm rRT-PCR trong mẫu gộp. Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19) chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Ảnh: VGP. |
Ở những nơi chưa bị dịch nhiều, các địa phương phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh sàng lọc tại bệnh viện, bảo vệ tối đa hệ thống y tế. Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng cần tăng cường sử dụng xét nghiệm rRT-PCR gộp nhiều mẫu đơn tại những điểm có nguy cơ cao như các chợ, bến xe, quán nước...
Về chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chống dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các địa phương đang gặp khó khăn trong cơ chế mua sắm, thủ tục quy trình qua nhiều bước, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp hạn chế…
Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR mỗi ngày.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Trước nhu cầu rất lớn, Bộ trưởng Y tế khẳng định sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới về xét nghiệm nhanh và các doanh nghiệp trong nước về xét nghiệm RT-PCR.
Về thiết bị xét nghiệm, theo ông Long, số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay. Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR /ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.
Chấp nhận cả kết quả rRT-PCR và xét nghiệm nhanh
Liên quan đến đảm bảo lưu thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết vướng mắc nhất hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng mỗi địa phương lại yêu cầu khác nhau đối với loại xét nghiệm (nơi yêu cầu rRT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh), thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm…
Bộ GTVT đề nghị phải có hướng dẫn thực hiện thống nhất cho tất cả địa phương về giấy chứng nhận xét nghiệm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn
“Bộ GTVT đề nghị phải có hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất cho tất cả địa phương”, ông Tuấn kiến nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm rRT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày.
Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hoá trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện Chỉ thị 16 không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.