Ngày 6/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trì tổng kết chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017, định hướng giai đoạn 2018-2020.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và trở thành một cuộc vận động to lớn trong các tầng lớp xã hội.
Đi đầu nhờ xác định người dân là chủ thể
Phó thủ tướng đánh giá cao Ban chỉ đạo đã nhanh chóng tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định số 27 về Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đầu năm 2012, tạo dựng nền tảng khoa học để triển khai nhiệm vụ.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Chung.
|
“Phong trào nào, cuộc vận động nào cũng phải dựa trên những luận cứ khoa học và Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có được nền tảng này, được ứng dụng và hỗ trợ hiệu quả cho xây dựng nông thôn mới”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Phó thủ tướng lấy dẫn chứng Nam Định dẫn đầu phong trào trên cả nước, nhờ việc xác định người dân chính là chủ thể của chương trình và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xử lý rác thải với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp.
“Nếu ngồi trong phòng lạnh nghiên cứu khó mà sát thực, thành công được. Hiệu quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới có sự tâm huyết của đội ngũ trí thức, những người làm khoa học đối với sự nghiệp nông dân, nông thôn và nông nghiệp và được phát huy năng lực rõ nét”, Phó thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các viện nghiên cứu cần tập trung nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học trong xây dựng thể chế, chính sách trong thực hiện các vấn đề cụ thể như xử lý rác thải, nước sạch cho vùng nông thôn, các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hoá bản sắc các vùng miền, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, bảo đảm an ninh, an toàn cho đời sống cư dân nông thôn.
5.000 hộ nông dân hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới
Trưởng ban chỉ đạo cũng bày tỏ coi trọng vai trò của địa phương trong phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các viện nghiên cứu trong đặt hàng, xây dựng các đề tài, dự án để ứng dụng trên địa bàn, tăng cường hỗ trợ các start- up địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã lựa chọn được 69 đề tài (trong tổng số gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ) để thực hiện, bám sát các mục tiêu và nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng nông thôn mới; xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi, giúp các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả rõ rệt. Bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước chỉ còn 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Phó thủ tướng đánh giá cao sự tham gia của các chính quyền địa phương. Ảnh: Thành Chung.
|
Điểm nổi bật trong các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn của chương trình là đã đề xuất nhiều giải pháp có tính liên ngành, các mô hình liên kết trình diễn cụ thể trong sản xuất; các giải pháp khoa học xã hội và khoa học công nghệ từ quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đời sống văn hóa, đến lồng ghép ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Chương trình cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp (đóng góp kinh phí đối ứng tới 43% tổng kinh phí), nông dân, hợp tác xã tham gia, cơ bản thiết lập được cầu nối giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ, bước đầu bảo đảm công bằng thương mại cho nông dân.
Phó thủ tướng đánh giá cao việc chính quyền các địa phương cũng tích cực tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án mở rộng, phát triển ở các vùng sản xuất trọng điểm thuộc Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.