Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Môi trường tốt thì người dân sẵn sàng đầu tư

Theo Phó thủ tướng, tiền Nhà nước bỏ ra đầu tư chỉ có tác dụng "mồi" thêm, thực chất vàng trong dân còn nhiều, ngoại tệ về nhiều và đây mới là nguồn cần để phát triển.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế, chứ không để lại cho con cháu đời sau.

Tiền nhà nước đưa ra đầu tư chỉ để "mồi" thêm

Một trong những vấn đề được quan tâm là Chính phủ đề xuất nới trần nợ công, để có dư địa mới cho đầu tư phát triển. Về việc này, Phó thủ tướng cho hay nới hay không đã được bàn thảo khá nhiều. Nhiều người nói rằng tại sao các nước phát triển nợ công hơn 100%, thậm chí 200% mà Việt Nam lại chốt ở mức 65%.

Phó thủ tướng cho biết điều này đã được Chính phủ tính toán kỹ. Khả năng trả nợ mới là điều quan trọng nhất. Để bảo đảm bền vững an toàn nợ công, dứt khoát phải khống chế trần không vượt quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% và nợ nước ngoài không quá 55% cho đến năm 2020. Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ và đã trình với Quốc hội.

Cũng theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, để bảo đảm đất nước phát triển thì phải có thể chế để huy động cao độ nguồn lực. Chính phủ đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Số doanh nghiệp thành lập nhiều lên, đầu tư nhiều hơn; môi trường kinh doanh tốt hơn thì người dân sẵn sàng bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh. Và điều quan trọng là làm sao để người dân bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh.

"Mọi người đều nói kiều hối về cũng nhiều, ngoại tệ trong dân cũng nhiều, vàng trong dân cũng còn lắm. Một đồng Nhà nước bỏ ra đầu tư chỉ có tác dụng 'mồi' thôi", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Pho Thu tuong noi vang trong dan con lam anh 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Thắng Quang

Ai làm đội vốn đầu tư công phải chịu trách nhiệm

Về việc tái cơ cấu đầu tư công, Phó thủ tướng nói rằng phải nằm trong tái cơ cấu lại thu chi ngân sách và bảo đảm bền vững, an toàn nợ công. Muốn như thế ngân sách chỉ đầu tư vào những vấn đề thiết yếu, quan trọng, có tính chất là mồi. Chính phủ phấn đấu để tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư của toàn xã hội giảm xuống. 

Thứ hai, phải coi tiết kiệm là quốc sách và siết chặt kỷ luật kỷ cương. "Cố gắng tăng thu để tăng chi, nhưng chi tiêu là phải trong khả năng của nền kinh tế, chứ không để lại cho đời sau. Vay nợ là phải trong khả năng trả nợ chứ dứt khoát không nới trần nợ công", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Giải thích về con số cần 10 triệu tỷ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế, Phó thủ tướng cho hay cứ nhân lên tổng mức huy động toàn xã hội khoảng 30% GDP. Mỗi năm 220 tỷ USD thì 5 năm được bao nhiêu rồi tính 30% của số đó, sẽ ra con số cần huy động nguồn lực. 

Cũng theo Phó thủ tướng, sau khi có Chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, Nhà nước kể cả Trung ương, địa phương chỉ chịu trách nhiệm về phần vốn đã được duyệt.

“Còn ai làm đội vốn thì người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm. Chính phủ kỷ luật, thắt chặt tài chính ngân sách nên lần này phải làm rất kỹ lưỡng, kỷ cương về ngân sách”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ dự kiến tổng mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 2 triệu tỷ đồng, bao gồm 260 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó ngân sách Trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 50% so với nhu cầu đầu tư.

Dự kiến phương án phân bổ chi tiết 2 triệu tỷ này gồm 72.817 tỷ đồng cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia, là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; 38.916,47 tỷ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội.

Chính phủ cũng dự kiến 7.000 tỷ vốn điều lệ cho Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; 7.300 tỷ hỗ trợ nhà ở cho người có công, 10.000 tỷ cho dự án chống ngập TP.HCM; 20.000 tỷ đầu tư 5 bệnh viện tuyến cuối…

Huy động vàng trong dân là đi ngược với nguyên tắc kinh tế

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố, đánh giá việc huy động vàng là đi ngược nguyên tắc kinh tế và khiến vàng hóa trở lại.

 

Thắng Quang - Kiều Linh

Bạn có thể quan tâm